15/10/2010 04:17 GMT+7

Tôi cố ý viết hoa 2 từ Đất Nước

THU HÀ thực hiện
THU HÀ thực hiện

TT - Linda Lê, một trong những nhà văn nữ thành công nhất trên văn đàn Pháp đương đại, cũng là một nhà văn gốc Việt thành công nhất ở nước ngoài hiện nay, vừa có cuộc trò chuyện với bạn đọc VN chiều 13-10 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội, nhân dịp

bNb5I7Im.jpgPhóng to
Nhà văn Linda Lê ký tặng sách cho nhà thơ Dương Tường. Ông Dương Tường mua bản tiếng Pháp của Linda Lê từ lâu và bây giờ mới gặp tác giả - Ảnh: T.HÀ

Nỗi niềm tha hương và tâm thế lưu vong thường trở đi trở lại trong các tác phẩm của Linda Lê đã trở thành đề tài của cuộc trò chuyện mà chị dành riêng cho Tuổi Trẻ.

Lại chơi với lửa (Nhã Nam và NXB Văn Học), tập truyện xuất bản năm 2002 tại Pháp, bản tiếng Việt vừa ra mắt đầu tháng 10-2010 nhân dịp Linda Lê về thăm VN. 14 truyện ngắn trong tập này là một thế giới xô lệch và u tối.“Thế giới của tôi trong tập truyện này u tối hơn, điên hơn, nhiều bạo lực hơn trong những tiểu thuyết và tiểu luận trước.Nhưng nó vẫn khiến người đọc không mệt mỏi và ngán ngẩm, vì bạo lực và sự u tối được truyền tải bằng giọng văn hài hước, châm biếm. Sự châm biếm gây đau đớn, sự hài hước cắn vào bạn” - Linda Lê nói với Tuổi Trẻ về tập sách mới nhất của mình.

Trước đó năm 2009, Vu khống - tác phẩm thứ hai và là tiểu thuyết đầu tiên của Linda Lê (xuất bản năm 1993) - đã được dịch ra tiếng Việt, đưa người đọc vào thế giới của những người điên lưu vong và những ám ảnh khôn nguôi về Đất Nước.

* Trong tác phẩm của chị thường xuất hiện những thân phận lưu vong, đó là một đề tài yêu thích hay một nghĩa vụ chị tự đặt ra với mình?

- Vâng, tôi luôn nói về những người lưu vong. Lưu vong ở đây có hai nghĩa, hai dạng: những người lưu vong xa xứ, bị dứt khỏi mảnh đất chôn nhau cắt rốn và những kẻ lưu vong trên chính đất nước họ, xa lạ với xã hội xung quanh họ.

Trong tiểu thuyết thứ nhất của tôi đã được dịch ra tiếng Việt - Vu khống, có hai nhân vật chính đều là những kẻ “lưu vong kép”: cả hai đều đến từ những nước “Chà Chệt” Á Đông, một người lưu vong sống trong bệnh viện của những người điên, một người viết văn trẻ sống trong tâm trạng lưu vong vì viết bằng tiếng Pháp mà lại không phải là người Pháp - một nhà văn nữ trẻ giống như tôi - đã quên tiếng mẹ đẻ.

Tôi quên không phải vì quên để hòa nhập với cuộc sống mới ở Pháp, mà quên vì đã được (bị) học tiếng Pháp từ khi lên 4 tuổi, đã phải nói tiếng Pháp nhiều hơn tiếng Việt, đã bị tách khỏi môi trường tiếng Việt từ khi chưa ra khỏi đất nước.

* Có nhiều chi tiết trong tiểu sử nhân vật trùng với tiểu sử của Linda Lê ngoài đời, vậy tác phẩm của chị có yếu tố tự truyện hay không? Cuộc sống bình thường và thân phận của một người nhập cư như Linda Lê ảnh hưởng như thế nào đến tác phẩm của nhà văn Linda Lê?

- Trong các tác phẩm của tôi không có một tác phẩm nào có thể nói là tự sự dù cho một số nhân vật có thể giống tôi một phần nào đó. Tôi đã lấy một số chi tiết trong đời thực của tôi đưa vào tác phẩm, đặc biệt là cái chết của người cha còn ở lại Đất Nước và những day dứt, ám ảnh đeo đẳng người con gái - nhà văn. 

Nhưng khi tôi viết, nhân vật hoàn toàn sáng tạo chứ không chỉ là sự kiện đơn thuần. Tôi là dạng nhà văn luôn luôn tin vào tiểu thuyết hư cấu. Tác phẩm của tôi hoàn toàn hư cấu. Thường xuyên nhân vật hành động khác với dự định và tưởng tượng của tôi. Và tôi thích những bất ngờ trong quá trình viết đó.

Nhưng tất cả điều đó cũng hoàn toàn không có nghĩa là cuộc sống của một người “lưu vong” (theo nghĩa xa xứ) như tôi không ảnh hưởng gì đến sáng tác của một nhà văn chuyên viết về những thân phận lưu vong.

Tôi hoàn toàn không cảm thấy mình là một người Pháp, ở đâu tôi cũng thấy xa lạ, thấy mình là một người nước ngoài, lúc nào cũng thấy cô độc - dù tôi không thể nói là mình không được đón tiếp tử tế ở Pháp, nơi mọi thứ đang có vẻ rất tốt đối với tôi. Có lẽ vì thế mà tôi sẽ còn trở đi trở lại với những thân phận lưu vong.

* Chị tránh không nhắc đến cái đất nước mà các nhân vật của mình từ đó lìa bỏ, nhưng lại luôn chủ tâm viết hoa hai từ Đất Nước. Phải chăng Đất Nước ấy rộng lớn hơn một quốc gia cụ thể, và người lưu vong trong tác phẩm của chị không chỉ là chị hay các đồng bào người Việt?

- Đúng vậy, các thân phận lưu vong của tôi có thể là bất kỳ ai, không nhất thiết phải là người Việt. Họ không được biết và không thể biết về Đất Nước mình đã bị buộc phải lìa bỏ, nhưng khát khao muốn biết và nỗi nhớ vô hình về nơi chốn ấy khiến nó trở nên thiêng liêng, ngay cả trong nỗi buồn và sự tuyệt vọng, chính vì vậy tôi cố ý viết hoa.

* Vậy có thể lý giải như thế nào về lý do thành công của cây bút Linda Lê trên văn đàn Pháp, với 20 tác phẩm thu hút sự chú ý của giới phê bình và công chúng, khi chị vẫn khăng khăng tự nhận mình là kẻ lưu vong dù ở nơi đang ở hay nơi đã rời bỏ?

- Thành công, nếu có thể coi đó là thành công, thì có lẽ là do hằng ngày tôi đã “chiến đấu” với từng từ, từng câu của mình, mỗi khi bắt đầu một cuốn sách mới tôi đều cảm thấy như bắt đầu một trận chiến. Và xa hơn có lẽ tôi đã học được cách sống cô đơn để sáng tác.

Cô đơn, đó thật sự là một yếu tố cần thiết nhất cho sáng tạo của nghệ sĩ, người ta rất khó sáng tạo được một cái gì đó thật sự nếu cứ sống “bầy đàn”.

THU HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Linda Lê