Binh sĩ chính quyền Damascus ra dấu hiệu chiến thắng khi chiếm lại được khu vực phía đông thành phố Aleppo ngày 28-11 - Ảnh: Reuters |
Quân đội chính quyền Assad đã chiếm lại một số địa điểm then chốt của phe đối lập ở phía đông thủ phủ kinh tế của Syria.
Theo tờ Kommersant của Nga, quân đội Chính phủ Syria, với sự ủng hộ của Iran và Nga, đang nỗ lực giành được tối đa thắng lợi ở Aleppo trước khi chính quyền mới của Mỹ đi vào hoạt động. Họ muốn đặt Nhà Trắng của ông Donald Trump trước chuyện đã rồi: phe đối lập đã thua ở Aleppo!
Theo con số của Trung tâm hòa giải các phía thù địch Syria, hiện quân Chính phủ Syria đã nắm quyền kiểm soát được 12 khu phố của Aleppo. Riêng phía đông Aleppo, quân chính phủ đã chiếm lại được khoảng 40% lãnh thổ (trong khi các nguồn tin phương Tây ước tính chỉ 30%).
Các chuyên gia quân sự dự đoán nếu quân đội Assad tiếp tục đà tiến công này, đến cuối năm nay họ có thể thiết lập kiểm soát hoàn toàn Aleppo.
Aleppo trước chiến tranh được coi là thủ phủ kinh tế của Syria, có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Nếu quân đội Damascus thiết lập được kiểm soát thành phố này, Tổng thống Assad sẽ củng cố được vị thế trong các cuộc thương lượng hòa bình cho Syria, bởi như thế ông sẽ nắm kiểm soát năm thành phố lớn là Damascus, Aleppo, Homs, Hama và Latakia.
Không phải tình cờ mà không lâu trước đợt tiến công quyết định vào Aleppo, hai tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã hai lần trong hai ngày điện đàm về tình hình Syria.
Theo ông Vladimir Sotnikov - giám đốc Trung tâm các nghiên cứu chiến lược Nga - Đông - Tây, không loại trừ các cuộc thương lượng này là ông Erdogan để quân đội Syria được thực hiện các bước chiến sự quyết liệt ở Aleppo.
Không có sự ủng hộ của Ankara, phe đối lập Syria - gần đây vẫn nhận viện trợ và vũ khí từ Thổ Nhĩ Kỳ - sẽ khó trấn giữ Aleppo.
“Đổi lại cho việc đóng cửa biên giới này, ông Erdogan có thể được tự do hành động đối với phía người Kurd đối lập, điều quan trọng hơn đối với Thổ Nhĩ Kỳ” - chuyên gia Sotnikov giả định.
Dù Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan bóng gió về mục tiêu chiến dịch đặc biệt của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria nhằm “lật đổ chế độ Assad”, nhưng phía Nga không xem đó là điều có thể thực thi được.
Phó chủ tịch Ủy ban quan hệ quốc tế của Đuma (hạ viện) Nga Dmitri Novikov cho rằng tuy phát biểu của ông Erdogan có thể làm phức tạp thêm tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, nhưng quan điểm của Nga về vấn đề Syria sẽ không thay đổi.
“Ông Assad vẫn là tổng thống được bầu chọn của Syria và cuộc chiến chống khủng bố vẫn phải được tiếp tục” - ông Novikov khẳng định.
Cuộc chạy đua trên chiến trường nhằm thay đổi cán cân ở Aleppo đã khiến Washington đẩy mạnh công tác ngoại giao. Báo Washington Post cho biết Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gần đây đã nỗ lực để “đạt được việc Nga ngưng các hoạt động chiến sự ở Aleppo” qua các điện đàm thường xuyên với đồng sự Nga Sergei Lavrov, cũng như tại cuộc gặp nhân Hội nghị thượng đỉnh APEC mới đây ở Peru.
Nguyên nhân chính sự tăng tốc của ông Kerry là cuộc khủng hoảng nhân đạo do chiến sự, nhưng đồng thời xuất phát từ nỗi lo “tổng thống mới của Mỹ sẽ ký một thỏa thuận khác với Nga, từ bỏ phe đối lập và như thế đặt Washington đứng về cùng phía với Assad”, như bài báo viết.
Báo Washington Post dẫn một nguồn giấu tên từ Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định Nga đang cố kéo dài thời gian thương lượng với Mỹ để bảo đảm cho ông Assad một thắng lợi quân sự ở Aleppo.
Để thúc đẩy Nga ngồi vào bàn thương lượng, ông Kerry đã thu hẹp đề tài thương lượng về tình hình Syria xuống chỉ còn chuyện Aleppo, mặt khác mở rộng đối tác thương lượng với sự tham gia của Saudi Arabia, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran trong một số trường hợp.
Nhưng như Washington Post đặt câu hỏi: hà cớ gì Matxcơva phải ký thỏa thuận với ông Kerry khi họ có thể đợi không lâu nữa để ký với ông Trump, người trong cuộc vận động tranh cử đã hứa sẽ làm việc với phía Nga?
Chưa kể, như tờ Wall Street Journal tuần trước tiết lộ rằng con trai trưởng của ông Donald Trump - ông Donald Trump Jr., được coi như một đặc sứ tiềm năng của cha - hồi tháng 10 đã gặp một số thành viên phe đối lập Syria mà Assad và Nga chấp thuận.
Còn trên tờ New York Times tuần trước, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã nói ông có “một số ý tưởng mạnh mẽ về Syria” và cho biết đã nói chuyện với ông Vladimir Putin hai lần về việc hợp tác ở Trung Đông.
Vì thế dù ông Kerry tỏ ra vội vã, nhưng ông Putin lại muốn làm việc với chính quyền tương lai của Mỹ nhiều hơn.
Ngày 1-12, Liên Hiệp Quốc cho biết Nga đã đề xuất thiết lập 4 hành lang nhân đạo dẫn tới khu vực phía đông thành phố Aleppo, nhằm tạo điều kiện cho việc chuyển hàng cứu trợ và sơ tán y tế khi cần thiết. Phát biểu trước báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ), cố vấn nhân đạo của Liên Hiệp Quốc Jan Egeland giải thích: “Phía Nga đã thông báo rằng họ muốn ngồi lại với chúng tôi bàn về việc sử dụng 4 hành lang nhân đạo này để sơ tán người dân. Chúng ta có ít nhất 400 người bị thương cần được lập tức sơ tán y tế ra khỏi khu vực này”. Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết sẵn sàng hộ tống các cơ quan viện trợ nhân đạo vào những khu vực phía đông thành phố Aleppo, nơi đã “quét sạch” được phiến quân thời gian gần đây. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận