17/10/2012 06:50 GMT+7

Tôi chỉ là một viên gạch

VI THẢO ghi
VI THẢO ghi

TT - Ở vùng quê tận cùng đất nước - Cà Mau - ngày ngày tôi lớn lên với những bài học của cha về yêu nước, thương dân, hiếu thuận, lễ nghĩa...

dMTMIygJ.jpgPhóng to

Bác sĩ Dương Quang Trung - Ảnh: VI THẢO

Nhỏ xíu xiu, tôi chẳng biết cha có tham gia cách mạng hay không, chỉ biết rằng cha mê anh hùng áo vải Quang Trung nên xin tên đó đặt cho mình.

Theo tiếng gọi cách mạng

Vùng đất cách mạng và cha đã cho tôi - cậu học trò trường làng ngày ấy - một tình cảm mộc mạc với cách mạng, tôi tham gia rải truyền đơn, vẽ hình Bác Hồ... bằng niềm vui rất trẻ con. Lớn chút xíu, cha cho tôi lên Sài Gòn học ở Trường Pétrus Ký. Vượt 346 cây số đường, tôi bắt đầu “thâm nhập” đời sống đô thị.

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám nổ ra, tôi về quê tham gia cách mạng. 16, 17 tuổi tôi theo đoàn cứu thương đi khắp nơi. Đến khi đoàn giải tán tôi quay lại Sài Gòn tham gia Hội học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn. Tôi rải truyền đơn, phát báo Chống Xâm Lăng, Tiếng Súng Kháng Địch... cho bà con mình đọc. “Em hoạt động vậy nếu không vô trong khu thì trước sau gì cũng bị bắt, hay sang Pháp du học rồi quay về giúp đất nước”, người anh họ khuyên. Tôi về xin cha. Cha gom góp tiền để dành, vay mượn cho tôi lên đường.

Ở tuổi 84, viện sĩ, bác sĩ Dương Quang Trung vẫn hết lòng với những công việc thường ngày trên con đường ông đã chọn: y khoa. Đảng và Nhà nước đã trao tặng ông những danh hiệu cao quý: Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng lao động...

Tôi cập cảng Marseille cùng chiếc vali nhỏ xíu, trên người chỉ là một bộ quần áo cộc, không có áo khoác dù trời rất lạnh. Ngoài 1.000 quan tiền Pháp, tài sản của tôi là một niềm tin: học, học thật nhiều để quay về giúp đất nước.

Học xong hai năm cuối trung học, tôi đứng trước hai lựa chọn: kỹ sư nông nghiệp hay là bác sĩ. Những ngày còn nhỏ tôi hay theo chân mẹ - một nữ hộ sinh - đi khắp nơi nên nghề y “tiêm nhiễm” vô máu lúc nào chẳng hay. Tôi quyết định chọn nghề y.

Ở xứ người, theo tiếng gọi của Bác Hồ, tôi tích cực đấu tranh phản đối chiến tranh xâm lược của đế quốc ngay trong lòng địch. Nhiều lần chính quyền bắt bớ, đòi trục xuất tôi ra khỏi nước Pháp, tôi phải ở nhờ nhà của những người bạn mới quen trên đất Pháp.

Năm 1951, có một hội nghị dành cho thanh niên trên khắp thế giới tổ chức ở Berlin (Đức). Tôi cùng mấy anh em đến dự phải đi một đường vòng thật dài, thậm chí còn bị bắt nhốt nhưng chúng tôi quyết chí bằng mọi giá phải có mặt để đưa tiếng nói - dù nhỏ nhoi - của VN đến với hội nghị. Sau đó tôi tình nguyện đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Pháp. Chính quyền đã nhiều lần trục xuất tôi về VN nhưng không thành.

Góp gạch cho đời

Năm 1954, các bên thỏa thuận ký hiệp định Genève. Mấy anh em du học sinh chúng tôi hồi hộp, hi vọng ngồi bên bờ sông mà chờ tin tức. Chờ đến tận đêm, đốt đống lửa nhỏ bên sông. Hiệp định được ký kết, anh em ôm nhau, mừng rỡ reo hò... Nhưng sau đó vì sợ bị bắt mọi người lại phải tản nhau đi “ngủ dạo” ở nhà những người Pháp.

Học xong y khoa căn bản, tôi tiếp tục học hai năm chuyên ngành phổi, khi ấy ở quê nhà tiếng súng vang lên khắp các xóm làng. Năm 1960, tôi quyết định về Hà Nội cùng vợ và ba con. Tôi dốc hết lực học ra mà đóng góp, dù biết chẳng là bao nhiêu nhưng với tôi tận lực là điều nên làm. Đi hết các bệnh viện ở miền Bắc, sức tôi có gì tôi đắp vào những chỗ còn khuyết. Tôi mời chuyên gia từ Pháp qua hỗ trợ xây dựng khoa phẫu thuật phổi của Viện Chống lao trung ương, rồi xây dựng khoa phổi ở BV Việt Đức...

Nhớ quê da diết, tôi xin thủ trưởng cho mình vào Nam. Gửi vợ con cho tổ chức, tôi vác balô lên đường. Đi gần ba tháng trời mới đến nơi, tôi vào chảo lửa của chiến trường. Có lúc tôi mổ vết thương lồng ngực cho một chiến sĩ với một lọ penicilin và trợ lý là một cậu y tá chỉ học tiểu phẫu. Đạn bắn trên đầu như vãi trấu. Không có máy cộng hưởng từ, không có máy hô hấp, gây mê hồi sức... anh chiến sĩ vẫn sống.

asv3jQsc.jpgPhóng to
Bác sĩ Dương Quang Trung (thứ hai từ phải qua) cùng các đồng chí trong chiến khu - Ảnh tư liệu

Và những day dứt...

Nhớ mãi một lần sau giải phóng, khi ấy xảy ra dịch tiêu chảy, tôi cùng bộ trưởng y tế đến một khu nhà dân ở Q.1, TP.HCM. Thấy một bác gái thổi lửa nấu cơm, mới khuyên phải ăn chín uống sôi, nên nấu nước mà uống. “Tôi không có đủ củi để nấu cơm thì lấy đâu ra củi để nấu nước”, nghe câu ấy mà tôi thắt lòng. Mình vẫn chưa hiểu hết bà con. Sống với bà con mới thấy bà con còn khổ nhường nào.

Cuối những năm 1980, tôi hợp tác với Pháp bắt tay xây dựng Viện Tim. Hơn 20 năm hoạt động, viện đã mổ cho hơn 20.000 ca. Tôi theo những ca khó mà vui vì mình cũng làm được ít nhiều cho bà con. Nhưng với tôi vẫn chưa đủ, vẫn có thể làm nhiều hơn thế.

Nhớ hồi tôi ở Hà Nội, gạo 4 hào một cân, thịt 3 hào một lạng. Một tháng mấy ký gạo, thịt đều định sẵn. Cơm nhà phải trộn thêm khoai sắn nhưng mọi người hết lòng với nhau. Không quyền lực, không tiền bạc, chỉ có lý tưởng mà anh em cùng sống chết. Giờ đây cuộc sống đầy đủ, nhìn không ít bác sĩ bào mòn y đức mà tôi thắt lòng. Cái nghề của những người áo trắng mất dần sự tự trọng. Thầy mà không làm gương thì làm sao dạy học trò. Những tiêu cực ngành y ngày một nhiều, tôi cũng day dứt nhiều hơn.

Tôi ấp ủ xây dựng mô hình viện - trường, kết hợp giữa bệnh viện và nơi đào tạo cho ngành y mấy năm nay mà vẫn còn dang dở... Trăn trở còn nhiều, tôi chỉ ước mình đủ sức thực hiện.

Có nhiều người làm được biết bao nhiêu chuyện, tôi chỉ là một viên gạch nhỏ ở đời thì sá chi chút sức của mình. Một viên gạch chẳng làm nên gì, phải cần có rất, rất nhiều viên gạch khác mà chất kết dính là tình yêu Tổ quốc. Thôi thì còn chút sức nào tôi vẫn xin dâng cho đời.

VI THẢO ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên