Một người không làm thơ, không viết văn, lại là đương kim bí thư thành ủy, được trao giải thưởng mang danh văn hóa, có thể sẽ có người “ngoài cuộc” không khỏi nghi vấn, ngờ vực tính chính xác, công bằng của việc vinh danh. Nhưng riêng tôi - “người trong cuộc” - lại thấy đó là việc hiển nhiên, phải như vậy!
Tôi là “người trong cuộc” của một trường hợp xảy ra cách đây 11 năm, khi ông Nguyễn Sự còn là chủ tịch UBND thị xã Hội An. Lúc đó (tháng 7-2001), gia đình tôi chuyển từ Bình Dương về Hội An. Con tôi đã học hết lớp 9 tại Bình Dương, về Hội An cháu chuyển cấp lên lớp 10. Nhưng trường tại Bình Dương chỉ cấp phiếu điểm (cháu được 54 điểm), còn giấy chứng nhận tốt nghiệp thì chưa, vì phải trình danh sách tốt nghiệp đại trà lên Sở Giáo dục - đào tạo ký.
Do vậy, khi nộp đơn xin cho cháu vào lớp 10 Trường THPT TQC, cô giáo vụ yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận tốt nghiệp, tôi không có, phải trở vào lại Bình Dương để xin. Nhưng trường cũ của cháu hẹn đến tháng 12-2001 mới có giấy từ Sở Giáo dục - đào tạo gửi về.
Trở về, tôi vào Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Quảng Nam tại Tam Kỳ trình bày trường hợp của con tôi, xin sở can thiệp cho con tôi được vào học với cam kết: nếu đến cuối tháng 12-2001 mà tôi không bổ sung được giấy chứng nhận thì nhà trường cứ cho con tôi nghỉ học và tôi không khiếu nại. Dù được Sở Giáo dục - đào tạo bút phê nội dung “đề nghị Trường TQC nhận cho vào lớp theo cam kết của phụ huynh”, ông hiệu trưởng trường vẫn dứt khoát không chấp nhận nếu hồ sơ của con tôi không có giấy chứng nhận tốt nghiệp lớp 9.
Hết cách, tôi hỏi thăm tư gia ông chủ tịch UBND thị xã để tìm đến cầu cứu. Trong căn nhà giản dị, đậm nét nông thôn ở Cẩm Thanh, ông Nguyễn Sự tắt tivi đang xem để tiếp tôi. Nghe xong trình bày và nguyện vọng của tôi, ông Sự cầm điện thoại gọi cho ông hiệu trưởng: “Anh C. đó hả? Tôi, Sự đây. Có trường hợp cháu T.N.N. từ Bình Dương về, đủ điểm để xin vào trường mà sao trường lại không nhận?”.
Tôi không nghe được câu trả lời của ông hiệu trưởng. Ông Sự hỏi tiếp: “Phụ huynh đã cam kết, đã chịu trách nhiệm bổ sung giấy chứng nhận rồi mà? Nè, anh C., chỉ sợ nó không chịu học, chứ nó muốn học tại sao lại không nhận? Bây giờ tôi, chủ tịch thị xã, bảo lãnh cho trường hợp này được không?”. Cúp máy, ông Sự bảo tôi: “Xong rồi chị. Mai chị mang hồ sơ của cháu đến trường nộp. Nếu có gì trở ngại nữa chị qua ủy ban gặp tôi”.
Nhờ sự can thiệp trực tiếp của ông Sự, con tôi được vào Trường TQC. Ba năm sau cháu vào cao đẳng. Và việc đầu tiên khi cháu trở thành sinh viên là viết thư về báo cáo việc học với ông chủ tịch Nguyễn Sự, cảm ơn ông đã giúp cháu vào lớp 10, hứa với ông sẽ học tập tốt để thành người hữu dụng cho xã hội.
Bí thư Nguyễn Sự đã rất khiêm tốn khi phát biểu ông là người thay mặt nhân dân Hội An để nhận giải thưởng Phan Châu Trinh, vì sự nghiệp văn hóa - giáo dục là của toàn thể người dân Hội An chung sức xây dựng và ông chỉ là một người thực hành. Thế nhưng, tôi nghĩ, nếu quan chức nào cũng có tấm lòng hoặc tinh thần “thực hành”, biết quan tâm, chăm lo cho dân như thế thì xã hội đã quá tốt đẹp, quốc gia đã nhiều hồng phúc.
Cho nên, dù GS Nguyễn Đăng Hưng nhận xét việc trao giải “Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục” cho Bí thư Thành ủy Nguyễn Sự là “một điểm son của giải Phan Châu Trinh” rất chính xác do tính đột phá của việc chọn đối tượng, nhưng với riêng tôi, từ sự việc thực tế của gia đình mình cách đây 11 năm, tôi vẫn cho rằng đến năm 2012 mới trao giải văn hóa - giáo dục cho một quan chức không hề có tác phẩm nào trình làng như ông Nguyễn Sự là... quá muộn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận