TTCT - Tôi muốn tin La Habana không phải ngẫu nhiên là danh từ giống cái, cho dù cô bạn dẫn đường mà luôn lạc đường của tôi, Mariposa, cả quyết đó là tên của một tù trưởng da đỏ ngày xưa, từng thống trị cả dải ven biển Nam Cuba. Nhạc Cuba kéo ta khỏi ghế, dù người nghe chẳng hiểu ca từLa Habana có cái duyên ngầm đậm đà của một người đàn bà ngăm ngăm, hông nở, pha trộn với quá nhiều mâu thuẫn của một dải đất vừa hừng hực gió mặn Caribê lại vừa tiều tụy sau nửa thế kỷ bị phong tỏa kinh tế.Nhưng tất cả sẽ trôi vào lãng quên trong tiếng nhạc salsa rộn ràng mà nếu nghe được thì Colombo hồi năm 1492 đã không nhầm Cuba với Ấn Độ, hay chậm nhất là nhờ thần dược rum từ mía Cuba ở dạng chay hoặc trong hàng chục loại cocktail tại mọi góc phố và mọi hàng quán sang hèn...Hầu như các quán bar nổi tiếng nhất của thế giới này đều ở góc phố, El Floridita không là ngoại lệ. El FloriditaPhải mất một tuần và phải đi bộ mới sơ sơ khám phá được La Habana. Mà tôi chỉ có vẻn vẹn mười ngày cho cuộc tái ngộ với mảnh đất nắng gió từ thủ đô xuống đến cố đô Santigo de Cuba.Vì vậy, tôi quyết định lựa phương án lặn vào cuộc sống đỡ nóng bức hơn, nghĩa là trong các nhà hàng mát mẻ và ồn ã như tâm hồn phóng khoáng của người Caribê. Vì một lý do bí ẩn nào đó, hầu như các quán bar nổi tiếng nhất của thế giới này đều ở góc phố, El Floridita không là ngoại lệ.Nó nằm ở điểm cắt phố Obispo với đường đi bộ đông vui nhất của khu phố cổ La Habana. Aljandra sinh ra ở Holguin nhưng sống từ nhỏ ở đây, tuy nhiên nàng cũng không rõ từ đâu ra cái tên Tiểu Florida. Không chỉ các bợm rượu mới biết El Floridita, bên cạnh bar Monserrate, nó là điểm đến bắt buộc của mọi du khách đến La Habana lần đầu và với du khách balô thì hiếm khi có lần hai, vì mọi thứ đều ít thân thiện với túi tiền (ly Mojito giá 5 euro, cộng với 20% tiền phục vụ).Nhưng El Floridita có sức hút khó cưỡng. Nếu như ai cũng tưởng Bibliothèque Nacionale de France là địa chỉ mặc định của các cây bút lớn trên quả đất này thì những ghế bar gỗ gụ đen bóng của El Floridita còn được đỡ nhiều bộ mông nặng giải Nobel hơn.Hình hài đầu tiên trong góc phòng đập vào mắt ta là Ernest Miller Hemingway, hôm nay trong dạng tượng đồng thau do José Villa Soberón sáng tác hồi năm 2003 mà lần cuối tới đây tôi chưa thấy. Tác giả của Ông già và biển cả bất hủ được gán cho câu “Mojito thì uống ở Bodeguita, còn Daiquirí ở Floridita” có lẽ cũng không oan.Sinh thời, đại diện của Thế hệ vứt bỏ (Lost Generation) chìm đắm trong whiskey và rum, như hầu hết các văn sĩ mất hết hi vọng và lý tưởng sau Thế chiến thứ nhất vì họ không biết mình thuộc về đâu. Và thế là họ tìm sự an ủi cũng như cảm hứng sáng tác trong chất cồn.Quầy bar của El Floridita lần lượt là nơi diện kiến các bạn bè của Hemingway - từ nhà ảo thuật ngôn từ John Dos Passos (Ba người lính, 1921), Francis Scott Fitzgerald (Gatsby vĩ đại, 1925), đại thi nhân Ezra Pound (Exile, 1927) cho đến sau này Graham Greene (Một người Mỹ thầm lặng, 1955).Và tất nhiên cả thần tượng văn học “núi băng” Mỹ của tôi, nhà báo chiến trường thô ráp mà mẫn cảm Ernest Hemingway, người sau này tự tìm đến cái chết ở tận xứ Idaho khô cằn - có lẽ vì ông phải xa El Floridita và La Habana, nơi ông viết những tác phẩm đỉnh cao của mình?Khó khăn lắm chúng tôi mới chen vào được bên trong. Ngay sau cửa, một ban nhạc salsa đứng ép sát vào nhau vì thiếu cả chỗ đứng, tuy không vì thế mà kém say sưa đàn hát. Trước tượng Hemingway bên quầy bar và ảnh ông bên cạnh Fidel Castro là ly cocktail sóng sánh - nghi lễ đầu tiên trong ngày làm việc là nhân viên pha rượu kính cẩn đặt một ly Daiquirí trước mặt sư phụ.Mặt quầy bar cũng là gỗ gụ bóng mờ. Một cái rương gỗ sơn đen sau quầy mang hàng chữ tô nhũ vàng bằng tiếng Anh và Tây Ban Nha “Cái nôi của Daiquirí” khiến Mariposa bĩu môi thì thào vào tai tôi: “Bịa đấy!”.Daiquirí là một loại rượu pha từ rum 3 năm tuổi với đá bào nhuyễn, đường và chanh, nhưng mang tên địa phương Daquiri gần Santiago de Cuba cách đó cả ngàn cây số, vậy El Floridita không thể là nơi phát minh ra nó.Cũng phải nói thêm là trên đường xuyên Cuba tôi đã gọi Daiquirí ở khắp nơi và cắn răng chịu đựng không ít công thức tam sao thất bản của thứ rượu thần này, kể cả bị pha với Sprite và đá cục. Nếu tin vào nhật ký của Hemingway thì sư phụ của tôi chỉ gọi Daiquirí đúp trong ly để lâu trong tủ đá để mùi cồn hầu như bị đánh bạt, đôi khi thay chanh bằng một loại cam đắng có vị the và bỏ hẳn đường.Tôi thu hết can đảm để rụt rè gọi: “Cho xin hai ly Hemingway special!”. Và quả nhiên, dù bị ăn một cái lườm, Mariposa và tôi được hai ly không có xirô.Bạn có thể ngồi cả tiếng mà không ai phiền lòng, nhưng Mariposa và tôi bỏ đi. Tâm hồn Cuba phóng khoáng không hiện diện ở đây, người Cuba cũng không vào đây, đơn giản vì đắt đỏ hoặc cũng vì quá đông du khách.Bên ngoài nắng chang chang, lời sư phụ “Mi Daiquirí en El Floridita” và chữ ký Ernest Hemingway lấp lánh trên tường và cửa kính của quán dán kín quảng cáo. Không, El Floridita không còn là El Floridita của những năm xưa, khi được bầu là một trong bảy quán bar đứng đầu thế giới.Nó đã hạ mình xuống làm một nhà hàng thu ngoại tệ. Ngày ấy chỉ có tinh thần của Hemingway phảng phất trong không khí, hôm nay quầy bar đã phải cầu viện đến hình ông ngồi bên bàn để tái hiện không khí ông già và biển rượu.Đã đành ngày ấy chỉ có các văn sĩ yếm thế đến đây hay đại gia số má, phóng viên chán đời..., nhưng có khi còn lãng mạn hơn là cuộc sống thương mại hóa đã dần dần mua mất linh hồn của El Floridita. Có lẽ chẳng phải đợi McDonald’s và KFC do Obama mở đường tới đây trong những ngày cuối cùng làm tổng thống.Những chiếc xe cổ trên đường phố La Habana Đĩa nhạc “Buena Vista Social Club”Có một thứ trong tâm hồn Cuba không quá trình thương mại hóa nào làm mờ nhạt và không tiền nào mua được.Đó là loại âm nhạc xuất xứ từ các đảo Caribê, từ châu Phi xa xôi theo chân các đoàn tàu chở nô lệ đến Mỹ, nó mang âm hưởng với đủ các tên gọi như danzón, bolero, guajira, tumbao, criolla, blues... nhưng khi loại nhạc ấy ngân lên thì đó chỉ có thể là Cuba. Trong những ngày lang thang qua nhiều quán nhạc từ La Habana, Varadero, Trinidad xuống Camaguey, tôi chưa nghe một bài hát nào bằng tiếng Anh!Nhạc Cuba từ cuối thế kỷ trước có một thương hiệu mới, bắt nguồn từ album Buena Vista Social Club, đĩa nhạc thành công nhất của world music với hơn 8 triệu bản bán ra. Cái tên ấy cũng lại vay mượn từ câu lạc bộ văn hóa Club Social ở quận Buena Vista thuộc thủ đô La Habana.Hôm nay chính người bản địa cũng ít biết về nguồn gốc của nó, vì thương hiệu Buena Vista Social Club được vô số ban nhạc sử dụng khi đi ra thế giới. Điểm chung của các ban nhạc ấy là luôn có nghệ sĩ cao tuổi, mang trong máu thứ nhạc truyền thống không thể lẫn, thậm chí có cả ca sĩ tuổi trên 90!Thế hệ đầu tiên của dòng nhạc này không còn nữa, nhưng nếu Cuba nhiều thiếu thốn thì họ không hề thiếu giọng ca và tay đàn.Ngày thứ hai ở thủ đô Cuba, tôi bỏ trận bán kết túc cầu Đức - Pháp để đi nghe hòa nhạc của một trong những ban nhạc huyền thoại được phép mang tên Buena Vista Social Club ấy.Ngôi nhà Café Taberna đổ nát được vá víu qua quýt, khách khứa chen chúc bên các bàn hẹp kê ở lối đi trên lầu ba. Từ trên này nhìn xuống sân trời tối và chứa đầy vật liệu xây dựng. Mấy cây quạt công nghiệp thổi như bão mà không xua nổi nóng bức lúc chín giờ tối.“Siboney, yo te quiero, yo me muero por tu amor (Ta yêu người, ta muốn chết vì tình yêu của người)” là bài hát thịnh hành một thời ở Việt Nam. Mariposa cho tôi biết Siboney không là cô gái nào, mà thường là tên địa phương bắt nguồn từ bộ tộc Siboney, một trong ba bộ tộc lớn sống ở đảo này trước khi thực dân Tây Ban Nha đổ đến thống trị và cướp bóc.Tai tôi cũng quen cả giai điệu “Guajira Guantanamera” (Thôn nữ hay bài Guajira của Guantanamo - một kiểu chơi chữ không dịch được) và hôm nay được nghe cả hai như chưa từng được nghe.Bởi vì nhạc Cuba hình như không chấp nhận ai hát lại, nhạc Cuba phải do người Cuba hát và đàn!? Chậm nhất sau bài thứ ba là khán giả nối đuôi nhau ra khiêu vũ, dù giữa các lối đi hầu như không còn chỗ. Nhạc Cuba rần rần trong huyết quản.Nhạc Cuba kéo ta khỏi ghế, dù người nghe chẳng hiểu ca từ. Vào thời điểm cách mạng Cuba bắt đầu, cũng là thời của các vũ trường lớn, nhạc danzón của Cuba được biến thể cho chậm đi và trở thành cha cha cha, thắng lớn ở New York.Nhưng chính sách phong tỏa kinh tế của Mỹ sau khi Fidel Castro lên cầm quyền đã cắt đứt cả quan hệ văn hóa giữa Cuba và Hoa Kỳ. Nhiều người Cuba chạy qua Mỹ và tạo ra hồi đầu những năm 1960 một cao trào cuối cùng.Sau đó Mỹ nỗ lực đẩy lùi ảnh hưởng của văn hóa Cuba, vũ trường Palladium huyền thoại ở New York bị đóng cửa. Các dòng nhạc Brazil như bossa nova hay samba được huy động một cách nhân tạo để lấp lỗ hổng. Từ sau The Beatles, nhạc rock thịnh hành nhưng cũng không đặt chân được đến Cuba.Tất cả những phát triển trớ trêu đó của lịch sử như thể được Buena Vista Social Club níu lại với một dạng Latin jazz khá lạ tai. Thời gian ngừng lại ở Cuba khá lâu. “Người Cuba có nhiều thời gian hơn cuộc sống” là câu cửa miệng ở đây để giải thích tốc độ sống bình thản, hầu như không có Internet, điện thoại di động, đôi khi thiếu cả nước lẫn điện.Góc phố La Habana Vĩ thanhMariposa ngả đầu ngủ gật trên vai tôi. Đối với nàng thì đêm nhạc hôm nay cũng như tối múa rối nước cho các du khách lần đầu đến Hà Nội mà nàng chỉ đến để chiều ý tôi.Nhưng tôi thì không thể chia sẻ sự mệt mỏi đó, vì còn bị giằng xé giữa tiếng nhạc tưng bừng và những hình ảnh thu lượm được từ hai ngày đầu tiên ở La Habana. Ngày xưa tôi đã xem một đĩa phim tài liệu của Wim Wenders về Buena Vista Social Club với giọng ca huyền thoại Ibrahim Ferrer.Ông đã qua đời hồi năm 2005 và nằm ở nghĩa trang Cementerio Cristóbal Colón tuyệt đẹp mà tôi không có dịp tới. Có gì đó khó lý giải khi chứng kiến hình ảnh hoài cổ của ban nhạc này và đồng thời chứng kiến những động thái ào ào của Cuba thời đổi mới, rồi lại phải so sánh với đất nước này hồi qua đây lần trước, khi mọi người còn xếp hàng dài mua thực phẩm bằng tem phiếu.Tất nhiên tôi chỉ là du khách cưỡi ngựa xem hoa. Tất nhiên tôi còn nhớ những ngày khốn khó thời bao cấp. Tất nhiên tôi không muốn những ngày đó quay lại. Nhưng tôi có đôi chút ghen tị với người dân ở đây vì tính khí sôi nổi lạc quan của họ và vì họ đã có 20 năm cưu mang một Hemingway để thừa kế một Ông già và biển cả với màu xanh dương như chưa từng thấy ở nơi nào khác.■ Tags: CubaÔng già và biển cảLa Habana
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
TP.HCM thưởng Tết cao nhất 1,9 tỉ đồng từ một doanh nghiệp vốn nước ngoài VŨ THỦY 23/12/2024 Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM về tình hình trả lương, thưởng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, mức thưởng Tết cao nhất năm nay là 1,908 tỉ đồng từ một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Chính thức: Trả gộp lương hưu 2 tháng đầu năm 2025 trước Tết HÀ QUÂN 23/12/2024 Bảo hiểm xã hội Việt Nam có thông báo về chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội gộp 2 tháng đầu năm 2025 trước Tết Nguyên đán.
Người phụ nữ trong clip đẩy thùng rác ra giữa đường Nha Trang rồi lái xe hơi bỏ đi nói gì? NGUYỄN HOÀNG 23/12/2024 UBND phường Tân Tiến (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đang xác minh để xử lý theo đúng quy định vụ một phụ nữ đẩy thùng rác ra giữa đường rồi lái xe đi.
CNN, AFP đăng tin sự kiện metro đầu tiên tại TP.HCM là 'thành tựu của thành phố' CÔNG KHẢI 23/12/2024 Tuyến metro đầu tiên tại TP.HCM được vận hành chính thức đã thu hút được sự quan tâm của báo chí quốc tế.