10/11/2012 02:03 GMT+7

"Tôi đã lớn?"

HẢI THI - PHI LONG
HẢI THI - PHI LONG

TT - Đó là băn khoăn của rất nhiều học sinh tuổi 16.

Ở độ tuổi này, nhiều bạn trẻ muốn được tự quyết những việc trong khả năng, được công nhận như người thành niên để được lắng nghe, tôn trọng, tham gia các vấn đề của gia đình, xã hội. Tuy nhiên các bạn vẫn hồ nghi mình đã thật sự lớn chưa...

8mAXGQ5M.jpgPhóng to
Tham gia các hoạt động xã hội sẽ giúp các bạn trẻ trưởng thành hơn. Trong ảnh: những chiến sĩ Hoa phượng đỏ tuổi 16 tham gia nạo vét kênh mương trong chiến dịch tình nguyện Hoa phượng đỏ năm 2012 - Ảnh: PHI LONG

Đủ lớn để được thừa nhận

Dù vẫn tự nhận “chỉ biết học chứ không biết gì ngoài đời” nhưng dựa trên những thông tin nhặt nhạnh từ Internet, truyền miệng từ bạn bè, nghe lõm từ bố mẹ... nhiều học sinh lứa tuổi THPT đã có sự tranh luận, phản biện nhau về những vấn đề chung của xã hội. Tuy vậy, sự chín chắn khi thể hiện quan điểm của các bạn chỉ được ghi nhận bởi chính bạn bè đồng lứa với sự chứng kiến của... gốc bàng, ghế đá khi trong lớp lẫn ở nhà, đa số học sinh không có “đất” để cất lên tiếng nói. “Nhiều em đến gặp tôi, tấm tức khi luôn bị người lớn gạt ra ngoài luồng, không được can dự, đóng góp ý kiến cho những vấn đề của gia đình. Ba mẹ bàn chuyện thời sự, các em mở miệng góp chuyện cũng bị gạt đi, bảo con nít biết gì!” - cô Ngô Thị Mộng Thu, giáo viên phụ trách phòng tư vấn học đường Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), chia sẻ.

Không những bị gạt phăng khỏi những vấn đề “người lớn”, đa số các bạn trong độ tuổi 16-18 vẫn được ba mẹ “bảo hộ” về mọi mặt. “Nhiều lúc em ức chế kinh khủng khi ở tuổi này vẫn chưa được tự quyết chuyện tóc tai, quần áo. Em vẫn bị cấm giao du với con trai, không được đi chơi với nhóm bạn dưới 10 người. Thậm chí đến lớp học thêm, nếu cô giáo chưa vào thì em phải đứng ngoài với bố mẹ, không được vào lớp” - Trần Ngọc Thùy Dương, học sinh lớp 11A3 Trường THPT Nguyễn Huệ (Q.9), cho biết. Sang năm lên lớp 12, trước ngưỡng chọn khối ngành thi ĐH, như nhiều bạn đồng lứa, Dương băn khoăn không biết nên chọn theo ý mình hay nghe theo định hướng của gia đình. “Nhà em toàn bác sĩ nên bố mẹ muốn em thi khối B, trong khi em muốn thi khối D, sau này làm giáo viên dạy tiếng Anh. Nghĩ vậy nhưng em vẫn không dám đặt vấn đề”. Em chỉ mong bố mẹ chịu lắng nghe em hơn, tôn trọng ý kiến của em hơn vì em cũng không còn nhỏ” - Dương bày tỏ.

Với nhiều học sinh khác, khi được ba mẹ tin tưởng trao quyền, các bạn đã thể hiện sự chín chắn trong nhận thức khi có thể đưa ra những quyết định trong khả năng. Nguyễn Hoàng Linh Phương, học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), cho biết trước khi bước vào tuổi 16, bạn đã tự quyết định những mục tiêu phấn đấu: vào Trường Minh Khai, dẫn đầu trong hoạt động Đoàn. Nói về mình, Giang Nguyễn Thúy Hằng, lớp 11 Trường THPT Quang Trung (huyện Củ Chi), khẳng định bản thân tự quyết những vấn đề cá nhân vì đã đủ khả năng cho những việc đó. “Sẽ là gò bó nếu người lớn áp đặt suy nghĩ, quyết định thay chúng em vì cho rằng chúng em còn quá nhỏ” - Thúy Hằng nói chính kiến của mình.

Bên cạnh mong muốn được thừa nhận đã “đủ lớn”, nhiều nam sinh như Trà Anh Huy - học sinh lớp 12A5 Trường THPT Thủ Đức (Q.Thủ Đức) - còn muốn được công nhận như người lớn và chịu trách nhiệm như người lớn ở khoản quan hệ tình dục. “Thật ra ở tuổi này, con trai tụi em đã có nhu cầu đó, đa số đã có chuyện đó dù rất sợ vì biết vậy là phạm luật. Tụi em muốn được thừa nhận rồi chịu trách nhiệm cho hành động của mình thay vì cứ lén lút một cách vô trách nhiệm như hiện nay” - Huy bộc bạch.

Lớn hay không còn do gia đình, nhà trường

Muốn được thừa nhận là vậy, nhưng tâm lý chung đa số học sinh phổ thông đều lắc đầu cho rằng chuyện được công nhận là người lớn ở tuổi 16 là viển vông. “Nếu Quốc hội có công nhận tụi em 16 tuổi là đã lớn, thì ở nhà ba mẹ vẫn coi tụi em là con nít thôi. Tụi em vẫn bị gia đình và nhà trường áp đặt hầu hết mọi việc. Vậy khác nào dù có quyền “người lớn” nhưng không được tự do sử dụng quyền?” - Châu Duy Cảnh, học sinh lớp 10A9 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức), băn khoăn.

Tuy nhiên, dù muốn nhưng phần lớn các bạn đều sợ “lớn” do tự nhận mình còn thiếu nhiều kỹ năng. “Thật ra, mọi người chưa an tâm về tụi em cũng có lý. Ở trường tụi em toàn được học những điều cao siêu chứ không được giáo dục kỹ năng áp dụng vào thực tế. Như môn giáo dục công dân, nhóm em bạn nào cũng chín, mười phẩy, nhưng không ai hiểu thật sự hai chữ “công dân” là gì và phải thực hiện những nghĩa vụ công dân như thế nào” - Nguyễn Nhựt Minh, học sinh lớp 10A9 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức), cho biết.

Cô học trò Võ Trần Mai Anh, học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cũng bày tỏ: “Nếu nói ở tuổi 16 chúng em trưởng thành cũng không hẳn đúng, vì ngay các anh chị 18 đã trưởng thành đâu. Bản thân em và bạn bè có nhiều kiến thức nhờ Internet, sách báo nhưng vẫn thiếu hụt khá trầm trọng kinh nghiệm sống, kinh nghiệm thực tế”.

Rất nhiều học sinh cấp III cùng đồng ý rằng: thực tế các bạn đã phát triển toàn diện về thể chất và hoàn chỉnh tương đối về nhận thức, nhưng chỉ khi nào gia đình thôi khư khư bảo bọc các bạn, giáo dục nhà trường hướng nhiều hơn đến mảng kỹ năng sống, lúc đó tuổi 16 mới hội đủ cơ sở để tự tin khẳng định “tôi đã lớn”.

HẢI THI - PHI LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên