Các đại biểu tham dự diễn đàn WEF tại Davos ngày 22-1 - Ảnh: Reuters
Chủ đề này sẽ được 3.000 đại biểu, trong đó có 100 lãnh đạo chính phủ và 1.000 doanh nghiệp, thảo luận tại diễn đàn để toàn cầu hóa thực sự mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp?
Các thách thức của toàn cầu hóa
Ông Fred Kempe, chủ tịch kiêm CEO Viện chính sách Hội đồng Atlantic và từng có 25 năm tham dự diễn đàn tại Davos, chia sẻ với Đài CNBC rằng ông chưa bao giờ thấy tâm trạng lo lắng như vậy của những người tham dự diễn đàn về nguy cơ đang nổi lên trong các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, xã hội và khí hậu.
Có một thực tế là hơn 10 năm sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008), do tình trạng phục hồi chậm và không đều, một bộ phận rất lớn cộng đồng trong xã hội ngày càng trở nên bất bình và giận dữ, không chỉ với thể chế chính trị hay các chính trị gia trong nước, mà cả với xu thế toàn cầu hóa và hệ thống kinh tế tổng thể mà toàn cầu hóa đóng vai trò trụ cột.
Trong một kỷ nguyên mà những bất an và mệt mỏi lan rộng, chủ nghĩa dân túy cũng đang nổi lên như một lựa chọn ngày một hấp dẫn để thay thế tình thế hiện tại ở nhiều nơi trên thế giới.
Có một thực tế là ngày càng nhiều cử tri các nước yêu cầu "giành lại quyền kiểm soát" từ "các thế lực toàn cầu", kéo theo đó là thách thức khôi phục chủ quyền trong một thế giới đòi hỏi nhiều hơn tinh thần hợp tác.
Theo đó, diễn đàn WEF năm nay kêu gọi các đại biểu tham dự, thay vì đóng cửa các nền kinh tế thông qua chủ nghĩa bảo hộ và giương cao ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc trong chính trị, hãy nỗ lực tạo ra sự đồng thuận mới giữa người dân và nhà lãnh đạo, sao cho mọi người dân trong nước cảm thấy đủ vững tin để cởi mở hơn với thế giới bên ngoài.
WEF 2019 cũng diễn ra trong bối cảnh nhân loại đối mặt với những thách thức ngày càng nhiều liên quan tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tốc độ thay đổi chưa từng có tiền lệ của công nghệ kéo theo sự thay đổi hoàn toàn của hàng loạt lĩnh vực như y tế, giao thông, liên lạc, sản xuất, phân phối và năng lượng.
Bức tranh kinh tế ảm đạm
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo xung đột thương mại Mỹ - Trung, Brexit và các nguồn cơn bất ổn khác của thế giới đang đe dọa tiếp tục kéo sâu hơn chỉ số tăng trưởng kinh tế toàn cầu so với mức dự báo vốn đã rất ảm đạm mà IMF công bố từ 3 tháng trước.
Cụ thể IMF hạ dự báo GDP toàn cầu trong năm nay chỉ còn 3,5%, thấp hơn con số 3,7% tổ chức này đưa ra tháng 10 năm ngoái.
Tới năm 2020, tỉ lệ này cũng chỉ còn ở mức 3,6%. Theo IMF, sở dĩ các dự báo của họ tiêu cực hơn chủ yếu vì thực trạng tăng trưởng yếu tại Nhật và châu Âu.
Lo ngại của IMF về thương mại và toàn cầu hóa, theo báo Financial Times, cũng tương đồng với những số liệu của Liên Hiệp Quốc.
Theo Liên Hiệp Quốc, trong năm 2018, đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu giảm 19% do các công ty Mỹ rút vốn về nước để tận dụng chính sách giảm thuế mới, rút bớt dòng tiền khỏi nền kinh tế toàn cầu.
"Điều quan trọng là sau hai năm phát triển chắc chắn, kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm hơn kỳ vọng và các nguy cơ cũng gia tăng" - bà Christine Lagarde, tổng giám đốc điều hành IMF, chia sẻ quan điểm trước báo giới tại Davos ngày 21-1, trước khai mạc WEF.
Bức tranh ảm đạm về kinh tế thế giới của IMF đưa ra trong bối cảnh nhiều nhà lãnh đạo thế giới đang tập trung vào việc giải quyết các vấn đề trong nước nhiều hơn. IMF kêu gọi tinh thần hợp tác quốc tế lớn hơn nữa để giới kinh doanh có thêm niềm tin trong hoạt động đầu tư thời gian tới.
Dẫu thế, thông điệp của IMF kêu gọi các nước giải quyết những căng thẳng thương mại và đạt được tiến trình Brexit suôn sẻ dường như vô vọng, bởi cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Theresa May đều vắng mặt tại WEF năm nay để lo "dẹp loạn" trong nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận