Một lớp dạy thêm ở quận 5, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Năm 2011, tôi ra trường và giảng dạy tại một trường cấp hai ở TP.HCM. Khoảng thời gian đầu công tác, bản thân tôi không gặp nhiều khó khăn như nhiều anh chị em đồng nghiệp nên rất bình thản làm nghề.
Mãi cho đến năm 2017, một biến cố rất lớn xảy ra khiến bản thân tôi dằn vặt đau đớn suốt thời gian dài. Câu chuyện bắt đầu từ lớp dạy thêm môn văn cho vài em học trò trong lớp tôi đang giảng dạy.
Năm đó, do được phân công giảng dạy lớp 9 - lớp cuối cấp nên tôi đặc biệt chú trọng đến việc bồi dưỡng kiến thức cho các em. Sau khi nhận được nhiều đề nghị của phụ huynh, tôi đã quyết định mở lớp dạy thêm môn văn, nhằm hỗ trợ cho việc ôn tập và rèn luyện năng lực cảm thụ văn chương các em học sinh. Thời điểm ấy, do xuất phát từ mục đích đơn thuần ấy, bản thân tôi chỉ nhận dạy 5 em, tạo thành một nhóm nhỏ để học.
Dù đồng lương nhà giáo ít ỏi nhưng cá nhân tôi vốn chưa bao giờ có ý định dạy thêm để kiếm tiền hoặc lợi dụng các em học sinh để "trục lợi". Hơn bất kỳ ai, tôi hiểu việc tổ chức lớp dạy thêm với học sinh mình đang trực tiếp giảng dạy sẽ gây rất nhiều hiểu lầm cho bản thân các em và phụ huynh. Đã có vô số những câu chuyện đau lòng, gây nên tranh chấp giữa giáo viên, phụ huynh và học sinh xoay quanh việc dạy thêm.
Dù biết vấn đề nào cũng có hai mặt của nó. Nhưng ngoài những trường hợp đặc biệt, kiểu "con sâu làm rầu nồi canh", thì hầu hết các thầy cô tham gia giảng dạy tại các lớp học thêm ngoài giờ đều rất tận tình giảng dạy, chăm chút cho học sinh và đương nhiên là xứng đáng với khoản "thù lao" do công sức họ bỏ ra.
Tuy nhiên, nếu phụ huynh và học sinh đều hiểu theo nghĩa tích cực thì đã không có điều đáng tiếc nào xảy ra. Câu chuyện đau lòng của tôi bắt nguồn từ một lá đơn phản ánh lên ban giám hiệu nhà trường về vấn đề dạy thêm môn văn.
Một vài phụ huynh cho rằng tôi thiên vị trong vấn đề điểm số, khi con họ thường xuyên đạt điểm rất kém trong môn ngữ văn. Dù tôi đã làm việc và trao đổi với các vị phụ huynh này về các bài kiểm tra được phát ra cùng thang điểm được quy định, thêm vào đó, lớp học thêm của tôi chỉ có vỏn vẹn vài em học trò, chiếm chưa đầy 1/3 số lượng học sinh của lớp.
Tôi đã cậy nhờ các anh chị phụ huynh vào thời điểm đầu năm học ngỏ ý nhờ tôi mở lớp học thêm đứng ra giải thích. Nhưng các vị phụ huynh này vẫn không đồng ý và cho rằng sức học của con họ không đến độ kém như vậy. Thậm chí trong buổi trao đổi, phụ huynh còn dùng nhiều lời lẽ nặng nề dành cho tôi. Họ bảo tôi đã học đến thạc sĩ nhưng vẫn không đủ tư cách để đứng lớp, yêu cầu nhà trường dừng việc giảng dạy của tôi.
Cá nhân tôi, ở thời điểm ấy, đã vô cùng đau lòng khi nghe những câu nói ấy. Tôi thấy mình thật sự bất lực, không biết giải thích ra sao cho bản thân trong tình huống "tình ngay lý gian" này. Dù vụ việc sau đó đã được sáng tỏ, nhưng lòng tin và sự tôn trọng của học sinh dành cho giáo viên đứng lớp là tôi đã không còn được như xưa.
Tổn thương đan xen thất vọng khiến tôi thật sự chán nản công việc giảng dạy. Tôi làm đơn xin nghỉ việc, sau gần 7 năm gắn bó với bục giảng. Ngày rời khỏi trường cũ, nhận được rất nhiều lời động viên từ quý thầy cô, anh chị em đồng nghiệp khiến tôi rất ấm lòng. Nhưng bản thân do quá căng thẳng và mệt mỏi vì khoảng thời gian vừa qua, nên đã quyết định tạm dừng việc giảng dạy.
Tôi ấn tượng mãi với một câu nói từ thầy giáo cũ của mình: "Việc dạy thêm không xấu cũng chẳng có gì gọi là tiêu cực cả em ạ. Nếu em chỉ vì những lời nói lúc nóng giận của phụ huynh mà dừng hẳn công việc giảng dạy của bản thân, thì đã vô hình trung, chấp nhận những lời họ nói về em là đúng.
Dù sau này có tiếp tục công việc giảng dạy hay ở bất kỳ cương vị nào, thầy vẫn mong em nhớ rằng: Cây ngay không sợ chết đứng. Hãy giảng dạy và làm việc bằng tất cả sự tận tâm và nhiệt tình với nghề, như em đã từng".
Sau khoảng gần 1 năm ổn định tâm lý, chú tâm vào việc học lên nghiên cứu sinh, cá nhân tôi đã tìm được một công việc giảng dạy mới tại trường cao đẳng. Tôi vẫn tiếp tục nhận lời mời thỉnh giảng từ các trường khác và tổ chức cả một lớp dạy thêm ngoài giờ tại nhà mình, nhằm ôn luyện kỹ năng viết văn và cảm thụ văn học dành cho đối tượng học sinh cuối cấp.
Lần thứ hai quay lại với công việc dạy thêm, cá nhân tôi cảm thấy tự tin và bình tĩnh hơn với nghề nghiệp của chính mình. Bởi tôi hiểu rằng việc dạy thêm không phải là một hiện tượng xấu hay tiêu cực, nếu bản thân người trong cuộc hoàn toàn tự nguyện và mong muốn kết nối với nhau vì một mục tiêu chung là hệ thống tri thức và kết quả học tập xứng đáng dành cho học sinh.
Bản thân người dạy cũng phải luôn tỉnh táo, dành thời gian để đầu tư chỉn chu bài giảng cùng hệ thống tri thức để giảng dạy cho học sinh, giúp người học cảm thấy hứng thú và hài lòng với khoản học phí họ đã bỏ ra.
Quan điểm của bạn như thế nào về việc dạy thêm, học thêm? Vui lòng gởi ý kiến của bạn về [email protected].
Thăm dò ý kiến
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trong sáng 11-11 tại Quốc hội đề cập đến chuyện dạy thêm học thêm. Bộ trưởng khẳng định tới đây sẽ bổ sung quy định dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Theo bạn:
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận