TTCT - Sẵn lòng công khai số điện thoại cá nhân, tham gia các nhóm tình nguyện tư vấn cho người dân không thể đến bệnh viện, hỗ trợ các trường hợp F0, F1 cách ly tại nhà tự điều trị... là cách mà nhiều bác sĩ khắp Việt Nam đã và đang làm. Chị Thoa, 37 tuổi, ở phường 11, quận 8 cho biết gia đình chị có 5 người dương tính với virus corona, gồm ba mẹ đều trên 60 tuổi, anh trai 38 tuổi cùng 2 cháu nhỏ 5 tuổi và 10 tuổi. Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân tại Bệnh viện hồi sức COVID19 TP Thủ Đức. -Ảnh: DUYÊN PHAN Nói với TTCT ngày 25-7, một ngày sau khi mất cha do COVID-19, Thoa cho biết vẫn đang chờ tin của anh và mẹ đang được điều trị tại BV Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM trong lúc bản thân đang cách ly tại nhà.“Gia đình tôi đã muốn đưa anh trai và mẹ đi bệnh viện sớm, khi hai người có dấu hiệu khó thở nhưng từ sáng đến tối, và đến 2h-3h sáng hôm sau họ mới lần lượt được nhập viện, sau khi đi vài bệnh viện khác nhau (BV quận 8, BV Đại học Y dược)”.Trong thời gian chờ nhập viện, một người bạn đăng chuyện về gia đình Thoa trên "Giúp nhau mùa dịch" - một nhóm hoạt động công khai trên Facebook của các bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên y tế trên cả nước tình nguyện tư vấn cho người cần. Chị Thoa nhận được nhiều cuộc gọi của nhiều bác sĩ trong nhóm hướng dẫn cách chăm sóc tạm thời cho người nhà. Khi mẹ và anh trai chị có triệu chứng nặng, độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi lần lượt khoảng 77% và hơn 50%, các bác sĩ hướng dẫn chị tìm cách đưa người thân nhập viện sớm. Đó chỉ là một trong rất, rất nhiều người đã liên lạc với các bác sĩ trong các hội nhóm với hy vọng được hỗ trợ lời khuyên, thông tin y tế trong lúc việc đi ra ngoài, đi bệnh viện, kể cả gọi xe cấp cứu rất khó khăn. Bác sĩ Phan Xuân Trung - Trung tâm y khoa Medic Hòa Hảo, người kêu gọi thành lập nhóm Giúp nhau mùa dịch - cho biết sau khi nhóm ra đời, rất nhiều bác sĩ ở khắp Việt Nam, có bác sĩ ở nước ngoài, gồm nhiều chuyên khoa từ răng - hàm - mặt, da liễu, mắt đến nhi - sơ sinh, thần kinh, tâm lý... đã tham gia, để lại số điện thoại của mình, giúp người có nhu cầu tư vấn về y tế. Những câu hỏi của người dân về các vấn đề như mua thuốc hiếm, theo toa (cũ) ở đâu, bệnh mắt, da liễu, thai sản... cho thấy nhu cầu chăm sức khỏe của người dân là rất lớn, đối với đủ các vấn đề sức khỏe mà không chỉ có chuyện điều trị COVID-19.Với người dân, được tư vấn bởi các bác sĩ thực sự làm công tác chuyên môn, yêu nghề trong bối cảnh nhiều tin đồn, nhiều lời khuyên chưa được kiểm chứng xuất hiện nhan nhản trên mạng là sự trợ giúp quý giá và quan trọng với họ.Ngày 29-7, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành gồm 2.500 thầy thuốc chính thức hoạt động để tư vấn từ xa cho các trường hợp là F0, F1 ở 22 quận huyện TP.HCM. Trước đó ngày 25-7, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp với Tổ thông tin đáp ứng nhanh chống COVID-19 (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19) kêu gọi thành lập mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” tập trung tư vấn, hỗ trợ các trường hợp F0 và các trường hợp có nguy cơ cao trở thành F0 đang cách ly tại nhà và được nhiều bác sĩ hưởng ứng. MH Trả lời TTCT, tiến sĩ, bác sĩ Lê Tuấn Thành - phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội, người điều phối mạng lưới - cho biết con số 2.500 là dựa trên khảo sát, tính toán nhu cầu của người dân TP.HCM. Đến ngày 27-7, đã có 1.500 bác sĩ, tình nguyện viên đăng ký và họ tin con số sẽ còn tăng. Trong số đó có bác sĩ từng điều trị COVID-19 tại các BV Bạch Mai, Nhiệt đới trung ương... tham gia với tư cách cá nhân vì lương tâm người thầy thuốc.Các bác sĩ này được tập huấn trực tuyến vào tối 28-7, qua kiểm tra, đánh giá năng lực trước khi được phân vào 22 nhóm tư vấn phụ trách hỗ trợ cho 22 quận huyện TP.HCM. Mạng lưới vận hành tổng đài kết nối trực tuyến 18001119 chính thức từ ngày 29-7, điều phối công việc theo thời gian thực cho các thành viên, ứng dụng công nghệ giúp các bác sĩ đồng thời tư vấn từ xa cho nhiều bệnh nhân cùng lúc. Hiện nay, trong giai đoạn vận hành thử, các bác sĩ đã tư vấn ngoài giờ hành chính (từ 16h-20h) suôn sẻ.Theo bác sĩ Thành, họ đã giúp nhiều người dân bình tĩnh trở lại khi biết mình hoặc người nhà nhiễm bệnh. Các bác sĩ cũng sẽ áp dụng ứng dụng TeleHeath (khám trực tuyến) 24/7 nếu cần. Với các trường hợp khẩn cấp, ưu tiên cấp cứu, họ kết nối, phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương (phường, quận) để tìm bệnh viện giới thiệu bệnh nhân đi điều trị. Theo bác sĩ Thành, quan trọng nhất chính là khâu phối hợp với y tế địa phương để hoạt động tư vấn được hiệu quả.Tại TP.HCM, theo sáng kiến của bác sĩ Đỗ Triều Hưng - tổng thư ký liên chi hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM, ít nhất 131 bác sĩ nhiều lĩnh vực cũng đã công bố số điện thoại và khung giờ tư vấn, nhiều bác sĩ tư vấn 24/7 cho các bệnh nhân có vấn đề sức khỏe khác, không chỉ bệnh nhân COVID-19, hướng dẫn đến các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa trên địa bàn TP.HCM để thăm khám, siêu âm nếu cần.Trang Thông tin Chính phủ ngày 16-7 đã đăng danh sách này và được người dân chia sẻ rộng rãi.Bác sĩ Dương Văn Trung - trưởng khoa ngoại tiết niệu BV Bưu điện (Hà Nội) cho biết anh bắt đầu tư vấn qua Zalo, Facebook cá nhân và nhóm Hội Sỏi thận trên Facebook từ ngày 31-12-2019 do nhận thấy nhu cầu có thật của nhiều bệnh nhân ở xa, gặp khó khăn về kinh tế và do dịch COVID-19. Nhiều trường hợp, qua kinh nghiệm, bệnh nhân chỉ cần kể bệnh là bác sĩ biết ngay nên làm gì cho họ, bệnh nhân không cần đến bệnh viện. “Họ nhắn tin xin số tài khoản để trả công nhưng tôi từ chối” - anh cho biết.Nhu cầu được tư vấn y tế của bệnh nhân là rất lớn. Và dù lượng tin nhắn từ các nơi đến tới tấp nhưng tư vấn qua điện thoại, miễn phí cũng không được phép qua loa, phải theo dõi bệnh đến khi bệnh nhân khỏi.“Điều tôi thấy thiếu nhất chính là thời gian vì câu hỏi quá nhiều, không thể trả lời hết dù đã tranh thủ mọi lúc mọi nơi để trả lời bệnh nhân” - bác sĩ Trung nói.Nhiều phòng khám tư, bác sĩ tư nhân tham gia hỗ trợ chống dịch COVID-19 với nhiệt tâm và khả năng của họ. Phòng khám đa khoa Nhân Trang tại TP.HCM miễn phí khám và tư vấn cho các bệnh nhân COVID-19 và các trường hợp F0, cấp cứu khó thở miễn phí cho các ca F0 (người có khả năng đóng góp tùy tâm để phòng khám giúp thêm các bệnh nhân khác).Hiện nay, nhiều bác sĩ tư nhân muốn tham gia hỗ trợ nhiều hơn trong thực địa nhưng do nhiều người chưa được tiêm vắc xin trong đợt đầu nên họ chủ yếu làm các công việc tư vấn sức khỏe. ■LỜI KHUYÊN CHO NGƯỜI DÂN VỀ KHÁM BỆNH TRỰC TUYẾN- Trong tin nhắn đầu tiên: gửi đầy đủ thông tin cơ bản như tuổi, cân nặng, tình trạng hiện tại, bệnh sử của người bệnh và bệnh sử gia đình (vì một số bệnh lý có yếu tố di truyền).- Chụp ảnh (với chất lượng tốt) các xét nghiệm hoặc toa thuốc cũ để gửi qua tin nhắn hoặc Zalo. Tin nhắn tốt hơn gọi điện thoại vì có lưu thông tin bệnh nhân để bác sĩ theo dõi, nhất là trong trường hợp cần tư vấn nhiều lần.- Tham khảo danh sách bác sĩ theo chuyên khoa và nhắn tin riêng để đảm bảo được sự riêng tư và bảo mật thông tin.(Bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Cường, chuyên về ngoại tổng quát, BV quốc tế Hoàn Mỹ, Đồng Nai)Bác sĩ Eric Dziuban, giám đốc Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật (CDC) thuộc Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, cho biết việc cân đối nhu cầu của các bệnh nhân không mắc COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 là quan trọng. Khi chưa có COVID-19, các bệnh viện ở Việt Nam vốn đã có rất nhiều bệnh nhân với các nhu cầu khám chữa bệnh khác nhau. Những nhu cầu này không biến mất khi COVID-19 xuất hiện. Ngoại trừ các trường hợp do tai nạn giao thông có thể giảm nhiều do hạn chế đi lại, với nhiều bệnh lý khác, khi người dân không đi khám hoặc tái khám định kỳ, tình trạng sức khỏe xấu của họ bị trì hoãn lâu quá mức khiến bệnh có thể nặng hơn. Ở nhiều nước trên thế giới, tình trạng này cũng phổ biến...Theo ông Dziuban, các bác sĩ có thể có những sáng tạo riêng như kê toa thuốc dài hạn cho bệnh nhân, gửi thuốc cho bệnh nhân, khám bệnh qua video. Chính quyền cần dành riêng một số bệnh viện để chữa các bệnh khác ngoài COVID-19. Tags: Lương tâmDịch COVID-19Thầy thuốcGiúp nhau mùa dịchBác sĩ cứu người
Tin tức sáng 25-11: Quốc hội xem xét 'siết' quảng cáo của nghệ sĩ, KOL TUỔI TRẺ ONLINE 25/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét 'siết' quảng cáo của nghệ sĩ, KOL; Vé xe Tết về miền Tây tăng không quá 40%; Lãi suất liên ngân hàng đạt đỉnh 19 tháng...
Cho con 'du học tại chỗ' ở 'trường Mỹ', không ngờ chỉ là trung tâm tiếng Anh Đoàn Nhạn 25/11/2024 Phụ huynh chi trăm triệu cho con học 'trường Mỹ' theo hình thức 'du học tại chỗ', không ngờ 'trường' chỉ là trung tâm tiếng Anh.
Tin tức thế giới 25-11: Ukraine trưng bày mảnh vỡ tên lửa Oreshnik, tin thế giới có cách đánh chặn BÌNH AN 25/11/2024 Israel và Hezbollah giao tranh dữ dội bất chấp EU kêu gọi ngừng bắn; Cái chết bí ẩn của giáo sĩ Israel nghi do bài Do Thái.
Ký hợp đồng, bồi thường bảo hiểm online: Tiện thì có tiện, nhưng coi chừng rủi ro BÔNG MAI 25/11/2024 Bất chấp thị trường khó khăn, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vẫn đổ vốn lớn để ứng dụng công nghệ vào hàng loạt nghiệp vụ. Bên cạnh lợi ích, cũng có rủi ro tiềm ẩn mà khách hàng cần cẩn trọng.