Trailer phim 24 tuần - Nguồn: Liên hoan phim quốc tế Stockholm 2016
Anne Zohra Berrached sinh năm 1982 tại Erfurt (Đông Đức).
Cô từng học ngành tâm lý sư phạm và là giảng viên sân khấu kịch.
Sau khi kết thúc công việc trợ lý sản xuất phim truyền hình năm 2009 cô vào Học viện Điện ảnh Baden -Wuttemberg học ngành đạo diễn.
Phim đầu tay Hai người mẹ (Two mothers) khi cô còn là sinh viên năm thứ 3 đã được công chiếu tại liên hoan phim quốc tế Berlin 2013.
Phim thứ hai 24 tuần (24 weeks) được chọn tranh giải tại liên hoan phim quốc tế Berlin 2016, giành được 16 giải thưởng quốc tế.
24 tuần kể về việc mang thai của nữ diễn viên hài nổi tiếng Astrid. Tới tháng thứ 6, Astris mới biết đứa con trong bụng bị mắc chứng Down, và bị khiếm khuyết về tim.
Dù đau đớn nhưng cô vẫn phải đối mặt với hai lựa chọn: giữ hay bỏ đứa bé. Phá thai muộn được luật pháp Đức chấp nhận, nhưng đây vẫn là đề tài gây tranh cãi về mặt đạo đức ở nước này.
Anne Zohra Berrached cho biết ở Đức những bác sĩ thực hiện nhiệm vụ phá thai thường bị chỉ trích. Nhiều người còn bị đặt trước cửa nhà quả trứng thối, hoặc con búp bê vải trắng bôi màu đỏ như máu.
Bản thân Anne cũng khiến đồng nghiệp ngạc nhiên khi dám đặt chân vào địa hạt nhạy cảm này. Nhưng chính vì tinh thần dấn thân đã giúp cô thành công.
Bộ phim không chỉ được tranh giải tại liên hoan phim quốc tế Berlin năm 2016, mà còn gặt hái được rất nhiều giải thưởng quốc tế.
Tuổi Trẻ online đã trò chuyện với Anne vào ngày khai mạc liên hoan phim Đức 2017 tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia Hà Nội.
Đạo diễn Anne Zohra Berrached tại Hà Nội - Ảnh: Viện Goethe
* Khán giả Đức đã rất khắt khe với 24 tuần, khán giả các nước châu Á đón nhận phim của chị thế nào?
- Mỗi nước có bản sắc văn hóa riêng nên cách đón nhận rất khác nhau. Người châu Âu rất kĩ tính và họ cũng sẵn sàng biểu đạt ý kiến của mình.
Tôi đã từng chiếu tại Hàn Quốc, tôi thấy cách đón nhận của người châu Á thận trọng và trầm hơn.
* Rất nhiều bộ phim về đề tài phá thai có những hình ảnh rùng rợn. 24 tuần không có cảnh đó, nhưng có khả năng khiến khán giả "ghê người". Chị đã tính toán thế nào để tác động đến cảm xúc của khán giả?
- Khi sản xuất bộ phim về chủ đề nhạy cảm tôi luôn cân nhắc về diễn xuất, yêu cầu diễn viên diễn nhập tâm, thật nhất có thể.
Tôi chú trọng khắc họa tâm lý của nhân vật nữ chính, những cảm xúc của cô ấy phải trải qua để lôi kéo khán giả tập trung vào cô ấy.
Khi biết cô ấy mang thai một đứa trẻ mắc chứng Down nhưng vẫn muốn giữ thai, khán giả sẽ yêu mến và muốn theo dõi tiếp cô ấy.
Tôi cũng mời bác sĩ, y tá thật vào phim. Tôi chỉ tạo ra tình huống để họ làm các công việc hàng ngày, khiến khán giả cảm thấy rất chân thật.
Ví dụ cảnh sinh nở, phá thai, chỉ quay đúng trong 3 cảnh là xong, không hề có thử trước. Có những cảnh quay trong một tiếng mà không có cảnh cắt, giống phim tài liệu.
* Đạo diễn Hong Kong Vương Gia Vệ thường quay cảnh nóng đầu tiên, vì quan niệm nếu diễn viên vượt qua được những cảnh khó ngay từ đầu, về sau họ sẽ kết hợp với nhau dễ hơn. Chị thì sao?
- Tôi cũng như Vương Gia Vệ, tôi quay cảnh nóng trong phim 24 tuần vào đầu phim luôn.
* Diễn xuất của nữ chính 24 tuần rất tuyệt, chị đã làm việc với cô ấy thế nào?
- Tôi bảo cô ấy là đừng chuẩn bị gì cả. Vì thực tế những bà mẹ chẳng bao giờ chuẩn bị trước tinh thần đứa con trong bụng bị bệnh.
Tôi yêu cầu cô ấy không nghiên cứu bất cứ vấn đề nào về chuyện dị tật thai nhi, để cô ấy giữ được cảm xúc bất ngờ phải đối diện với tình huống trầm trọng.
Công việc của tôi là thúc đẩy để cô ấy có thể bộc lộ cảm xúc một cách chân thật, mạnh mẽ nhất.
Đạo diễn Anne Zohra Berrached
Anne Zohra Berrached trong ngày khai mạc LHP Đức 2017 tại Hà Nội - Ảnh: Viện Goethe
* Nghe nói chị đã tìm hiểu rất nhiều về phá thai muộn, thậm chí đi gặp gỡ các cặp đôi có vấn đề về con cái… Làm cách nào để chị đưa bộ phim của mình thoát ly khỏi cái nền hiện thực ấy?
- Tôi viết kịch bản hơn một năm, trong thời gian đó tôi đi gặp các bác sĩ phụ sản, các cặp đôi gặp vấn đề, tôi đã phỏng vấn họ bằng máy ghi âm.
Tôi muốn làm theo phong cách phim tài liệu. Tôi đã quay các bác sĩ thật họ làm việc với nhau như thế nào để mang về nghiên cứu.
Ngoài ra, tôi có tiếng nói riêng, để bộ phim không chỉ phản ánh sự thật mà phản ánh cả tầng suy nghĩ của tôi.
* Từng học ngành tâm lý nên chị xây dựng tâm lý nhân vật trong phim 24 tuần rất tốt. Nhưng tôi cảm thấy những người làm ngành xã hội thường không mạnh về hình ảnh?
- Tôi rất thích quan sát các mối quan hệ của con người, tìm hiểu xem họ nghĩ gì, cảm thấy gì, cách họ ứng xử. Điều đó đã giúp tôi rất nhiều khi làm 24 tuần.
Nhưng tôi không phải là đạo diễn giỏi về thiết kế hình ảnh. Chị đã xem 4 tháng, 3 tuần, 2 ngày, một bộ phim có đề tài tương tự 24 tuần, chị biết đạo diễn đó chau chuốt về hình ảnh thế nào rồi đấy.
Còn tôi, khi bắt đầu quay, khi chưa tìm ra phương án quay, tôi phẩy tay kiểu: thôi bỏ đi, hãy quay sao cho chân thật, đơn giản nhất. Tôi vẫn phải cố gắng về mặt hình ảnh.
* Chị từng đóng phim Thế hệ Y, sau phim đó chị muốn làm diễn viên nữa không?
- Ôi không, tôi chẳng thích thú gì nghề diễn viên cả. Là diễn viên thì phải biết nghe đạo diễn, đằng này tôi chỉ đạo lại cả đạo diễn khiến anh ấy phát điên. Đó là vai đầu tiên và là vai cuối cùng của tôi (cười).
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Anne Zohra Berrached trong ngày khai mạc Liên hoan phim Đức 2017 tại Hà Nội - Ảnh: Viện Goethe
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận