16/05/2011 16:18 GMT+7

Tôi "bung" quyết liệt vì ba mẹ hà khắc

K.L. (Tiền Giang)
K.L. (Tiền Giang)

TTO - Câu chuyện dạy con kiểu "mẹ hổ" Amy Chua đang thu hút sự chú ý của cộng đồng, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Tuổi Trẻ Online xin tiếp nối câu chuyện bằng tâm sự một bạn gái trẻ khi cảm thấy cách giáo dục của cha mẹ quá hà khắc.

Trong khi mục tiêu lớn nhất của ba mẹ là tôi phải thi đậu đại học với số điểm đáng để mọi người nể phục thì tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất: thi đậu để thoát khỏi ngôi nhà này, để được sống như bao bạn bè.

0XbSZunA.jpgPhóng to

Tôi đã phung phí bản thân quá sức như thể để "bù trừ" khoảng thời gian ngột ngạt, bí bức trong sự giáo dục nghiêm ngặt của ba mẹ" - Ảnh minh họa: từ Internet

Sống kiếp... chiếc đồng hồ

Ngay từ những ngày đầu đi học tiểu học, công thức trong một ngày của đứa trẻ con như tôi là:

Sáng: đi họcTrưa: ngủ từ 13g - 14g30Chiều: sau khi ngủ dậy sẽ tập viết chữ cho thật đẹp hoặc làm bài tập cô giao về nhà, làm và học trước các bài trong sách giáo khoa, thậm chí phải học thuộc tất cả những gì có trong sách.

Ba mẹ tôi sợ tôi học “ngu”, không bằng bạn bằng bè nên thiết kế cho tôi một chương trình chuẩn như chiếc đồng hồ, cứ ngày nào cũng đều đặn nhích đến từng con số, kêu từng tiếng vào những thời điểm nhất định. Lúc bấy giờ, với tâm lý ganh đua bạn bè cũng như bị mê hoặc bởi những điểm 10 tươi rói của thầy cô nên tôi tuân theo những kỷ luật này mà không phàn nàn gì, thậm chí còn vui sướng vì được tất cả mọi người khen ngợi là con ngoan, trò giỏi.

Nhà như cấm cung

Khi tôi lên cấp II, ba mẹ càng kiểm soát tôi gắt gao hơn trong mọi vấn đề. Trong khi bạn bè thoải mái tung tăng sau giờ học thì tôi phải về nhà đúng giờ ba mẹ đã quy định, ba mẹ đã ước lượng quãng đường từ trường về nhà, tốc độ đạp xe của tôi để cho tôi đúng 15 phút từ lúc tan trường đến khi có mặt ở nhà. Nếu về trễ tôi sẽ bị ăn đòn hoặc bị mắng thậm tệ.

Không phân biệt ngày thường, ngày lễ hay tết, dù có đi đâu tôi cũng không được quyền vắng mặt trong các bữa ăn. Có lần lớp tổ chức hội họp tại nhà lớp trưởng, có sự tham gia của cô chủ nhiệm và mọi người rất vui vẻ nấu nướng, trò chuyện. Chính vì không khí đó mà tôi không dứt ra được khi đến giờ ăn trưa ở nhà, tôi đã ráng nán lại và hi vọng có cô ở đây thì ba mẹ sẽ du di. Thế mà đến 12g15 thấy tôi chưa về, ba mẹ lập tức gọi điện thoại đến nhà lớp trưởng bắt tôi về. Dù mẹ bạn ấy và cô chủ nhiệm xin phép giùm nhưng ba mẹ nhất quyết không cho tôi ở lại...

Ba mẹ đặc biệt nghiêm khắc với vấn đề bạn bè của tôi. Các bạn gọi nhà tôi là “cấm cung” vì các bạn nam trong lớp không bao giờ dám nghĩ đến việc được đến nhà tôi chơi hay học nhóm. Nếu có ai gọi điện thoại đến, người nghe sẽ là ba tôi. Nếu là bạn gái tôi sẽ được nghe nhưng dưới sự giám sát của ba tôi và nếu nội dung nói chuyện có lỡ vượt ra ngoài phạm vi học tập (nói về bạn bè hoặc những vấn đề linh tinh) là ba tôi sẽ can thiệp ngay bằng cái lừ mắt hoặc nhắc nhở. Nếu người gọi là nam và sau câu nói: “Bác cho cháu gặp L. ạ” sẽ nhận lại được những câu chất vấn kiểu như: "Cháu là ai? Tên gì? Nhà ở đâu?". Sau đó chốt bằng câu: “Gặp nó làm gì?” rồi cúp máy!

Hiếm hoi lắm ba mới chuyển điện thoại cho tôi nhưng lại đứng ngay bên cạnh. Không ít lần ba giật điện thoại cúp ngang dù tôi và bạn chưa nói chuyện với nhau được một phút.

Khi đồng hồ muốn quay ngược

Sang cấp III, sự kiểm soát của ba mẹ vẫn gắt gao dù tôi đã luôn ý thức mình không được thế này, không được thế kia. Tôi không chạy theo mốt quần ống loe hay quần ống túm mỗi khi thời trang học đường thay đổi dù bạn bè tôi thay đổi xoành xoạch. Tôi cũng không có những cuộc la cà quán xá tám chuyện với lũ bạn. Tôi cũng chẳng dám mơ màng những cuộc vui của lớp nếu phải đi qua trưa hoặc sau 18g.

Có vẻ như sự kỳ vọng của ba mẹ dành cho tôi quá lớn (vì tôi là con lớn, phải làm gương cho các em) nên mọi sự đáp ứng của tôi cho sự kỳ vọng này chưa bao giờ đủ. Ngoài sự kiểm soát ra thì tôi vẫn phải chịu đựng những lời mắng mỏ nặng nề, nhiều khi vô cớ trước khi ba mẹ hiểu rằng tôi không làm sai. Thế nên mơ ước lớn nhất của tôi là được “tung cánh tự do” và con đường duy nhất là đi học đại học ở xa quê nhà. Chỉ duy nhất học đại học, vì nếu không tôi sẽ phải ở nhà đến khi nào đậu đại học.

Ngày tôi gói ghém đồ đạc chuẩn bị đi học, ba nói với những người hàng xóm sang chơi rằng chính sự khắt khe nhiều khi quá đáng đã khiến tôi sợ và cố gắng học. Ba nghĩ đó là phương pháp giáo dục hiệu quả. Tôi nghe mà nhói lòng. Tôi đâu đến nỗi nào chứ...

Vết trượt không ma sát

Học kỳ đầu năm nhất đại học tôi vẫn sống như ở nhà: đi học về là ở nhà, ngủ hoặc đọc sách, không dám đi chơi, bạn tới thăm mới được một lát là lấy cớ tiễn bạn về vì tôi sợ ba mẹ biết. Tôi luôn có cảm giác ba mẹ luôn theo dõi tôi hoặc nhờ người khác theo dõi hộ.

Tôi đã phung phí bản thân quá sức như thể để "bù trừ" khoảng thời gian ngột ngạt, bí bức trong sự giáo dục nghiêm ngặt của ba mẹ.

Mọi việc thay đổi vào giữa học kỳ một năm hai khi cô bạn mới chuyển đến ở trọ cùng. Cô ấy và gia đình trái ngược hoàn toàn với tôi. Tôi bị thu hút trước những gì cô ấy nói về sự thay đổi cách sống, những điều vui tươi ngoài trường học. Tôi bắt đầu thả mình vào những thứ mà mình bị phong tỏa khi còn ở nhà.

Tôi dành hết thời gian theo cô ấy đi trượt patin, uống cà phê, karaoke, xem phim, nhậu nhẹt say sưa... Chúng tôi cũng có những chuyến đi chơi xa qua đêm. Tôi có người yêu là một bạn trai trong nhóm và trong những chuyến đi chơi ấy tôi đã mất cái quý nhất của con gái.

Thuở ấy điện thoại di động còn là thứ xa xỉ, nhà trọ cũng không có điện thoại bàn nên tôi là người chủ động gọi về nhà. Những cuộc gọi thưa dần với lý do tôi bận học và tính chất các cuộc nói chuyện thay đổi từ báo cáo tình hình sang kể lể khó khăn khi ở trọ hoặc bất kỳ lý do gì để có thể xin tiền.

Tôi thấy mình trở thành con người khác: tệ hơn, bệ rạc hơn, bất hiếu khi lừa dối ba mẹ. Nhưng tôi không dừng được vì bị cuốn hút vào những thứ mà mình chưa bao giờ được biết đến. Tôi không dám nghỉ học, chỉ những hôm nào không thức dậy nổi tôi mới nằm nhà. Có lẽ kỷ luật ngày xưa của ba mẹ khiến tôi không dám không đến lớp nhưng khi đến lớp tôi gục xuống ngủ, chỉ thức dậy vào cuối buổi. Kết quả, tôi bị đình chỉ học nhưng kết quả môn thì thi lại, môn thì vừa đủ điểm khiến tôi cảm thấy nhục nhã vô cùng.

Lúc này tôi đang tự hỏi với mình: "Vì sao một đứa từng là học sinh giỏi, là niềm tự hào của gia đình, hàng xóm lại có thể sống thế này chỉ sau một năm xa nhà? Tại tôi hay tại ai?".

Bạn phản đối hay đồng ý cách giáo dục con của bố mẹ K.L.? Bạn có chia sẻ gì với K.L.? Mọi ý kiến vui lòng gửi về email [email protected]. Vui lòng sử dụng font chữ có dấu tiếng Việt.

K.L. (Tiền Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên