22/11/2016 11:49 GMT+7

Tôi buồn tủi mà không dám ly hôn người chồng gia trưởng

KHÁNH PHƯƠNG
KHÁNH PHƯƠNG

TTO - Ngay từ nhỏ, tôi đã phải chứng kiến nỗi khổ của mẹ khi bà phải chịu đựng ba tôi với tính gia trưởng, độc đoán.

Ba tôi là thầy giáo trường làng, còn mẹ tôi là thợ may.

Mẹ kể ngày mẹ đám cưới, ai cũng nghĩ mẹ tôi sẽ có cuộc sống hạnh phúc vì gia đình hai bên môn đăng hộ đối, ba tôi là người có học hành. Và khi cưới về, sự nghiêm túc và chỉn chu của ba tôi vẫn còn nguyên đó, nhưng nó ẩn trong cái vỏ của sự và độc đoán.

Ba đặt “gia quy” đối với mẹ: “Một năm về nhà cha mẹ đẻ 2 lần vào đám giỗ ông nội tôi và Tết; chỉ được mặc đồ bà ba và không được mặc màu trắng và hồng; không được cắt tóc ngắn; không được tỉa chân mày; pha nước ấm cho chồng tắm mỗi ngày, mang giày cho chồng mỗi sáng đi làm…”

Nói chung, mẹ tôi không được quyền ý kiến bất cứ việc gì, từ đặt tên chị em tôi, đến tóc tai, ăn mặc, định hướng nghề nghiệp… vì ba tôi luôn có câu cửa miệng “đàn bà biết gì?”.

Mà không chỉ có mẹ, 3 chị em tôi cũng bị ba giáo dục với sự hà khắc, độc đoán.

Từ hình ảnh của ba, mà tôi rất sợ lấy chồng và quyết tâm học hành đến nơi đến chốn để được “thoát ly” ra khỏi gia đình. Giấc mơ của tôi đã thành sự thật khi tôi đậu vào ngành sư phạm ở trường đại học Cần Thơ.

Vốn là một cô gái ưa nhìn, lại có lực tốt nên tôi được nhiều chàng trong trường ngắm nghía. Nhưng tôi chẳng để ý ai, bởi tôi vẫn còn ám ảnh bởi tính gia trưởng của ba.

Đến lúc ra trường, đi làm, tôi bắt đầu nghĩ về một tổ ấm nhỏ, nhưng nhìn anh nào mặt khó đăm đăm là tôi lơ. Con trưởng lại càng không ngó tới và người nào hay dùng câu mệnh lệnh thì tôi càng tránh xa. Kỹ tính và “tuyển đầu vào” khó vậy mà tôi vẫn "dính chưởng"!

Kết hôn chừng 2 tháng là tôi thấy "bóng ma" của sự gia trưởng từ ba tôi hiện trong người chồng mà tôi có 2 năm tìm hiểu, yêu nhau.

Tôi chọn anh vì tôi thấy anh vui vẻ và hòa đồng với mọi người. Khi đi chơi với bạn bè, anh luôn ân cần giúp đỡ người khác, chẳng nề hà việc mang vác nặng hay làm những công việc của phụ nữ như nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa - điều mà trước đây ba tôi không bao giờ đụng tay đến.

Mỗi khi làm việc nhóm anh đưa ra nhiều ý kiến, người khác góp ý anh luôn lắng nghe và càng ngưỡng mộ anh hơn khi anh dùng từ ngữ, lập luận chặt chẽ để bảo vệ nó.

Tôi nghĩ anh là người đàn ông có chính kiến và lập trường vững vàng - mà không biết đó là mầm mống của sự áp đặt, luôn cho mình là đúng. Tôi bị anh "đốn ngã" hoàn toàn khi một lần đi chơi chung.

Một người đàn ông va chạm làm tôi suýt ngã nhưng bỏ đi, vậy là anh nắm cổ áo người đàn ông kia và quát anh ta xin lỗi tôi. Tôi thấy anh thật khí phách - mà không nghĩ rằng đó là tính nóng nảy, bạo lực.

Tôi thấy mình may mắn khi tìm được “một nửa” biết yêu thương, biết vì người khác.

Thế nhưng, đời không như là mơ. Chồng tôi vẫn luôn vui vẻ với bạn bè, người ngoài, nhưng với vợ thì xét nét từng chút - nhất là khi tôi sống chung với ba má chồng. Anh nhắc nhở tôi cả trăm thứ để trở thành dâu thảo.

5g30 tôi đã dậy nấu nước pha trà - dù nhiều hôm chẳng ai uống. 6g, nấu ăn sáng cho cả nhà và phải chờ cho mọi người kể cả đứa cháu gái 12 tuổi ngồi vào bàn thì tôi mới được ngồi ăn.

Dù tôi bận việc, hay không khỏe trong người, chồng cũng không bao giờ cắm nồi cơm giùm tôi hay lấy quần áo phơi khô vào. Vì chồng quan niệm “đây là chuyện của đàn bà”.

Đi làm về là chồng ngồi chễm chệ đọc báo hoặc ngồi nói chuyện thời sự trên trời dưới đất với ba chồng tôi. Ăn cơm xong, trong lúc tôi tất bật dọn dẹp thì chồng ra sân hóng mát.

Đi tắm thì tôi phải lấy sẵn khăn cho chồng, khi đi ngủ thì chồng chờ tôi giăng mùng, kê gối đúng nơi đúng chỗ. Còn mỗi khi đi ra ngoài ăn, chồng cũng luôn là người quyết định quán, gọi món.

Có lần, tôi bị ức chế quá đã phản kháng: “Tại sao em vừa đi làm kiếm tiền, vừa phải về nhà làm việc như osin, anh có thấy công bằng không?”.

Vậy là chồng trừng mắt nhìn tôi như muốn ăn tươi nuốt sống và giọng lạnh tanh, khô khốc: “Ở nhà này không có cái ngữ đấu tranh bình đẳng nhé! Phận dâu con, làm vợ từ bao đời nay thì phải cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, xó bếp. Tôi cho cô đi làm, nở mày nở mặt với thiên hạ là may rồi, cô còn muốn gì?”.

Tôi ức quá, cãi tiếp: “Tôi là dâu, là vợ chớ không phải con ở. Tôi không muốn làm mọi nữa”. Tôi vừa dứt câu là chồng nhảy xổ đến tát tớt tấp vào mặt tôi và gằn giọng: “Cô bỏ tật láo nhé, ý chồng là ý trời, cô không nghe thì biến”.

Ở nhà chồng khó khăn, nóng nảy, cục tính là vậy nhưng khi ra đường anh luôn hòa nhã, hết lòng với mọi người.

Và tôi sợ nhất mỗi khi có khách đến chơi hay đến nhà người khác, vì anh luôn thể hiện cái uy của người chồng, quay tôi như chong chóng: “Em ơi lấy đôi đũa, em ơi lấy trái ớt, sao cái này nguội vậy, hâm lại ngay…”. Những lúc đó, ngay cả khi có người dợm đứng dậy làm thay tôi thì anh ngăn lại “để vợ em làm, nó quen tay rồi”.

Khi có bầu, tôi hy vọng với niềm vui và trách nhiệm làm cha sẽ giúp anh hiểu và thương vợ hơn để cùng chia sẻ với tôi. Thế nhưng, tình hình càng tồi tệ hơn, anh vẫn là ông chủ chỉ biết hưởng thụ, còn tôi bụng vượt mặt thì  đi làm về vẫn cặm cụi phục vụ cơm nước, giặt giũ… cho chồng.

Thậm chí, anh còn cấm tôi không được đọc sách - vì sợ chuyện buồn làm ảnh hưởng đến con. Anh không cho tôi chạy xe máy, vì sợ động thai, nhưng không bao giờ đưa đón tôi, dù hai công ty gần nhau.

Anh dặn tôi phải ăn uống đủ chất, nhưng không bao giờ đi mua thức ăn giùm tôi những khi tôi thèm, bởi anh không muốn “hầu hạ, chiều vợ hư”.

Đã bao đêm tôi buổn tủi, khóc thầm và nghĩ đến chuyện ly hôn. Nhưng sợ con chưa ra đời đã không có cha nên vẫn chịu đựng, cứ răm rắp nghe lời chồng thì nhà cửa ấm yên...

KHÁNH PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên