Ông Philipp Rösler (trái) nhận bằng tiến sĩ danh dự - Ảnh: V.DŨNG
Câu chuyện bắt đầu về đề tài giới trẻ, điều mà Philipp Rösler cho rằng đây mới chính là tài sản quý giá nhất của VN.
"Phẩm chất Việt nâng đỡ thành công của tôi"
Ông Philipp Rösler nói:
- Tôi bây giờ không còn trẻ nữa, tôi có một quan hệ đặc biệt với VN, nhưng chắc chắn tôi 100% là người Đức. Từ một đứa trẻ sinh ra ở VN, được nhận làm con nuôi rồi trưởng thành ở Đức, tôi không nói được một từ tiếng Việt nào.
Xuất phát từ một trại trẻ mồ côi của người Công giáo ở ĐBSCL, nhưng tôi có những cơ hội cho cuộc đời của mình. Nhờ bố mẹ người Đức nuôi dưỡng, tôi được đi học, được thừa hưởng nền giáo dục tốt nhất. Khi tôi đến trường, ông bà luôn khuyến khích tôi học lên cao hơn và quá trình học hành của tôi không ngừng nhận được sự động viên đó.
Khi những chuyến đi về VN đang ngày càng nhiều hơn, tôi nhìn thấy thanh niên VN có điều gì đó rất đặc biệt, họ tác động đến tôi. Những người trẻ VN hoàn toàn khác với những quốc gia khác.
Cách người trẻ Việt suy nghĩ về vấn đề học hành, đặt nặng giáo dục và sự say mê học tập làm tôi ấn tượng. Giới trẻ là tài sản VN đáng tự hào và có thể là chìa khóa để thu hút đầu tư nước ngoài. Do đó, nâng cao năng lực của thanh niên qua con đường học vấn là cách tốt nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh của một quốc gia.
* Ông nhận thấy có một phẩm chất gì đó trong con người mình liên quan nguồn gốc VN?
- Tôi lớn lên ở Đức với vẻ bề ngoài đậm chất châu Á, thừa hưởng nền giáo dục tinh túy của Đức, nhưng ở mặt nào đó tôi mang trong mình dòng máu VN. Ở Đức, chưa ai từng đặt câu hỏi rằng tôi có phải là người nước ngoài, vì vậy tôi đã được làm nhiều công việc, được cống hiến, tham gia con đường chính trị, trở thành người giữ vị trí cao thứ 2 trong chính phủ mặc dù tôi không hẳn là một người Đức. Tôi nghĩ đó có thể nhờ vào phẩm chất Việt trong con người mình.
Ở Đức, người VN nổi tiếng là năng động và rất chăm chỉ. Người VN luôn muốn khẳng định với bạn bè trên thế giới rằng đây là một dân tộc mạnh mẽ, ham học hỏi. Đó là lý do vì sao cộng đồng người Việt ở các nước trên thế giới thường rất mạnh và đó là nền tảng, cội nguồn hướng đến của người Việt khi ra bên ngoài.
Giáo dục, giáo dục và giáo dục
* Nhiều năm qua, trong những buổi tiếp xúc, giao lưu ở VN, giáo dục dường như là cảm hứng trong các buổi nói chuyện của ông. Vậy theo ông, VN cần tập trung gì cho những đòi hỏi của quá trình phát triển sắp tới?
- Chúng ta nên tập trung vào hai trụ cột chính từng làm nên sự phát triển thịnh vượng, mạnh mẽ của VN trong thế kỷ qua, đó là truyền thống gia đình và giáo dục, học vấn. Trong mọi câu chuyện, đề tài của tôi đều là giáo dục, giáo dục và giáo dục.
Đó là yếu tố quan trọng nhất trong hành trang của mọi người và tôi hi vọng sẽ truyền được cảm hứng này đến với những người trẻ, không ngừng học tập, không ngừng trau dồi bản thân mình. Giáo dục và đào tạo là cơ sở để VN phát triển trong tương lai.
* Đó cũng là điều ông thường dạy con cái mình?
- Vâng, nhưng đôi khi cũng thật là thách thức để giải thích cho một đứa trẻ hiểu về tầm quan trọng của việc học, khi mà chúng thường không quá yêu thích việc đến trường. Bạn có thể lãnh đạo cả một quốc gia, nhưng giải thích cho con mình học hành cần thiết như thế nào vẫn là điều rất nan giải.
Để giải thích cho một đứa trẻ không thích học tiếng Pháp hay tiếng Anh, hoặc môn toán và hướng chúng đến sự tự giác cần lắm tư chất lãnh đạo của những bậc cha mẹ. Tôi vẫn đang học hỏi và cố gắng làm điều đó.
Ông Philipp Rösler - Ảnh: NGUYÊN HẠNH
* Ở VN có những bố mẹ động viên con cái học tập, bắt những đứa trẻ sống giùm giấc mơ của họ, như họ muốn con mình trở thành bác sĩ, kế toán...
- Bố tôi là phi công trong quân đội Đức, vì vậy tôi từng quyết định mình sẽ đi theo con đường quân ngũ. Nhưng gia đình chúng tôi đã không chỉ có một phi công trong quân đội, mà còn có một bác sĩ làm việc cho quân đội. Tôi đã chọn tham gia quân y, làm việc ở đó ba năm, sau đó tôi được bầu vào quốc hội và đi theo con đường chính trị.
Nếu một đứa trẻ được nuôi lớn một cách hi vọng và đầy tự tin như chúng cần có, chúng có thể tự quyết định được cuộc đời mình. "Con muốn trở thành một kỹ sư, một bác sĩ hay bất cứ nghề gì, ngành nghề nào mà con muốn, một nhà báo chẳng hạn". Rõ ràng những đứa trẻ cần có ít nhất một lần, một cơ hội bình đẳng để nói ra mong muốn, ước mơ của chúng như vậy. Những câu nói như vậy cần được lắng nghe nhiều hơn.
Tất cả những người VN mà tôi có dịp gặp, thậm chí những người đã về già, vẫn luôn muốn làm mọi thứ cho con cái mình. Họ không ngừng làm việc chăm chỉ, thậm chí 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần để dành những điều tốt đẹp nhất cho con cái.
Nếu đứa con có khát vọng đi du học, đi Mỹ chẳng hạn, họ cũng sẵn sàng đánh đổi, dành dụm tất cả để cho đứa trẻ đi du học. Họ dành hết thời gian của mình, làm mọi thứ để có đủ tiền cho con. Và những đứa trẻ chúng cảm thấy nợ cha mẹ điều đó.
Việt Nam đang đi đúng hướng
* Ông sẽ về VN nhiều hơn trong năm 2018?
- Dự định của tôi là muốn trở về VN càng thường xuyên càng tốt. Ngay cả khi ở VN với tư cách là một vị khách du lịch hay chỉ đơn giản trong các kỳ nghỉ, tôi cũng luôn muốn kết nối với những người trẻ VN, trò chuyện với họ, tự tạo cảm hứng cho mình bằng những cuộc thảo luận để hiểu những gì đang diễn ra ở VN. Tôi sẵn sàng đưa ra những chia sẻ nếu các bạn trẻ cần những lời khuyên, tư vấn nào đó.
Tôi muốn đến thăm nhiều hơn các trung tâm khởi nghiệp của VN, nơi những người trẻ đang xây dựng hoài bão, những doanh nghiệp mới ra đời. Tinh thần khởi nghiệp ở VN sẽ là động lực cho quốc gia phát triển.
Không giống ở Đức, nơi giới trẻ có xu hướng chọn các công ty, tập đoàn nổi tiếng để làm việc sau khi tốt nghiệp, ra trường, người trẻ Việt thích lăn xả hơn. Có thể "máu kinh doanh" này được truyền từ những ông bố, bà mẹ của người Việt vì mô hình làm ăn gia đình khá phổ biến ở VN, nhưng tinh thần "kinh doanh tự chủ" của người Việt đúng là một tài sản.
* Ông có chia sẻ nào về những thách thức mà VN đối mặt trong quá trình phát triển?
- VN đang ở vào vị trí được thế giới chú ý, với việc tham gia tích cực các sân chơi quốc tế cũng như thúc đẩy tự do hóa thương mại. Một quốc gia muốn nâng cao khả năng trên thị trường quốc tế cần tập trung vào một nền tảng thể chế mạnh và chính sách tiến bộ.
Ngoài ra, quốc gia đó còn cần phải khuyến khích khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn vào công cuộc cải cách, xây dựng năng lực cạnh tranh.
Tôi cảm nhận những gì VN đang triển khai cũng đi theo cách này, có nghĩa các bạn đang chuẩn bị rất tốt cho tương lai. Thực tế trong thực hiện, VN sẽ phải đối mặt với không ít thách thức, nhưng quan trọng là định hướng của VN đang đúng đắn. Chúng ta có thể lạc quan về điều đó. Tôi luôn mong muốn mình có thể đóng góp nhiều hơn vào phát triển chung của VN.
Chính khách trẻ, thăng tiến nhanh
Ông Philipp Rösler (ảnh) sinh ngày 24-2-1973 tại Sóc Trăng, Việt Nam. Khi mới 9 tháng tuổi, ông được một cặp vợ chồng người Đức nhận nuôi.
Ông Rösler lớn lên ở thành phố Hamburg, Buckeburg và Hanover. Cha mẹ ông chia tay nhau lúc ông mới 4 tuổi. Rösler đã vượt qua khó khăn và tốt nghiệp đại học năm 1992, trước lúc được nhận vào Trường y Hanover, lấy bằng tiến sĩ phẫu thuật tim năm 2002. Trong thời gian đó, Rösler đồng thời theo đuổi sự nghiệp chính trị với tổ chức dành cho người trẻ Young Liberals của Đảng Dân chủ tự do Đức (FDP).
Ông Rösler thăng tiến liên tục, nắm giữ những vị trí ngày càng quan trọng với những kết quả bỏ phiếu áp đảo. Sau cuộc tổng tuyển cử năm 2009, ông Rösler làm bộ trưởng y tế liên bang và năm 2011 làm phó thủ tướng kiêm bộ trưởng kinh tế và công nghệ trong chính quyền của Thủ tướng Angela Merkel.
Năm 2013, ông Rösler thất bại trong cuộc bầu cử liên bang. Rời chính trường, ông gia nhập ban giám đốc Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2014. Đầu năm 2018, ông làm giám đốc điều hành Hainan Cihang Charity Foundation, tổ chức có trụ sở ở New York (Mỹ) thuộc tập đoàn Trung Quốc HNA.
Giáo dục tốt giúp chúng ta độc lập, tự chủ
Những cuộc gặp gỡ ở VN bao giờ cũng thú vị. Có một buổi gặp đáng nhớ nhất là khi tôi còn là phó thủ tướng Đức, tôi đã được Trường ĐH Kinh tế quốc dân trao bằng tiến sĩ danh dự vào chuyến thăm VN tháng 9-2012.
Lúc đó, trong tư cách là phó thủ tướng kiêm bộ trưởng kinh tế và công nghệ, tôi đã đề cập rằng dù ở bất cứ nơi đâu, chúng ta có thể không sở hữu tài sản gì, thậm chí không có nhà hay những bộ quần áo xịn thì điều đó vẫn không khẳng định chúng ta là ai. Những gì chúng ta học và nền giáo dục chúng ta tiếp nhận mới định hình con người mình.
Giáo dục tốt sẽ giúp chúng ta dịch chuyển rất độc lập, tự chủ dù ở bất cứ đâu. Nếu được hưởng hay mình có một nền tảng tri thức tốt thì mình sẽ không bị phụ thuộc ai, hoàn cảnh nào.
Ông Philipp Rösler
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận