Một phiên tòa xử vụ kiện hành chính của TAND TP.HCM - Ảnh: Hoàng Điệp |
Tại buổi thảo luận lần cuối của Quốc hội trước khi thông qua dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu vẫn không đồng tình với quy định giao TAND cấp huyện xử sơ thẩm vụ kiện hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện.
Nhiều đề nghị luật sửa đổi cần quy định không để cho TAND quận huyện thụ lý giải quyết các vụ người dân kiện cơ quan nhà nước cùng cấp và phải đưa lên TAND cấp tỉnh để xét xử sơ thẩm bởi thẩm phán tòa án cấp huyện có tâm lý ngại, rất khó khi xét xử lãnh đạo huyện.
Có tình trạng "huyện bênh huyện"
Theo Luật tố tụng hành chính hiện hành, khi cá nhân, tổ chức khởi kiện hành vi hành chính, quyết định hành chính của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì tòa án xử sơ thẩm sẽ là tòa cùng cấp cơ quan hành chính đó (kiện quyết định của UBND quận thì nộp đơn đến TAND quận).
Tuy nhiên, thực tế thì chuyện người đi kiện được cấp tòa sơ thẩm tuyên cho thắng kiện cơ quan nhà nước có thể nói là "chuyện không tưởng"!
Trao đổi về Tuổi Trẻ về thẩm quyền xét xử trên, luật sư Nguyễn Thế Truyền - Đoàn luật sư TP Hà Nội - cho rằng: Giao tòa án cấp tỉnh xử sơ thẩm vụ kiện mà lãnh đạo, cơ quan hành chính cấp huyện bị kiện là hợp lý.
Như vậy mới tránh tình trạng "phủ bênh phủ, huyện bênh huyện" hoặc bản thân thẩm phán tòa cấp huyện cũng không đủ “to gan” để tuyên chủ tịch huyện thua kiện.
Theo luật sư Truyền, án hành chính của Việt Nam vừa qua có hiệu quả thấp. Có một "căn bệnh" chung trong các vụ kiện là khi ra tòa, nếu thấy nguy cơ thua kiện là các bị đơn thường tìm mọi cách né tránh, xin rút lại một phần hoặc rút lại quyết định đã ban hành.
Tranh luận của Đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luật về Dự án Luật tố tụng hành chính sửa đổi |
Lên cấp phúc thẩm mới mong thắng kiện
Nhiều lần tham gia bảo vệ quyền lợi đương sự trong vụ kiện hành chính, luật sư Vũ Quang Đức - Đoàn luật sư TP.HCM - khẳng định thường trong các vụ án kiểu như người dân kiện chính quyền vừa qua, khi xử sơ thẩm tại TAND cùng cấp hầu như chưa có người dân nào thắng kiện.
Những bản án dân thắng khi kiện quyết định, hành vi hành chính của chính quyền địa phương thường là do bản án phúc thẩm tuyên xử.
"Chẳng có ông thẩm phán hay chánh án nào dám xử thua cho ủy ban, nơi có quyền quyết định đối với việc bổ nhiệm nhiệm kỳ thẩm phán của mình", luật sư Đức nói.
Theo luật sư Đức, dù luật quy định là độc lập xét xử nhưng do quy trình bổ nhiệm thẩm phán, việc cấp cơ sở vật chất cho hoạt động của tòa đều liên quan đến chính quyền địa phương nên tòa án cùng cấp sẽ ngại nếu xử chính quyền thua kiện.
Kể về kinh nghiệm từng tham gia bảo vệ cho nguyên đơn trong vụ kiện hành chính, luật sư Phạm Hoài Nam - Đoàn luật sư TP.HCM - cho biết có vụ kiện phải hoãn nhiều lần vì tòa tống đạt quyết định triệu tập xét xử nhưng đại diện UBND bị kiện cứ xin vắng mặt.
Chẳng hạn vụ kiện của một giáo viên với UBND huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước mà luật sư Nam tham gia. Phiên tòa đã phải hoãn nhiều lần vì lý do này.
Theo luật sư Nam, thậm chí có những vụ kiện mà người được cơ quan bị kiện ủy quyền còn có văn bản chỉ đạo tòa định hướng giải quyết vụ án.
“Đó là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hành chính; vi phạm nguyên tắc “Tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” đã được quy định trong Hiến pháp 2013 và điều 4, điều 10 Luật tố tụng hành chính 2011”. Luật sư Nam nói.
Yêu cầu chuyển cơ quan điều tra khởi tố nguyên đơn! Đó là một tình huống liên quan vụ kiện hành chính của một doanh nghiệp với một cơ quan thanh tra mà ông Phạm Công Hùng - nguyên thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM - từng xét xử. Theo ông Hùng, sau khi bị TAND TP.HCM tuyên thua kiện, tuyên hủy quyết định truy thu thuế 7 tỉ đồng đối với một doanh nghiệp thì cơ quan thanh tra này đã kháng cáo, đồng thời phát văn bản sang tòa đề nghị chuyển hồ sơ doanh nghiệp cho cơ quan điều tra xử lý. “Là người xử vụ kiện này, tôi rất bất ngờ trước cách hành xử của cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp. Bởi trong thời gian thanh tra, nếu phát hiện ra sai phạm thì phải chuyển hồ sơ đó cho cơ quan điều tra. Ở đây, vụ việc diễn ra đã quá lâu (3 năm), đến khi doanh nghiệp khởi kiện và cơ quan nhà nước đã trở thành đương sự trong vụ kiện hành chính thì lại lấy quyền của mình để dọa doanh nghiệp”, ông Phạm Công Hùng nói. Và trong phiên xét xử, ngoài phần tuyên y án sơ thẩm cho doanh nghiệp thắng kiện, hội đồng xét xử cũng nhắc nhở cơ quan nhà nước về văn bản gửi cho tòa trên. Tại tòa, đại diện cơ quan trên cũng thừa nhận đây là sai sót. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận