11/12/2015 06:00 GMT+7

Tôi biết thực phẩm bẩn, muốn ẵm 50 triệu, báo ai đây?

ĐẶNG TƯƠI - LAN ANH - AN NHIÊN
ĐẶNG TƯƠI - LAN ANH - AN NHIÊN

TTO - Thông tin báo tin thực phẩm bẩn được thưởng nóng 1 - 50 triệu đồng làm nhiều người phấn khởi và thắc mắc: Tôi có thông tin thì báo thế nào, ai bảo vệ tôi?

Lấy mẫu nước tiểu heo để xét nghiệm chất cấm tại một trại heo ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) - Ảnh: A Lộc
Lấy mẫu nước tiểu heo để xét nghiệm chất cấm tại một trại heo ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) - Ảnh: A Lộc

Mừng nhưng vẫn còn băn khoăn là chia sẻ của nhiều bạn đọc báo Tuổi Trẻ sau khi đọc thông tin báo tin thực phẩm bẩn được thưởng từ 1 - 50 triệu đồng.

Báo thế nào, người báo được bảo vệ ra sao? Người báo tin có cần đến tận nơi hay chỉ cần gọi điện là được? Hotline có luôn thông suốt không?

Tán đồng nhưng còn băn khoăn

Trên đây là những băn khoăn của bạn đọc nhưng phần đông bạn đọc ủng hộ việc chung tay trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn của cơ quan chức năng vẫn nhận được rất nhiều sự tán đồng của người dân.

Họ tán đồng vì có tai mắt của dân thì các cơ quan chức năng có thêm nguồn tin để truy bắt và diệt thực phẩm bẩn, bởi “đó là thuốc độc giết chết chúng ta từng ngày”.

Tán đồng nhưng vẫn “đặt hàng” cơ quan chức năng phải tăng cường xử lý và phạt thật nặng hành vi sử dụng chất cấm, thưởng nóng, bảo vệ những cá nhân, tổ chức báo tin chuẩn xác về việc vi phạm để thực phẩm bẩn không còn đất sống, người kinh doanh bất nhân không còn cửa làm ăn.

Một “đặt hàng” khác là phải cụ thể hóa số tiền thưởng cho người báo tin, như đề xuất của một bạn đọc: Khoảng cách từ 1 đến 50 triệu xa quá. Sao không cụ thể hóa vấn đề như 40% hay 50% số tiền phạt?

Bạn đọc Lin Da còn cho rằng chẳng cần thù lao, tiền thưởng gì cả, chỉ cần xử lý đến nơi đến chốn những nơi sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ thực phẩm kém vệ sinh thì người dân đã hạnh phúc lắm rồi.

Người dân còn thể hiện sự mong mỏi rằng việc báo tin - thưởng nóng này được áp dụng với cả hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng để người dân thêm an tâm, nhất là khi mùa cao điểm của hàng giả, hàng nhái trong dịp tết sắp đến.

Lo ngại tin giả, tin quấy nhiễu do cạnh tranh

PGS.TS Lê Văn Thọ đánh giá nếu huy động được người dân cùng tham gia thì có thể từng bước đẩy lùi được nạn thực phẩm bẩn như hiện nay bởi các cơ sở sản xuất đều gần với các khu dân cư nên người dân dễ nắm bắt thông tin.

Tuy nhiên, một vấn đề cần lưu ý là tin giả, thông tin quấy nhiễu hoặc thậm chí cơ sở này phá cơ sở kia do cạnh tranh làm ăn…

“Cũng giống như cơ quan phòng cháy chữa cháy có thể nhận nhiều cú điện thoại báo cháy giả, hoặc điện thoại quấy nhiễu đối với cảnh sát 113… Cơ quan chức năng có thể mất nhiều thời gian để sàng lọc”, PGS.TS Lê Văn Thọ nhận định.

Một băn khoăn khác của chuyên gia về chăn nuôi ở TP.HCM là việc làm sao để người dân biết chính xác cơ sở chăn nuôi đó có dùng chất cấm hay không.

“Ngay cả với cơ quan chức năng có chuyên môn, có kinh nghiệm mà còn phải tiến hành xét nghiệm các bước mới đi đến kết luận. Người dân bằng mắt thường thì khó mà biết được các cơ sở chăn nuôi dùng chất gì, có thuộc danh mục cấm hay không”, chuyên gia này nhận định.

Do đó, theo các chuyên gia, tin báo của người dân nên được xem như một cơ sở để cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra đột xuất, nếu phát hiện sai phạm hoặc sau khi có kết quả xét nghiệm cụ thể thì mới đủ căn cứ để xử lý cơ sở.

“Giả sử có những thông tin báo về chưa chính xác thì cũng không gây tổn thất danh dự hoặc uy tín của cơ sở bị tố giác nếu cơ quan chức năng không phát hiện ra sai phạm”, PGS.TS Lê Văn Thọ nói.

Về phía người tố giác, nhiều ý kiến đồng tình rằng cơ quan chức năng nên tuyệt đối bảo mật để bảo vệ người cung cấp, không nên công khai dù người cung cấp tin có đồng ý hay không.

Cần sự chung tay của nhiều đơn vị

Những con heo được nuôi bằng chất tạo siêu nạc bị ảnh hưởng lên hệ thần kinh, hệ cơ và hệ tim mạch, chỉ có nằm hoặc ngồi - Ảnh: HÀ MI
Những con heo được nuôi bằng chất tạo siêu nạc bị ảnh hưởng lên hệ thần kinh, hệ cơ và hệ tim mạch, chỉ có nằm hoặc ngồi - Ảnh: HÀ MI

TS Phạm Tất Thắng, giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển chăn nuôi heo Bình Thắng, đánh giá tin báo của người dân là một phần quan trọng trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn.

Nhưng quan trọng hơn cả là sự bắt tay cùng làm của các đơn vị liên ngành trong vấn đề xử lý thực phẩm bẩn.

“Theo tôi, nên siết chặt quy định đối với các lò mổ tập trung và tăng cường kiểm tra, xử phạt thật nặng. Có thể quy định mang heo về tập kết trước bao nhiêu tiếng rồi mới được giết mổ. Trong thời gian heo tập kết thì lấy mẫu kiểm tra ngay. Nếu phát hiện sai phạm thì hủy ngay lô hàng ấy”, TS Phạm Tất Thắng nêu ý kiến.

Một chuyên gia về thú y khác cho biết nên đặc biệt “quan tâm” đến những người làm thương lái, dẫn mối không có tâm, ép người chăn nuôi phải sử dụng hóa chất độc hại nhằm kiếm lời nhiều hơn.

Nhiều người trong ngành cho rằng chính đối tượng này là những người đầu độc người dân bằng sự vô lương tâm của mình.

Nhiều người cung cấp tin không cần nhận thưởng

Ông Phạm Tiến Dũng, trưởng phòng thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN&PTNT, cho biết người cung cấp tin không cần phải đi cùng với đơn vị chức năng đến địa điểm nghi ngờ kém vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Khi nhận tin báo của người dân, trước hết chúng tôi phải tiến hành xác minh. Nếu vi phạm thì tính chất, mức độ, quy mô ra sao… Căn cứ vào đó mới đưa ra mức thưởng cho người báo tin”, ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng chia sẻ thêm rằng nhiều người gọi điện báo tin và chia sẻ họ không cần nhận thưởng tiền bạc gì cả.

Về vấn đề tin quấy nhiễu, bôi nhọ lẫn nhau, ông Dũng cho biết cơ quan thanh tra sẽ dùng những biện pháp nghiệp vụ để sàng lọc, phân biệt.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, mục đích của việc thưởng nóng cho nguồn tin từ nhân dân là để chấm dứt được chuyện sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, qua đó bảo vệ nòi giống bởi sự ảnh hưởng của những sản phẩm độc hại này là rất to lớn trong đời sống hôm nay và lâu dài.

“Việc người dân báo tin là góp phần bảo vệ chính gia đình mình. Chúng tôi tập trung vào chất cấm, một vấn đề đang gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận xã hội. Hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là ác độc, không được nghĩ đến chứ đừng nghĩ đến chuyện kiếm lợi từ việc làm này”, ông Dũng nói.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> Ông Phạm Tiến Dũng

>> Ông Phạm Tất Thắng

ĐẶNG TƯƠI - LAN ANH - AN NHIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục