17/05/2012 06:43 GMT+7

Tôi chỉ muốn làm người "kể chuyện nghe chơi"

TRẦN NHÃ THỤY thực hiện
TRẦN NHÃ THỤY thực hiện

TT - Tin Giải thưởng Hồ Chí Minh đến với nhà văn Lê Văn Thảo trong khi ông đang chuẩn bị cho ra mắt tác phẩm mới nhất - tiểu thuyết Những năm tháng nhọc nhằn.

SybjedBx.jpgPhóng to
Nhà văn Lê Văn Thảo - Ảnh: Thanh Đạm

- Tôi hết sức vui mừng. Danh hiệu nào cũng đem lại niềm vui, huống chi danh hiệu mang tên Hồ Chí Minh. Nhưng vinh dự lớn, trách nhiệm cũng lớn. Nói có vẻ sách vở, nhưng đúng là như vậy. Tôi cũng không khỏi có chút áy náy, bởi thấy còn nhiều người mình vốn hâm mộ chưa được vinh danh. Đời là vậy, cái gì cũng là tương đối. Cái chính là tiếp tục công việc của mình, cố gắng hết sức mình.

* Là một nhà văn nhưng từng làm quản lý (trong vai trò chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM hai nhiệm kỳ), ông thấy làm quản lý có ảnh hưởng đến công việc viết lách không? Ông có ân hận vì đã làm “quan văn nghệ” không?

- Quả tình sau khi nghỉ việc, thấy quá thảnh thơi, nghĩ tiếc cho những ngày bận rộn chuyện họp hành, sự vụ. Nhưng chuyện gì cũng có mặt này mặt kia của nó, có làm việc mới có dịp đi đây đó, gặp gỡ anh em, tham gia các cuộc thi xét duyệt đọc tác phẩm của anh em. Nhưng so kỹ vẫn thấy làm anh “tự do” là hay nhất, như “bố già” Sơn Nam ngày xưa là nhất trần đời. Nhân đây cũng nói rộng ra một chút: ở mình làm gì có anh nghệ sĩ tự do, không ở cơ quan này cũng đài này báo nọ, phải có chỗ để ăn lương, không thì chết.

* Thưa ông, là một nhà văn xuất thân từ kháng chiến chống Mỹ, ông nghĩ gì về thế hệ cầm bút thời mình, về văn xuôi Nam bộ?

- Tôi luôn thắc mắc câu “thời đại lớn phải có tác phẩm lớn” - thường nghe thấy trên các báo đài, trong các cuộc họp, sao cứ so hai cái đó với nhau. Tôi nghĩ nhà văn cứ cắm cúi viết, thời gian và công chúng, bạn đọc sẽ phán xét, một bài thơ nhỏ có khi cũng là tác phẩm lớn như thường. Thế hệ cầm bút thời chống Mỹ đất Nam bộ chúng tôi không nhiều, hi sinh phần lớn, số còn lại “giữa đường gãy gánh” cũng không ít, còn lại đã già lão bệnh tật, số còn viết được đếm trên đầu ngón tay. Chúng tôi tự hào một thời lăn lộn, sống trong lòng dân, có được vốn sống quý báu, nhưng tác phẩm viết được ít đến nỗi thấy mà xót xa. Tôi hi vọng nhiều vào thế hệ tiếp sau, không nhất thiết người chống Mỹ mới viết được chuyện chống Mỹ. Nên nhớ Lev Tolstoy sinh năm 1828, nhưng câu chuyện trong cuốn Chiến tranh và hòa bình diễn ra từ đầu thế kỷ 19.

* Văn chương một thời tô hồng, minh họa... Nhưng văn chương đích thực thì không phải thế. Ông thật sự ý thức về văn chương là từ khi nào?

- Quả là văn chương chúng tôi thời đó còn quá giản đơn, sơ lược. Tôi không có thói quen đọc lại truyện cũ, nhưng thỉnh thoảng có việc phải soạn lại tìm tư liệu gì đó, có “liếc qua” ngạc nhiên sao mình viết như vậy, chuyện kể không được bao nhiêu mà cứ thuyết lý dài dòng. Nhưng cũng phải thông cảm cho chúng tôi vì hiện thực là như vậy, trước mắt chỉ có kẻ thù, công việc chỉ có cầm súng, nhà văn ít có điều kiện đọc, tiếp xúc... Sau này hòa bình, sống trong cuộc sống đa chiều, nhà văn bình tĩnh hơn, có điều kiện nhìn xa trông rộng hơn, đọc được của người này người kia, nước này nước kia, sáng tác do đó sâu rộng đa chiều hơn. Tôi thường nói với các bạn trẻ: hồi xưa chúng tôi đi kháng chiến, cán bộ ngành gì cũng làm tuyên truyền, vận động quần chúng, hô hào thuyết lý quen rồi. Các bạn trẻ bây giờ phải tránh điều đó.

* Nay ở tuổi “thất thập cổ lai hi”, nhìn lại đời mình ông thấy có điều gì ông từng tâm đắc, ấp ủ mà chưa viết được, hoặc có điều gì ông ân hận vì đã viết?

- Ấp ủ thì nhiều lắm, nhà văn nào cũng vậy, nhưng tôi lượng sức mình, tiếc rằng giờ đây thấy mình tương đối phần nào tỉnh táo thì đã già rồi, đầu óc nhiều khi không tập trung được, thôi thì viết được trang nào cứ viết, cố gắng viết thật tự nhiên, chân thật, không chỉ giáo, cao đàm hùng biện. Nói theo cách nào đó, tôi chỉ muốn làm người “kể chuyện nghe chơi” vậy thôi.

* Ông có một đúc kết gì về đời người cầm bút hay không?

- Cụ Vương Hồng Sển có tập sách đặt tên rất hay: Hơn nửa đời hư. Mỗi chúng ta mỗi khi nghĩ lại quãng đời đã qua đều thấy mình làm điều “nên” điều “được” không được bao nhiêu. Âu cũng là “thói đời” vậy. Thế hệ chúng tôi kẻ ít người nhiều đều có đóng góp. Nhưng cái chính chúng tôi tự hào, như đã nói trên, chúng tôi đã qua một thời lăn lộn, viết được cái gì đó là “rút ruột viết ra”, thật sự từ trong tim óc. Và chúng tôi yêu thương nhau.

Thầm lặng và bền bỉ

Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này, về văn học, trao cho các tác giả: Phạm Tiến Duật, Ma Văn Kháng, Hữu Thỉnh, Hồ Phương, Đỗ Chu và Lê Văn Thảo (tên thật là Dương Ngọc Huy). Nhà văn Lê Văn Thảo là tác giả duy nhất phía Nam được nhận vinh dự này. Tuy khiêm tốn, tự nhìn nhận mình chỉ làm người “kể chuyện nghe chơi”, nhưng Lê Văn Thảo là một nhà văn lao động bền bỉ, không ngừng trau dồi, đổi mới sáng tạo. Sau tiểu thuyết Cơn giông (2002), những tưởng Lê Văn Thảo đã “rửa tay gác kiếm”, nhưng ông vẫn thầm lặng viết tiếp, đến năm 2007 lại cho ra mắt truyện dài Sóng nước Vàm Nao. Trong khi độc giả cứ nghĩ đây là tác phẩm cuối cùng, thì Lê Văn Thảo lại sắp ra mắt cuốn tiểu thuyết Những năm tháng nhọc nhằn (NXB Văn Hóa Văn Nghệ) - một cái tên nghe không mấy văn chương, nhưng theo Lê Văn Thảo thì rất đúng với tinh thần cuốn sách cũng như những trải nghiệm một đời người, khi gần cuối đời ngoái lại...

Có lẽ vẫn còn viết được như thế là nhờ Lê Văn Thảo xê dịch nhiều, và trong khi xê dịch, ông tìm khoảng lặng để suy nghiệm và viết. Mới thấy Lê Văn Thảo ở Tây Bắc, lại thấy ông ở quần đảo Nam Du (Kiên Giang), rồi nghe ông đang đi đảo Phú Quý (Bình Thuận)... Nhà văn Lê Văn Thảo nói đùa: “Càng già càng thấy mình giống nhà văn Jack Kerouac - tác giả của tiểu thuyết Trên đường, cứ thích mê mải trên đường”... Trên đường đời và trên đường văn chương, Lê Văn Thảo luôn sống hết mình và viết hết mình.

TRẦN NHÃ THỤY thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên