10/03/2015 09:01 GMT+7

​Tòa sai sót, dân điêu đứng

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TT - Đó là câu chuyện của vợ chồng ông Vũ Văn Hiến (53 tuổi) và bà Lê Thị Hường (51 tuổi), trú tại khối 5, thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Vợ chồng ông Vũ Văn Hiến và bà Lê Thị Hường - Ảnh: T.Lụa
Vợ chồng ông Vũ Văn Hiến và bà Lê Thị Hường - Ảnh: T.Lụa

 Vụ việc xuất phát từ thiếu sót của tòa án nhân dân các cấp đã khiến một gia đình lâm vào cảnh mất nhà, mất đất...

Liên quan đến vụ việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền vừa ký công văn gửi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị lãnh đạo hai cơ quan này sớm xem xét lại các bản án, quyết định của tòa án các cấp để giải quyết cho đương sự.

Bỗng dưng mất nhà, mất đất

Bố mẹ ông Hiến là ông Vũ Văn Ái và bà Nguyễn Thị Tho có mảnh đất rộng hơn 700m² tại khối 5, thị trấn Cầu Giát. Ông Ái - bà Tho có tám người con.

Năm 1983 và 1984, bà Tho, ông Ái lần lượt qua đời, để lại mảnh đất cho ba người con, trong đó có ông Hiến quản lý. Vợ chồng ông Hiến được chia mảnh đất rộng 320m², đã xây nhà kiên cố và ở ổn định từ năm 1987.

Năm 2008, ông Vũ Trường Sơn (em trai ông Hiến) có đơn khởi kiện yêu cầu chia phần đất mà bố mẹ để lại thành bảy phần cho bảy anh chị em.

Ông Sơn cho rằng ông Hiến và hai anh em khác đã tự làm nhà, tự phân chia đất của bố mẹ để lại khi chưa được sự đồng thuận của các anh em.

Xét xử sơ thẩm năm 2008, Tòa án nhân dân huyện Quỳnh Lưu, đã chia 700m² đất cho bốn người, ba người còn lại không nhận đất thì được nhận tiền của bốn người kia thanh toán lại.

Ông Hiến được tòa giao cho sử dụng 193m² đất. Ngoài ra, tòa còn tuyên buộc ông Hiến phải giao cho ông Vũ Trường Sơn 153m² đất và phải trả cho ba người anh em số tiền hơn 500 triệu đồng.

Xét xử phúc thẩm năm 2009, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã y án sơ thẩm.

Sau khi án phúc thẩm có hiệu lực, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quỳnh Lưu đã gửi giấy báo yêu cầu thi hành án đến ông Vũ Văn Hiến và bà Lê Thị Hường nhưng ông bà không chấp hành.

Chi cục đã ra quyết định cưỡng chế thi hành án đối với ông bà để giao 153m² đất cho ông Vũ Trường Sơn. Toàn bộ tài sản trong nhà của ông Hiến - bà Hường đã bị kê biên để đảm bảo thi hành án.

Năm 2010, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quỳnh Lưu tiếp tục cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với mảnh đất còn lại của ông Hiến, bà Hường để đảm bảo thi hành án.

Vợ chồng ông Hiến đã đồng ý bán phần nhà đất còn lại này (đang bị kê biên và chờ ngày mở bán đấu giá) cho người hàng xóm để lấy tiền thi hành án.

Sau nhiều năm vợ chồng ông Hiến đi khiếu kiện, năm 2012 Tòa án nhân dân tối cao đã có quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Quỳnh Lưu và bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An.

Tòa tối cao giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân huyện Quỳnh Lưu xét xử lại.

Theo quyết định giám đốc thẩm, các nguyên đơn trong vụ kiện yêu cầu chia tài sản của cha mẹ để lại đã hết thời hiệu chia thừa kế.

Nguyên đơn yêu cầu chia tài sản chung nhưng không có văn bản thỏa thuận của các đồng thừa kế thừa nhận là tài sản chung chưa chia.

Quá trình giải quyết tại tòa án, ông Hiến không đồng ý chia phần đất ông đang quản lý là không đủ điều kiện để chia tài sản chung theo tinh thần của nghị quyết số 02/2004 của hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Việc tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm căn cứ vào biên bản hòa giải do Ủy ban nhân dân thị trấn Cầu Giát lập để cho rằng ông Hiến đồng ý chia tài sản chung đối với phần đất ông đang quản lý là chưa đủ căn cứ.

Đình chỉ vụ án, hậu quả dang dở

Năm 2013, khi thụ lý sơ thẩm lần 2, Tòa án nhân dân huyện Quỳnh Lưu đã quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với lý do các nguyên đơn khởi kiện yêu cầu chia tài sản của cha mẹ để lại là đã hết thời hiệu chia thừa kế.

Các nguyên đơn yêu cầu chia tài sản chung nhưng không có văn bản thỏa thuận của các đồng thừa kế thừa nhận là tài sản chung chưa chia, vì vậy chưa có đủ điều kiện để khởi kiện.

Xử phúc thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An giữ nguyên quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự nêu trên.

Từ đó đến nay, vợ chồng ông Hiến - bà Hường đã làm đơn khiếu nại yêu cầu các cấp giải quyết vì bỗng dưng ông bà lâm vào cảnh mất nhà, trắng tay.

Ông Hiến nói: “Bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên vợ chồng tôi được 193m² đất. Vậy mà thi hành án tổ chức cưỡng chế đã chia đôi phần đất hơn 300m² của gia đình tôi, một phần giao cho người khác theo bản án, phần còn lại đã cưỡng chế kê biên chờ bán đấu giá.

Vợ chồng tôi không được chia đất theo bản án, lại mất nhà mất cửa. Đã vậy giờ tòa lại đình chỉ giải quyết vụ án vì không đủ điều kiện khởi kiện. Nếu đã không đủ điều kiện thì trước đây tại sao Tòa án nhân dân huyện Quỳnh Lưu lại thụ lý rồi chia hết nhà đất của vợ chồng tôi?

Nay đã đình chỉ giải quyết vụ án thì tôi yêu cầu các cơ quan phải khôi phục hiện trạng ban đầu của nhà đất và bồi thường thiệt hại cho chúng tôi vì thời gian qua phải lâm vào cảnh không nhà”.

Trả lời khiếu nại của ông Hiến - bà Hường về quá trình thi hành án, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quỳnh Lưu, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An và Tổng cục Thi hành án dân sự đều cho rằng việc thi hành án đối với ông Hiến, bà Hường là đúng pháp luật.

Tổng cục Thi hành án dân sự cho rằng việc ông Hiến - bà Hường yêu cầu cơ quan thi hành án trả lại tài sản và đòi bồi thường thiệt hại là không có cơ sở.

Quan điểm xét xử không thống nhất

Cuối năm 2014, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp liên ngành với sự tham gia của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng cục Thi hành án dân sự, thanh tra Bộ Tư pháp, đại diện viện kiểm sát, tòa án, thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An...

Tất cả các bên đều thống nhất vướng mắc dẫn đến khiếu nại, tố cáo bức xúc của vợ chồng ông Hiến là do quan điểm xét xử giữa các cấp còn chưa thống nhất, quyết định sau này của tòa án các cấp mới giải quyết về mặt hình thức, chưa giải quyết về mặt nội dung vụ việc.

Bản án phúc thẩm đã thi hành xong thì Tòa án nhân dân tối cao mới có quyết định giám đốc thẩm.

Các quyết định sau này của tòa án các cấp đã không xem xét, giải quyết đối với nội dung liên quan đến phân chia tài sản đã được thi hành án trước đó.

Tại cuộc họp, phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao Tống Anh Hào cũng khẳng định trong vụ việc này, thiếu sót thuộc về tòa án các cấp nên tòa án phải là cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết.

Ông Hào cho biết sẽ báo cáo chánh án Tòa án nhân dân tối cao sớm xem xét việc hủy các quyết định của tòa án các cấp.

Ngày 25-2, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tống Anh Hào cho biết vụ việc hiện nay đang được kiểm tra, rà soát lại.

“Tòa án nhân dân tối cao hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm, Tòa án nhân dân huyện Quỳnh Lưu khi thụ lý lại đình chỉ giải quyết vụ án, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An giữ nguyên quyết định đình chỉ.

Hiện nay chúng tôi đang xem xét thủ tục giám đốc thẩm đối với quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Đồng thời chúng tôi sẽ xem xét lại toàn bộ vụ việc xem khâu nào có sai sót để có hướng khắc phục” - ông Hào nói.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên