-
Việt Nam
- Hiến pháp 2013 (sửa đổi) khẳng định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.
- Dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng nhanh, có thể coi là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam. Từ mức gần như con số không vào năm 1986, vốn đăng ký FDI đã tăng lên 64 tỉ USD năm 2008. Tính đến hết năm 2015, tổng số dự án FDI tại Việt Nam đã lên đến 19.929 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 300 tỉ USD.
- Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 thị trường tại tất cả các châu lục.
- Trong lĩnh vực thông tin, năm 2015, với trên 45 triệu người sử dụng internet (chiếm 52% dân số cả nước), Việt Nam đứng thứ ba ở Đông Nam Á và thứ sáu ở châu Á về số lượng người dùng internet.
-
Brunei Darussalam
- Brunei theo chế độ quân chủ chuyên chế thế truyền do Quốc vương đứng đầu. Mọi quyền hành đều nằm trong tay Quốc vương và gia đình Hoàng tộc.
- Quốc vương có quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp và sửa đổi luật pháp, kể cả Hiến pháp.
- Giúp việc cho Quốc vương có 5 Hội đồng do Quốc vương chỉ định gồm Hội đồng Bộ trưởng Nội các; Hội đồng Tôn giáo; Hội đồng Cơ mật, Hội đồng Lập pháp (Quốc hội) và Hội đồng Truyền ngôi.
- Kim ngạch thương mại song phương chỉ đạt vài triệu USD mỗi năm, chủ yếu ta xuất siêu. Việt Nam xuất sang Brunei chủ yếu là hàng thủy sản và gạo, Việt Nam nhập khẩu từ Brunei chủ yếu là hóa chất và các chế phẩm dầu mỏ.
- Hiện đang có khoảng 1.000 lao động Việt Nam làm việc tại Bru-nây, chủ yếu là lao động phổ thông trong lĩnh vực xây dựng, công nghiệp hóa dầu và lọc dầu.
-
Canada
- Quân chủ lập hiến. Người đứng đầu nhà nước là Nữ hoàng Anh Elizabeth II (được đại diện bởi một viên Toàn quyền người Canada do Thủ tướng Canada đề nghị và được Nữ hoàng chấp thuận, nhiệm kỳ 5 năm). Toàn quyền hiện tại là ông David Johnston.
- Chính phủ Trudeau triển khai chính sách đối nội với khẩu hiệu “thay đổi thật sự”, tiến hành nhiều chính sách cải cách kinh tế - xã hội để vực dậy nền kinh tế, thúc đẩy đồng thuận và hài hòa phúc lợi của các tầng lớp, sắc tộc trong xã hội, đẩy mạnh công khai minh bạch trong quản lý và điều hành chính phủ.., bước đầu đem lại một số kết quả tích cực, mức độ tín nhiệm khá cao.
- Hiện có khoảng 250.000 người Việt Nam sinh sống tại Canada, lớn thứ năm trong các cộng đồng không phải gốc châu Âu sau Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines và Jamaica. Người Việt có mặt ở tất cả các tỉnh bang Canada, trong đó 90% tập trung ở 4 tỉnh bang là Ontario, Québec, British Columbia và Alberta, nơi có các thành phố lớn và vùng kinh tế phát triển.
- Trong cuộc bầu cử đầu năm 2011, có 2 ứng cử viên gốc Việt trúng cử thành nghị sĩ Canada là Hoàng Mai và Anne Anh - Thu Quách. Ngày 7-9-2011, Thủ tướng Harper đã bổ nhiệm 5 Thượng Nghị sĩ, trong đó có ông Ngô Thanh Hải (là người Canada gốc Việt đầu tiên được bổ nhiệm vào Thượng viện Canada).
-
Chile
- Theo thể chế Cộng hoà; Tổng thống là Nguyên thủ quốc gia và đứng đầu Chính phủ, được bầu trực tiếp, nhiệm kỳ 4 năm và không được tái cử nhiệm kỳ tiếp theo. Tại các khu vực và địa phương, chính quyền do Thống đốc/Tỉnh trưởng đứng đầu được Tổng thống chỉ định; tại cấp Quận, Quận trưởng do người dân trực tiếp bầu với nhiệm kỳ 4 năm.
- Chile giàu tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là đồng (đứng đầu thế giới và chiếm 40% trữ lượng, chiếm tới 1/3 sản lượng toàn cầu và khoảng 1/2 giá trị kim ngạch xuất khẩu của Chile), diêm tiêu, sắt, than, gỗ và tài nguyên biển; đứng đầu thế giới về sản xuất bột cá; có nền kinh tế phát triển và thể chế tài chính mạnh. Xuất khẩu đóng góp gần 1/3 tổng GDP.
- Việt Nam và Chile thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 25-3-1971 và mở Đại sứ quán tại thủ đô của mỗi nước vào năm 1972, tuy nhiên quan hệ bị gián đoạn sau cuộc đảo chính quân sự do Tướng Pinochet cầm đầu. VN mở lại đại sứ quán ở Chile tháng 10-2003; Chile mở lại tháng 11-2004.
- Quan hệ thương mại hai chiều tăng từ 170 triệu USD năm 2005 lên 890,47 triệu USD năm 2014; năm 2015 đạt 950 triệu USD; năm 2016 đạt 1,03 tỉ USD
-
Đài Loan
- Người Hán chiếm khoảng 98%; 2% còn lại là 11 nhóm người thiểu số trên đảo. Dân số chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn, chiếm 68,75% tổng số dân. có 06 thành phố trực thuộc trung ương, 11 huyện và 3 thành phố cấp 2.
- Đài Loan là một trong những nền kinh tế lớn trên thế giới và là một trong những "con rồng" của châu Á; có thực lực kinh tế hùng hậu, cơ sở hạ tầng tương đối hiện đại, mạng lưới thương mại quốc tế hoàn chỉnh, cơ sở công nghệ vững chắc, nông nghiệp tiên tiến, lực lượng lao động có hàm lượng chất xám cao, có khả năng khai thác và phát triển những ngành khoa học kỹ thuật mới.
- Hiện có hơn 100.000 công dân người Việt Nam kết hôn di trú tại Đài Loan. Hiện nay, tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan khoảng 193.000 người, đứng thứ hai về tổng lượng (sau Indonesia) và đứng đầu về số lượng lao động làm việc trong ngành sản xuất công nghiệp tại Đài Loan, chiếm 28,66% thị phần trong lĩnh vực này.
-
Hàn Quốc
- Nền kinh tế Hàn Quốc lớn thứ 4 tại châu Á, thứ 11 trên thế giới (năm 2016). Năm 2016, GDP đạt 1.411 tỉ USD (đứng thứ 11 thế giới), thu nhập bình quân đầu người đạt 28.462 USD.
- Kim ngạch thương mại năm 2016 đạt 901,6 tỉ USD (thứ 4 thế giới), trong đó xuất khẩu đạt 495,5 tỉ USD, nhập khẩu đạt 406,1 tỉ USD.
- Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của VN, đứng thứ 1 về đầu tư, thứ 2 về viện trợ phát triển chính thức (sau Nhật Bản), thứ 3 về thương mại (sau Trung Quốc, Mỹ).
- Đến tháng 9-2017, có khoảng 2 triệu người nước ngoài cư trú tại Hàn Quốc, gồm 569.800 lao động, 154.200 người kết hôn di trú, 136.200 du học sinh.
- gồm 8 tỉnh, 1 tỉnh tự trị đặc biệt (đảo Jeju), 6 thành phố đô thị, 1 thành phố đặc biệt (thủ đô Seoul)
-
Hong Kong
- Được đánh giá là nền kinh tế tự do nhất thế giới, nền kinh tế có tỷ trọng ngành dịch vụ cao nhất thế giới (chiếm trên 90% GDP), điểm thu hút FDI lớn thứ 2 châu Á, nguồn đầu tư FDI lớn thứ 3 châu Á (sau Nhật Bản và Trung Quốc Đại lục).
- Hiện có khoảng 5.000 người Việt Nam định cư tại Hong Kong.
- Chính phủ Trung ương Trung Quốc quản lý Hong Kong theo phương châm “một nước, hai chế độ” được quy định trong Hiến pháp Trung Quốc và Luật Cơ bản Hong Kong.
- Sau khi trở về với Trung Quốc (ngày 1-7-1997), Hong Kong tiếp tục duy trì chế độ tư bản trong 50 năm, được hưởng quyền tự trị cao độ, có quyền quản lý hành chính, quyền lập pháp, quyền tư pháp và quyền chung thẩm độc lập.
- Lĩnh vực ngoại giao và quốc phòng của Hồng Công do Chính phủ Trung ương đảm nhiệm.
-
Indonesia
- Với với hơn 300 sắc tộc, không lạ khi ngoài ngôn ngữ tiếng Indonesia ở đất nước vạn đảo còn có 583 ngôn ngữ và thổ ngữ.
- 86,1% dân số theo Đạo Hồi dù đây không phải là quốc đạo; đạo Tin lành 5,7%; đạo Thiên chúa 3%; đạo Hindu 1,8%; và đạo Phật 1%.
- Indonesia là quốc gia theo chế độ đa đảng với tổng cộng hơn 100 đảng phái khác nhau.
- Về thương mại, kim ngạch hai nước cơ bản tăng dần, nhất là những năm gần đây và theo hướng cân bằng hơn với 5,4 tỉ USD (2015); 5,6 tỉ USD (2016). Hai bên đang phấn đấu đạt mốc 10 tỉ USD vào năm 2018.
- Các mặt hàng VN xuất chủ yếu gồm gạo, dầu thô, xi măng, linh kiện điện tử, hàng nông sản; nhập từ Indonesia phân bón, xăng dầu, bao bì, thiết bị máy móc, vải sợi, giấy và bánh kẹo.
-
Malaysia
- Malaysia là nhà nước quân chủ lập hiến, đứng đầu là Quốc Vương do Hội đồng Tiểu vương bầu ra và được lựa chọn trong số 9 Tiểu vương của 9 bang theo nhiệm kỳ 5 năm.
- Kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng trưởng đều: năm 2015 đạt 7,8 tỉ USD và năm 2016 đạt 8,456 tỉ USD; trong 8 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch đạt gần 6,6 tỉ USD (VN xuất gần 2,9 tỉ USD, nhập gần 3,7 tỉ USD)
- Hiện có khoảng 95.000 lao động Việt Nam tại Ma-lai-xi-a, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, thủy sản…
-
Mexico
- Theo Hiến pháp năm 1917 (sửa đổi), Mexico theo thể chế Cộng hoà Liên bang đại nghị, có 32 bang (Thủ đô Liên bang mới giành được quy chế như các bang khác).
- Mexico là nền kinh tế lớn thứ 2 ở khu vực (sau Brazil) và thứ 14 thế giới; đứng đầu thế giới về khai thác bạc, thứ 9 về khai thác vàng, thứ 10 về xuất khẩu dầu lửa và khí đốt.
- Từ năm 2008, Mexico bắt đầu cung cấp ODA cho nước ngoài, ưu tiên cho các nước khu vực Mỹ Latinh. Ngoại thương của Mexico đạt gần 800 tỉ USD, nhưng chủ yếu là với Mỹ, Canada (chiếm 85%) và Trung Quốc.
-
Hoa Kỳ
- Về cơ cấu dân số, người Mỹ da trắng chiếm 77,7%; da đen: 13,2%; gốc châu Á: 5,3%; thổ dân và người Alaska: 1,2%; thổ dân Hawaii và các quần đảo Thái Bình Dương thuộc Mỹ: 0,2%, các nhóm người khác: 2,4%. Cộng đồng người nói tiếng Tây Ban Nha (nhóm Hispanic/Latino) hiện chiếm 16,3%. Tăng trưởng dân số hàng năm: khoảng 0,7% (trong đó 30% là người nhập cư).
- Chính phủ Liên bang nắm quyền điều hành toàn bộ đất nước, quy định các chính sách thuế chung, chính sách đối ngoại, thương mại quốc tế và thương mại giữa các bang, chịu trách nhiệm về quốc phòng, an ninh, phát hành tiền, hệ thống đo lường, bản quyền... Các bang của Hoa Kỳ có hiến pháp và pháp luật riêng, nhưng không trái với Hiến pháp Liên bang.
- Từ năm 2005, Mỹ đã trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng liên tục ở mức 20% trong những năm gần đây, ước đạt 53 tỉ USD năm 2016, trong đó VN tiếp tục xuất siêu 30,9 tỉ USD.
- Tính đến tháng 11-2016, có hơn 31.000 sinh viên, thực tập sinh Việt Nam đang theo học tại Mỹ, đứng đầu trong số các nước Đông Nam Á, đứng thứ 6 trong số các nước có nhiều du học sinh tại Mỹ.
-
New Zealand
- New Zealand theo chế độ Quân chủ lập hiến; Người đứng đầu Nhà nước là Nữ hoàng Anh, được đại diện bởi Toàn quyền. Toàn quyền hiện tại là bà Dame Patsy Reddy (từ ngày 14-9-2016)
- Toàn quyền được Nữ hoàng Anh bổ nhiệm trên cơ sở kiến nghị của Thủ tướng, có nhiệm kỳ 5 năm; có quyền hạn mang tính nghi lễ, không tham dự vào chính trị, đồng thời kiêm chức Tổng tư lệnh danh dự các lực lượng vũ trang.
- Từ năm 1984, New Zealand tiến hành cải cách kinh tế triệt để theo hướng thị trường tự do và hội nhập quốc tế; từ đó nền kinh tế tăng trưởng mạnh và tính cạnh tranh cao.
- Cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand có khoảng hơn 5.000 người, chủ yếu sinh sống ở Auckland, Christchurch và Wellington. Hiện có hơn 2.500 sinh viên Việt Nam đang học tại New Zealand bằng học bổng hoặc tự túc (đứng thứ 9 trong các quốc gia có sinh viên học tại đây).
-
Liên Bang Nga
- Liên bang Nga chia làm 85 khu vực lãnh thổ - hành chính là chủ thể của Liên bang, gồm: 21 nước cộng hoà, 46 tỉnh, 1 tỉnh tự trị, 9 vùng, 4 khu tự trị, 3 thành phố trực thuộc trung ương là Matxcơva, Saint Petersburg và Sevastopol.
- Ngoài ra, nước Nga được chia thành 8 Đại khu Liên bang do các Đại diện toàn quyền của Tổng thống đứng đầu (ngày 28-7-2016, Tổng thống Putin ký lệnh hợp nhất Đại khu Liên bang Crimea và Đại khu Liên bang phía Nam thành Đại khu Liên bang phía Nam).
- Cơ cấu kinh tế Nga dựa nhiều vào khai thác và chế biến tài nguyên thiên nhiên, với các ngành kinh tế chính là: dầu khí, khai khoáng, luyện kim, chế tạo máy, hóa chất… Nga là quốc gia sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, đứng thứ 2 thế giới về sản xuất khí đốt, và giữ một trong những vị trí hàng đầu về sản xuất thép, kim loại màu, phân bón…
- Do yếu tố lịch sử, cộng đồng người Việt Nam (khoảng 60 - 80 nghìn người) đã tồn tại và làm ăn, sinh sống ổn định tại Nga gần hai thập niên qua. Số người Việt Nam định cư nhập quốc tịch Nga không nhiều, chỉ khoảng 1% con số trên.
- Đầu tư của Việt Nam sang Nga trong vài năm trở lại đây tăng nhanh, từ chỗ chỉ khoảng hơn 100 triệu USD năm 2008, hiện Việt Nam có 18 dự án đầu tư tại Nga với tổng vốn đầu tư là 2,4 tỉ USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí, thương mại, nông nghiệp...
-
Nhật Bản
- Nhà Vua Nhật Bản Akihito là Nguyên thủ tượng trưng về mặt đối ngoại. Nhà nước được tổ chức theo chế độ tam quyền phân lập.
- Tháng 9-2015, Thủ tướng Abe đưa ra Chính sách Abenomics giai đoạn 2 với 3 mũi tên mới là: “phát triển kinh tế”, “hỗ trợ chăm sóc trẻ em” và “đảm bảo an sinh xã hội”, trong đó phấn đấu 3 mục tiêu: GDP năm 2020 đạt 600 ngàn tỷ yen, nâng tỷ lệ sinh con lên 1,8 (duy trì dân số mức 100 triệu người sau 50 năm), giảm tỷ lệ người lao động phải nghỉ việc vì chăm sóc người già xuống 0%...
- Gần đây, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục đưa ra một số sáng kiến nhằm phát huy vai trò tích cực và nâng cao vị thế quốc tế của Nhật Bản tại khu vực như tăng cường hợp tác cơ sở hạ tầng chất lượng cao 200 tỉ USD, sáng kiến kết nối Nhật - Mekong, Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
-
Papua New Guinea
- Những nước láng giềng gần nhất của Papua New Guinea (PNG) gồm Indonesia (hai nước có đường biên giới trên đất liền dài 820km), quần đảo Solomon, Úc, Vanuatu ở phía Nam, Micronesia ở phía Đông, Philippines ở phía Bắc.
- PNG theo chế độ quân chủ lập hiến và dân chủ nghị viện. Người đứng đầu Nhà nước trên danh nghĩa là Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Đại diện chính thức của Nữ hoàng Anh là Toàn quyền do Quốc hội bầu (được sự chấp thuận của Nữ hoàng Anh) và là nguyên thủ quốc gia của PNG về mặt nghi thức. Toàn quyền hiện tại là ông Bob Dadae (từ tháng 2-2017).
- PNG là một trong những nước có nền văn hóa đa dạng nhất thế giới với 848 ngôn ngữ khác nhau được các cư dân bản địa sử dụng. Từ cách đây hơn 60.000 năm đã có những cư dân đầu tiên đến sinh sống tại vùng đất được gọi là New Guinea ngày nay, chủ yếu đến từ khu vực Đông Nam Á.
-
Peru
- 45% dân số Peru là thổ dân da đỏ; 37% người lai; 15% người da trắng và 3% là người Nhật, Trung Quốc và nguồn gốc khác.
- Từ năm 1824, Peru giành độc lập hoàn toàn bằng các cuộc đấu tranh vũ trang. Các chế độ độc tài quân sự thay nhau cầm quyền.
- Trong 10 năm trở lại đây, Peru là một trong những nền kinh tế phát triển năng động nhất tại khu vực, với tốc độ tăng trưởng đạt 5,9% GDP/năm với mức lạm phát duy trì ở mức thấp 2,9%.
- Giao thương VN-Peru duy trì đà gia tăng từ mức 55,3 triệu USD năm 2006 lên trên 351 triệu USD năm 2016, trong đó VN xuất khẩu sang Peru gạo, giầy dép, cao su thô, sản phẩm điện tử và linh kiện, may mặc, đồ nhựa; nhập của Peru bột cá, dầu cá, sợi acrylic, nguyên phụ liệu chế biến.
-
Philippines
- Thiên chúa giáo là quốc giáo (85% dân số), Hồi giáo 10%, Tin lành 5%.
- Philippines là nước khá giàu tài nguyên, khoáng sản như vàng, đồng, sắt, cờ-rôm, măng-gan, than đá, dầu lửa và khí đốt. Năm 2004, Chính phủ Philippines ước tính trữ lượng khoáng sản có tổng giá trị khoảng từ 800 đến 1.000 tỉ USD.
- Kim ngạch thương mại song phương với VN tăng đều theo hàng năm, từ năm 2008 - 2013 đạt mức trên 2 tỉ USD; năm 2012 đạt xấp xỉ 2,9 tỉ USD; năm 2013 đạt khoảng 2,6 tỉ USD; 2014 đạt 2,975 tỉ USD; 2015 đạt 2,92 tỷ USD.
-
Singapore
- Về thương mại, từ 1996 đến nay, Singapore luôn là một trong những đối tác lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai nước tăng theo từng năm: năm 2015 đạt 9,2 tỉ USD; 2016 đạt 7,1 tỉ USD và 8 tháng đầu năm 2017 đạt 5,7 tỉ (VN xuất gần 2 tỉ, nhập gần 3,7 tỉ USD). VN luôn nhập siêu đối với Singapore.
- Đầu tư trực tiếp từ Singapore vào Việt Nam liên tục tăng từ năm 1998. Tính đến hết tháng 9-2017, Singapore tiếp tục là nhà đầu tư lớn của Việt Nam (đứng thứ 3/126) với hơn 1.927 dự án, tổng vốn 41,5 tỉ USD. Singapore chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng.
- Cộng đồng người Việt tại Singapore: hiện có khoảng 12.000 người, trong đó có 9000 sinh viên, còn lại là công nhân tại các khu công nghiệp (lắp ráp điện tử, chế biến), chuyên gia - trí thức và một số ít cô dâu. Nhìn chung cộng đồng người Việt tại Singapore hòa nhập với xã hội, tuân thủ pháp luật và được tạo điều kiện sinh sống tốt.
-
Thái Lan
- Tư lệnh lục quân Prayut Chan-o-cha chính thức điều hành Thái Lan trên cương vị Thủ tướng thứ 29 của Thái Lan vào tháng 9-2014. Với vai trò Thủ tướng kiêm Chủ tịch Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO), Đại tướng Prayut tăng cường củng cố quyền lực hành pháp và kiểm soát về tư pháp.
- Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN trong khi Việt Nam là đối tác xuất khẩu lớn thứ 2 của Thái Lan trong ASEAN và lớn thứ 7 của thế giới.
- Về thương mại, năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 12,5 tỉ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Thái Lan đạt 3,7 tỉ USD (tăng 16%), nhập khẩu 8,8 tỉ USD (tăng 6,2%).
-
Trung Quốc
- Kinh tế tăng trưởng cao liên tục trong 30 năm đầu cải cách mở cửa, bình quân hàng năm luôn đạt mức 9-10%, quy mô kinh tế lần lượt vượt qua Đức (năm 2008) và Nhật Bản (năm 2010), vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ và được mệnh danh là “công xưởng thế giới”.
- Trung Quốc là đối tác thương mại, thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam, nhà đầu tư lớn thứ 8/122 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại, du lịch lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
- Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam, là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương từ mức 32 triệu USD năm 1991 lên mức 70,5 tỉ USD năm 2016, tăng gấp hơn 2.200 lần.
-
Úc
- Úc chính thức giành độc lập từ Anh ngày 1-1-1901. Các đạo luật thông qua năm 1942 và năm 1986 đã mang lại chủ quyền tuyệt đối cho Úc trong mọi lĩnh vực.
- Úc là nước có vị trí chiến lược quan trọng ở khu vực châu Á - TBD. Các nước lớn và ASEAN đều coi trọng và tranh thủ vai trò, vị thế của Úc trong việc triển khai chính sách ở khu vực.
- Úc hiện là bạn hàng thứ 8 của Việt Nam; kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng 10% mỗi năm, đạt mốc cao nhất 6 tỉ USD (2014), năm 2015 giảm đôi chút (đạt hơn 5 tỉ USD chủ yếu do lượng xuất khẩu dầu thô của Việt Nam sang Úc giảm), năm 2016 duy trì ở mức trên 5 tỉ USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận