Toàn cầu hóa hay sự dối lừa vĩ đại

TTCT - Những người “mộ đạo” coi toàn cầu hóa là điều không thể tránh khỏi và có lợi cho tất cả. Trên thực tế, cả hai điều đó không xảy ra và chính những giá trị của phái tự do đang phải trả giá vì thực tế phũ phàng.

Toàn cầu hóa đã không tạo ra những hiệu quả như tiên đoán và giờ vấp phải rất nhiều sự chống đối

 

Bài phát biểu ở Đại hội Đảng Lao động của cựu thủ tướng Anh Tony Blair năm 2005 nghe như từ kiếp trước: “Tôi nghe có người nói chúng ta phải ngưng lại và tranh luận về toàn cầu hóa. Thế thì chẳng khác gì tranh luận xem tiếp theo mùa hạ có phải là mùa thu không”.

Sẽ có những đứt gãy và những kẻ bị bỏ lại phía sau, nhưng đó là con đường không thể thay đổi, theo lời ông Blair. Ngày nay, một chính trị gia ăn nói kiểu đó thì khả năng lớn là sẽ thất cử.

Những người như Blair hẳn đang tự hỏi tại sao con đường mà họ tin chắc lại đang có vẻ rẽ hướng, thậm chí ngừng lại đột ngột.

Thương mại đã không còn tăng trưởng nữa, các dòng chảy tài chính xuyên biên giới không trở lại với mức trước khủng hoảng tài chính một thập niên trước và sau nhiều năm thúc đẩy tự do thương mại, những người dân túy và dân tộc giờ đang tràn ngập Nhà Trắng.

Ông Blair và những người đồng chí hướng chắc chắn như thế vào hơn 10 năm trước, vì họ có một lý lẽ mạnh trong tay: lợi thế so sánh. Đó là một lý lẽ chẳng mới mẻ gì, nó đã 200 năm tuổi, nhưng lúc đó nó vẫn còn rất logic: thương mại tạo ra chuyên môn hóa và một quốc gia chuyên môn hóa những gì họ làm giỏi sẽ khiến tất cả các quốc gia cùng tốt đẹp hơn.

Nhưng, đầu tiên, không phải tất cả các quốc gia đã tốt đẹp hơn. Thứ hai, những gì David Ricardo viết hơn 200 năm trước chỉ áp dụng cho hàng hóa hữu hình.

Những kẻ cổ vũ toàn cầu hóa hiện đại đã không chỉ muốn dỡ bỏ thuế quan và hạn ngạch, mà còn là cả các quy định trong ngành tài chính: luật đầu tư, tiêu chuẩn sản phẩm, tác quyền...

Bởi thế, kẻ hưởng lợi lớn nhất của toàn cầu hóa đã là Trung Quốc: họ áp dụng các chính sách thương mại và công nghiệp bị Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cấm đoán, thao túng đồng nội tệ và kiểm soát chặt các dòng tư bản. Nền kinh tế Trung Quốc nhờ đó đã cất cánh. Nhưng các nền kinh tế công nghiệp ảm đạm hơn nhiều.

Bài học lịch sử

Trái với sự đoan chắc của ông Blair, toàn cầu hóa là một tiến trình có thể đảo ngược, điều được chứng minh qua lịch sử. Những đỉnh cao của quá trình hội nhập từng diễn ra đầu thế kỷ 20. Rồi dưới chế độ bản vị vàng (khi các đồng tiền quốc gia được trao đổi tự do thành một lượng vàng cố định), dòng vốn luân chuyển không bị cản trở giữa các biên giới.

Chế độ đó không chỉ khích lệ dòng chảy tư bản, mà cả thương mại bởi nó loại bỏ rủi ro hối đoái: các thương nhân có thể nhận tiền thanh toán ở bất cứ đâu trong hệ thống mà không sợ tỉ giá hối đoái thay đổi.

Tới năm 1880, bản vị vàng và dòng vốn luân chuyển tự do là vấn đề nguyên tắc. Lúc đó, con người cũng tự do đi lại: họ đã di chuyển với số lượng lớn từ châu Âu tới Tân thế giới, từ các thuộc địa tới châu Âu và ngược lại.

Đó cũng là thời kỳ những tiến bộ vượt bậc trong giao thông và công nghệ liên lạc - tàu biển hơi nước, đường sắt, điện tín - làm thay đổi bộ mặt những nền kinh tế lớn.

Nhưng mọi chuyện bắt đầu thay đổi vào cuối thế kỷ 19: nhiều nước châu Âu áp và nâng thuế với sản phẩm nông nghiệp, rồi cuộc chiến thương mại nhanh chóng lan sang hàng hóa chế tạo. Hạn chế nhập cư cũng bắt đầu từ cuối thế kỷ 19: năm 1882, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật loại trừ người Hoa khét tiếng và giới hạn người nhập cư Nhật Bản từ năm 1907.

Rất giống ngày nay, hệ thống bản vị vàng và toàn cầu hóa của một thế kỷ trước, trong khi thúc đẩy hội nhập và thương mại, cũng đã tạo ra rất nhiều kẻ thua cuộc, bị bỏ bên lề và hệ quả tiếp nối là các chính trị gia dân túy.

Nông dân than phiền về hàng nhập khẩu nước ngoài khiến nông sản họ làm ra không bán được, công nhân Mỹ nói những người Trung Quốc nhập cư chấp nhận tiền lương rẻ mạt làm họ không có việc làm.

Thời gian giữa hai cuộc thế chiến cũng là bước lùi của toàn cầu hóa: những người cộng sản tập trung vào xây dựng xã hội trong mơ của họ, trong khi phía cực hữu nhấn mạnh vào chủ nghĩa dân tộc, cả hai đều hướng vào trong thay vì ra ngoài.

Được và mất

Chắc chắn là hàng loạt vòng đàm phán thương mại tự do đa phương sau Chiến tranh thế giới thứ hai mang tới không ít điều tốt đẹp, nhưng những dấu hiệu rắc rối đầu tiên xuất hiện sau khi các nước đang phát triển tham gia nền kinh tế toàn cầu: lương thấp ở đó đã tạo ra sức ép phân phối ở những nước nhập khẩu.

Không phải các kinh tế gia không nhận ra điều này. Định lý Stolper-Samuelson nổi tiếng nói ở những nơi mà công nhân tay nghề cao nhiều, như Mỹ và Tây Âu, lương của công nhân thiếu kỹ năng sẽ phải giảm trong dòng thương mại tự do.

Trên lý thuyết, các nước có thể phân phối lại của cải mà họ có được từ toàn cầu hóa xuống cho những nhân công này (và châu Âu đã cố gắng làm điều đó với mô hình xã hội chủ nghĩa ở một số nước), nhưng đó chưa bao giờ là một nỗ lực đầy đủ, trọn vẹn và quyết tâm tới cùng.

Bản thân thương mại trong toàn cầu hóa đã không hoàn hảo, nhưng những ngụ ý chính trị đi kèm mới khiến tình hình thêm tồi tệ.

Thương mại trở thành một vật tế thần dễ thấy với các chính trị gia, bởi họ có thể đổ lỗi cho người nước ngoài: người Trung Quốc, người Mexico, người Đức vì tình trạng đình trệ công ăn việc làm trong nước.

Tệ hơn, khi luật lệ không như nhau ở tất cả các nước sản xuất cùng một thứ hàng hóa, sự cạnh tranh sẽ làm xói mòn các quy định về bảo vệ người lao động, môi trường và bằng sáng chế.

Tuy nhiên, những người ủng hộ toàn cầu hóa nhiệt thành vẫn bỏ qua các mối quan ngại đó và lại đặt thêm gấp đôi vào cửa hội nhập, thúc đẩy các hiệp định thương mại mà giờ thật ra không còn tự do nữa.

Sự tập trung giờ chuyển sang những quy định bên ngoài biên giới: hạn chế trợ cấp nông nghiệp, chuẩn hóa các quy định đầu tư, tiêu chuẩn sản phẩm, quyền sở hữu trí tuệ... Tất cả những điều này nhanh chóng chính trị hóa cuộc tranh cãi, vốn ban đầu chỉ là về kinh tế.

Một câu chuyện điển hình: Ở Anh, nơi mức sống cao hơn và tiêu chuẩn về nông nghiệp thường ngặt nghèo hơn, từng cấm việc nuôi gà lấy trứng nhốt trong những chuồng quá nhỏ. Nhưng Liên minh châu Âu (EU) đã phán quyết quy định đó không được cản trở việc Ba Lan, nơi quy định nông nghiệp lỏng lẻo hơn nhiều, xuất khẩu trứng gà vào Anh.

Nông dân Anh đã nổi giận (sẽ thú vị nếu biết bao nhiêu người trong số đó bỏ phiếu ủng hộ Brexit). Vài năm sau, khi Anh vận động được việc thông qua một quy định diện tích chuồng gà tối thiểu ở EU, tới lượt người Ba Lan điên tiết.

Không như các hiệp định thương mại tự do thông thường, quá trình “tự do hóa” thương mại hiện nay thực ra là một sự nhất thể hóa và điều đó không chắc mang lại hiệu quả như mong muốn.

Không như lý thuyết lợi thế so sánh, hiện không có lý thuyết tổng quát nào để giải thích tại sao các quy định về sản xuất lương thực và ngân hàng đồng nhất lại mang lại lợi thế cho tất cả các nước. Điều mà việc nhất thể hóa thực sự làm là hi sinh chủ quyền của các quốc gia, cùng với đó là khả năng phản ứng trước khủng hoảng và thay đổi của các nền kinh tế - xã hội đơn lẻ.

Kịch bản tương lai

Có lẽ sai lầm lớn nhất của toàn cầu hóa hiện đại là tự do hóa về tài chính. Những người ủng hộ lập luận rằng dòng chảy tài chính tự do trên toàn thế giới sẽ đưa tiền tới nơi có lợi suất cao nhất, như thế thì những công dân bình thường có chút tiền tiết kiệm cũng sẽ được hưởng lợi vì họ không còn phải giam hãm tiền của mình ở trong nước nữa.

Nhưng những lợi ích đó chưa bao giờ thành hiện thực và đôi khi điều xảy ra hoàn toàn ngược lại. Trung Quốc đã trở thành một nước xuất khẩu vốn, thay vì nhập khẩu.

Thả lỏng tài chính cũng là nguyên nhân kéo theo hàng loạt cuộc khủng hoảng cực kỳ đắt giá, bao gồm ở Đông Á năm 1997. Toàn cầu hóa tài chính kiểu hiện đại đi xa nhất ở khu vực sử dụng đồng euro, cũng là nơi hiện đang vật lộn đau khổ nhất với những cơn bão nợ không có lối thoát.

Ngày nay, quan điểm của kinh tế học về việc toàn cầu hóa ngành tài chính không còn lạc quan như trước. Những thất bại thị trường và nhà nước - thông tin bất cân xứng, không đủ quy định, khủng hoảng chu kỳ - lan tràn như bệnh dịch trong lĩnh vực này.

Toàn cầu hóa thường chỉ khiến chúng thêm tệ hại. Thật vậy, trong cuộc khủng hoảng Đông Á năm 1997, những nền kinh tế kiểm soát vốn nước ngoài chặt chẽ hơn đã ít bị tổn hại hơn.

Khi dòng vốn năng động hơn, việc thu thuế cũng khó khăn hơn. Các chính quyền ngày càng phải tự chi trả nhiều hơn bằng những thứ thuế dễ thu: tiêu dùng hay lao động.

Thuế thu nhập doanh nghiệp, mà Mỹ lại vừa cắt, đã giảm mạnh gần như ở mọi nền kinh tế tiên tiến từ cuối những năm 1980 và với các doanh nghiệp công nghệ khổng lồ hiện giờ, thu thuế là điều gần như không thể, không chỉ ở các nước giàu. Gánh nặng thuế, do đó, chuyển sang thuế thu nhập và thuế giá trị gia tăng, vốn đánh vào quảng đại quần chúng.

Chúng ta có lẽ sẽ có ba kịch bản tương lai: một cuộc sụp đổ toàn diện nữa như thời những năm 1930; sự lên ngôi của chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa bảo hộ; và cuối cùng, một sự điều chỉnh đúng lúc: rút lui khỏi sự toàn cầu hóa bằng mọi giá, nhưng không đóng sầm cánh cửa đó lại.■

Toàn cầu hóa, khác với lòng tin của ông Blair, không phải là một lực lượng siêu nhiên không thể ngăn cản. Đó là sản phẩm của con người, được định hình có ý thức bởi những luật lệ do con người đặt ra. Chúng ta vẫn có thể đánh thuế với các doanh nghiệp, quản lý tốt hơn các ngân hàng và cả những dòng vốn. Một nền kinh tế toàn cầu với các lựa chọn như thế ngay từ đầu hẳn đã rất khác với khung cảnh ảm đạm về tương lai hiện giờ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận