Toán học và âm nhạc của Beatles

DU LÊ (TỔNG HỢP) 15/11/2017 21:11 GMT+7

TTCT - Sự đại chúng của Beatles không dừng ở âm nhạc, họ đã có thể - theo lời nhà văn Kurt Vonnegut - hoàn thành trọn vẹn nhất sứ mệnh của người nghệ sĩ.

 

Beatles trong A Hard Day’s Night.- Ảnh: digitalspy.com
Beatles trong A Hard Day’s Night.- Ảnh: digitalspy.com


Đam mê gần như mang tính tôn giáo dành cho họ giải thích cho hành trình 40 năm của tiến sĩ toán học - nhạc công nghiệp dư Jason Brown, chỉ để hiểu một hợp âm trong một bài hát của nhóm nhạc huyền thoại.

Năm thiếu niên - khi đó còn có Stuart Sutcliffe chơi bass - tròm trèm mười tám, đôi mươi sang Hamburg, Đức - nơi mà vào năm 1943 còn là hải cảng lớn thứ 4 thế giới, nhưng đến năm 1960, sau khi bị Chiến tranh thế giới II giày xéo, trở thành một thành phố của tội phạm, băng đảng.

Họ lập nghiệp tại những quán bar chơi nhạc sống quanh khu nhà thổ St. Pauli khét tiếng, làm chui, lương còm cõi, nhưng dẫu sao vẫn hơn nhiều so với thành phố Liverpool hậu chiến kiệt quệ.

Bốn năm sau, nhóm sang Mỹ, trình diễn tại Ed Sullivan Show cho 73 triệu khán giả trước màn hình, khán giả của một nước Mỹ đang cần âm nhạc hơn bao giờ hết, sau cái chết của J. F. K. và những kỳ vọng hão huyền của một siêu cường quá - giàu.

Cuộc xâm lăng mới từ Anh quốc này đã thay đổi nước Mỹ, và điều gì vào thời điểm đó thay đổi nước Mỹ cũng thay đổi thế giới. Năm 1964, ở Úc, 300.000 fan xếp hàng từ sân bay đến Adelaide để xem Beatles đi qua trên limo. Ở Tokyo, chính quyền phong tỏa một phần đường cao tốc từ sân bay đến nội ô để nhóm có thể đến khách sạn, hộ tống bởi xe cảnh sát vũ trang tận răng.

Sự đại chúng của Beatles không dừng ở âm nhạc, ở ảnh hưởng nền tảng mà họ tạo ra cho nhiều, rất nhiều thế hệ nhạc công, mà Beatles đã có thể, theo lời nhà văn Kurt Vonnegut, hoàn thành trọn vẹn nhất sứ mệnh của người nghệ sĩ, khiến con người cảm thấy trân trọng rằng mình hãy còn đang sống, dẫu ngắn ngủi.

Mick Jagger của Rolling Stones nhận định Beatles lớn đến nỗi nếu không sống qua giai đoạn đó - giai đoạn người ta bất kể tầng lớp, giai cấp, xuất thân, lứa tuổi đều nhất loạt nghe Beatles, ta không thể nào hiểu nổi tầm vóc của họ, không ai có thể so sánh với họ.

John Lennon không hoàn toàn vô căn khi nói họ nổi tiếng hơn Jesus. Tiến sĩ, giáo sư toán Jason Brown của Đại học Dalhousie thuộc về thế hệ may mắn đó, điều giải thích cho hành trình đã bốn thập niên của ông chỉ để tìm hiểu một hợp âm của Beatles.

Hành trình huyền ảo

Có lẽ A Hard Day’s Night là âm thanh dễ nhận dạng nhất trong nhạc đại chúng. “Đây là hợp âm mà mọi người trên thế giới đều biết” - Randy Bachman, ngôi sao rock lừng lẫy của hai nhóm The Guess WhoBachman Turner Overdrive, nói với ABC News.

Đó là tháng 7-1964, giai đoạn đỉnh cao của cơn sốt Beatles, và họ đang cần một tuyên ngôn nghệ thuật cho riêng mình.

Sau nhiều thể nghiệm, ban nhạc cuối cùng đã chọn ra một âm thanh nghịch nhĩ chan chát nhưng tuyệt vời: hợp âm mở đầu cho bản nhạc cùng tên, trong album cùng tên và bộ phim cùng tên A Hard Day’s Night.

Với tôi, cảm giác giống như nhảy tòm vào một hồ nước trong một ngày mùa hạ oi ả - Brown, fan cuồng của Beatles, nhận xét - Tôi không cho rằng tồn tại một bản nhạc nào khác có đoạn mở đầu như thế. Đó là một hợp âm đẹp khôn tả”.

Khôn tả và hóa ra, khá là bí ẩn. Nhiều thập kỷ qua, chẳng ai biết hai giây âm nhạc ngắn ngủi đó đã được tạo ra thế nào. Có thể bạn đang tự hỏi một hợp âm thì có gì mà bí ẩn - nhất là khi hợp âm đó thuộc về một trong những ban nhạc lừng danh nhất lịch sử. Chẳng phải bất kỳ ai được đào tạo lý thuyết âm nhạc cũng có thể nhận ra những nốt nhạc nào đứng chung với nhau sẽ tạo ra một âm thanh nhất định đó sao?

Chẳng dễ dàng như thế. Thậm chí những nhà nhạc sĩ học hành đàng hoàng nhất đôi khi vẫn bất đồng về hợp âm mà họ ký âm lại bằng tai, nên những hợp âm bất quy tắc cố nhiên càng khó hơn.

Khó biết chính xác họ đang đánh ra những gì - Brown, ngoài việc dạy và nghiên cứu toán còn là nhạc công, nói - Con người nghe những nốt nhạc không theo hợp âm và bỏ qua những nốt nhạc, dù chúng vẫn được đánh. Mỗi nhạc công, dù trường lớp thế nào, cũng sẽ nghe ra những âm thanh khác nhau”.

Vật lý của âm thanh cũng không giúp được gì nhiều. “Khi một dây đàn được gảy, ta không chỉ nghe được âm tần chính mà còn có hòa âm, tức những bội số khác nhau của cùng âm tần đó” - sự kết hợp giữa chuyên môn khoa học và tình yêu âm nhạc khiến Brown có góc nhìn hơi khác với những tay lý thuyết âm nhạc chuyên nghiệp. Mớ bòng bong âm thanh luôn thay đổi này sẽ xâm chiếm não của chúng ta, bên cạnh một âm thanh tình cờ nào đó.

Bất cứ cái gì cọ quậy trong phòng” cũng sẽ tạo ra các âm tần riêng - Brown giải thích. Do đó, chẳng có gì ngạc nhiên khi một số nốt nhạc trong hợp âm trứ danh của Beatles đã là một bí ẩn lâu như thế.

Beatles cũng không nhớ!

Hồi tháng 2-2001, trong một cuộc trò chuyện trực tuyến, có người đã hỏi George Harrison chơi đoạn hợp âm mở đầu A Hard Day’s Night như thế nào và George chỉ có thể nhớ lờ mờ phần mình chơi, chứ đừng nói phần của các thành viên khác. “Anh phải hỏi Paul về nốt bass anh ấy đánh để có câu trả lời” - George đáp. Nhưng ngay cả nếu có ghi chép gì, nhiều khả năng nó cũng không đáng tin cậy.

Năm 1964 cũng là một năm quá nhiều sự kiện với Beatles, khi họ đang là ban nhạc nổi tiếng nhất hành tinh. Thêm nữa, ca khúc A Hard Day’s Night được thu chỉ duy nhất trong một ngày.

Hợp âm đó, vì thế, không chỉ trở thành một bí ẩn, mà còn là chủ đề bàn tán ưa thích của các fan và nghệ sĩ trình diễn nhạc Beatles. Bachman - giờ đã 74 tuổi, tức là 21 tuổi vào cái năm 1964 đáng nhớ đó - khá chắc ăn là ông đã giải đáp được bí ẩn khi vào cánh gà của Studio Abbey Road với Giles, con trai George Martin - nhà sản xuất, thu âm, phối khí, chỉ đạo nghệ thuật, nhạc công và kỹ thuật viên phòng thu người Anh, được coi là “Beatle thứ năm”.

Bachman nghe cái mà ông cho là bản thu gốc, được máy tính xử lý theo từng track và tự xâu chuỗi lại thành phiên bản hợp âm mà ông cho là đúng. “George chơi cây 12 dây (ghita điện), rồi một hợp âm Fa, nhưng đánh Sol bật lên, rồi Sol chìm, rồi một Đô đánh liền với Sol - Bachman giải thích - Paul đánh Rê trên bass, ghita nhịp của John đánh Rê treo 4”.

Gần đúng, nhưng vẫn chưa đủ đúng với Brown. Vị giáo sư toán vẫn hoài nghi về “bản thu gốc” vì vào thời điểm A Hard Day’s Night được thu, trống, bass và hai ghita đều thu vào cùng một track. “Quá trình tách từng tiếng nhạc cụ được phần mềm thực hiện” - ông giải thích sự hoài nghi của mình.

Phần mềm thì không hoàn hảo và quan trọng hơn, bản thân ông từng tiến hành một phân tích tương tự: “Tôi đã biết về cuộc tranh luận này ngay từ khi thử chơi hợp âm đó trên ghita. Hồi học trung học, mỗi kỳ hè tôi đều dành mỗi ngày từ tám đến mười tiếng đồng hồ tự học chơi các bản nhạc của Beatles”. Ông nghiền ngẫm không biết bao nhiêu là sách nhạc của Beatles, nhưng mỗi quyển lại có ký âm khác nhau cho đoạn mở đầu A Hard Day’s Night.

Toán học vào cuộc

Năm 2004, kỷ niệm 40 năm album ra đời, khơi lại trong Brown quyết tâm khám phá bí ẩn đó. Lúc bấy giờ, ông đã là giáo sư toán.

Tôi quen đọc sách toán để giải trí, và một trong những quyển tôi đã đọc có một chương viết về toán học và âm thanh - ông kể - Tôi đã nghĩ tới kết hợp âm nhạc với toán học và liệu có hay không một cách thức khoa học để quyết định bản chất của một hợp âm, thay vì sử dụng chỉ thính giác”.

Chương sách quan trọng ấy viết về chuyển hóa Fourier (đặt theo tên nhà toán học người Pháp Joseph Fourier, là phép biến đổi một hàm số hoặc một tín hiệu theo miền thời gian sang miền tần số. Chẳng hạn một bản nhạc có thể được phân tích dựa trên tần số của nó).

Biến đổi này cho phép phân tích thành phần cấu tạo của một hợp âm. “Tôi có thể giải phẫu hợp âm ấy thành một chuỗi nốt nhạc cơ bản. Tôi có 30.000 tần số - Brown nói cách làm - Tôi nhận ra rằng các nốt nhạc thật sự được chơi là những nốt nhạc được đánh to nhất. Điều này cho phép tôi loại suy toán học từ các dữ kiện có được”.

Nhưng sau chừng ấy công sức vẫn chưa đủ. Bất luận tiến sĩ Brown sắp xếp các dữ kiện ra sao, nó vẫn chưa khớp hoàn toàn với các nhạc cụ được cho là đã làm nên hợp âm.

Khoảnh khắc âm nhạc khôn cưỡng nhưng bức bối này, dẫu đã giải cấu bằng toán học, không thể nào xuất phát từ ba cây ghita của Beatles: “Tôi lại tắc tị vì cây 12 dây chẳng thể đánh được hợp âm đó”. Bế tắc của Brown xuất phát từ ba âm tần cho một nốt Fa chẳng thể gán cho cây ghita nào, dù người diễn tấu có tài năng tới đâu.

Tôi gần như đã đầu hàng, nhưng rồi lại nhận ra mình đã luôn giả định rằng Beatles trình diễn hợp âm ấy - Brown nói, tiếp tục hành trình gian khổ - Chuyện gì xảy ra nếu giả định đó không đúng? Nếu còn một nhạc cụ khác? Phần sau của bản nhạc, ta có thể nghe thấy rõ tiếng piano đánh lại câu lead của George. Do đó, tôi cho rằng có lẽ có một cây piano ở đây... và âm tần đến từ nốt duy nhất từ cây piano”.

Brown hối hả tìm một cửa hàng nhạc cụ để kiểm tra. “Trước khi chủ cửa hàng đuổi tôi ra, tôi đã xác định được rằng đúng, có thể là như vậy, và qua đó tôi suy luận về cây piano trong phòng thu Abbey Road. Tôi biết ở đó có một cây piano cỡ trung, không phải loại to đùng, là nơi nốt nhạc ấy phát ra”.

Đó là miếng ghép cuối cùng trong bức tranh của nhà toán học mê Beatles. Ẩn sâu trong bản thu hợp âm lấp lánh ấy, một ai đó - có thể là Ringo hay George Martin - đã đánh một nốt Sol trên cây piano.

Brown nhớ lại khoảnh khắc khám phá kỳ diệu ấy: “Cảm giác thích thú dị thường. Hợp âm đó đã là điều bí ẩn một thời gian rất dài và người ta vẫn còn nói về nó. Tôi cho rằng có lẽ một trong những gia tài của âm nhạc Beatles chính là sự tài tình trong các sáng tác ở nhiều tầng cấp khác nhau, đến độ những người 40-50 năm sau vẫn sẽ còn phân tích, vẫn sẽ còn tìm cách để hiểu vì sao chúng lại tuyệt vời đến thế”.■

A Hard Day’s Night được Beatles viết sau một ngày uể oải nhưng khi hào sảng, hứng khoái, họ mời đạo diễn Stanley Kubrick đạo diễn bộ phim Chúa Nhẫn, trong đó John sẽ đóng vai Gollum, Paul vai Frodo, Ringo vai Sam và George vai Gandalf, phù thủy Xám (và là một thần sáng thế Maiar). Tolkien từ chối, nhưng bốn con kền kền trong Cậu bé rừng xanh lại được dành riêng cho tứ quái.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận