Hình ảnh Đồi Cù Đà Lạt nhìn từ hồ Xuân Hương trước và sau khi có tòa nhà - Ảnh: TRƯƠNG NGỌC THỤY, MAI VINH
Tòa nhà Đồi Cù làm sai quy hoạch Thủ tướng đã duyệt
Tòa nhà câu lạc bộ golf Đồi Cù do Công ty Hoàng Gia Đà Lạt làm chủ đầu tư. Tòa nhà có diện tích xây dựng 6.120m2, nằm ở khu vực lỗ golf số 8.
Tòa nhà ở Đồi Cù Đà Lạt: giới kiến trúc sư nói làm sai quy hoạch, Sở Xây dựng ‘cấp phép theo quy hoạch’
Ngoài khối công trình có mái che, tỉnh Lâm Đồng còn đồng ý cho Công ty Hoàng Gia Đà Lạt dùng 3.900m2 làm bãi đỗ xe. Khối công trình tòa nhà câu lạc bộ golf được xây dựng với nhiều công năng, trong đó có nhà hàng và lưu trú với tổng chiều cao 12m.
Kiến trúc sư, luật sư Nguyễn Hồ - ủy viên ban chấp hành Hội Kiến trúc sư TP.HCM, khẳng định có nhiều yếu tố pháp lý, chuyên môn về quy hoạch, kiến trúc cần phải đánh giá lại trong việc cấp phép xây dựng tòa nhà lớn bên trong sân golf Đồi Cù Đà Lạt.
Vấn đề nghiêm trọng hơn khi tòa nhà này chắn gần như toàn bộ hướng nhìn từ hồ Xuân Hương về núi Langbiang. Đây là một trục quan trọng trong quy hoạch Đà Lạt ngay từ khởi thủy và được kế thừa đến nay.
Ông Nguyễn Hồ cho rằng tỉnh Lâm Đồng không chỉ định hướng sai trong hoạt động xây dựng, bảo tồn kiến trúc, cảnh quan vùng đệm danh thắng quốc gia hồ Xuân Hương mà còn làm sai Quy hoạch 704 - quyết định “Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Thủ tướng ký ban hành vào tháng 5-2014.
Kiến trúc sư Nguyễn Hồ phân tích, Quy hoạch 704 có đề cập đến nhiều vấn đề trong định hướng phát triển đô thị Đà Lạt. Và đó là một quy hoạch chặt chẽ được các chuyên gia Pháp tư vấn, hỗ trợ thực hiện trong nhiều năm.
Quy hoạch xác định mục tiêu chiến lược đô thị Đà Lạt đến năm 2050: "Bảo vệ đỉnh núi Langbiang và Thung lũng Tình Yêu bằng cách xếp hạng các địa danh này như một phần mở rộng của vườn quốc gia. Đỉnh núi Langbiang đóng vai trò hình ảnh biểu tượng của chính TP Đà Lạt", đồng thời "Bảo vệ các vành đai rừng, duy trì cảnh quan núi rừng của TP Đà Lạt".
Kiến trúc sư Nguyễn Hồ nhấn mạnh: "Đỉnh núi Langbiang được xác định là biểu tượng chính của TP Đà Lạt. Cho nên việc xóa bỏ sự xuất hiện của điểm nhấn này dù ở góc độ nào cũng sai".
Về định hướng bảo tồn di sản kiến trúc và cảnh quan đô thị, ông Nguyễn Hồ trích dẫn Quy hoạch 704: “Bảo tồn hệ thống hồ Xuân Hương gắn với Đồi Cù, hồ Than Thở, hồ Tuyền Lâm… Bảo tồn các điểm nhìn, đặc biệt là góc nhìn từ “trục di sản” về phía núi Langbiang”.
Trục di sản tại Quy hoạch 704 được xác định là tuyến đường Hùng Vương - Trần Phú - Trần Hưng Đạo.
Vùng bất kiến tạo biến thành vùng… bất chấp kiến tạo
"Từ góc độ pháp lý lẫn kiến trúc, việc cho xuất hiện một tòa nhà cao 12m (theo giấy phép xây dựng - PV), diện tích sàn hơn 6.000m2 có thể xem như một sai lầm chuyên môn và xâm phạm tính đúng đắn của một quy hoạch, một quyết định pháp lý được Thủ tướng ban hành.
Hiện nay, dư luận xã hội phản ứng kịch liệt như vậy thì phải dừng công trình để đánh giá lại", kiến trúc sư, luật sư Nguyễn Hồ nhấn mạnh.
Còn kiến trúc sư Phạm Quỳnh (sáng lập Archi.note) phân tích các lý do công trình tòa nhà sân golf Đồi Cù Đà Lạt làm đứt gãy kiến trúc, quy hoạch đã được bảo tồn hơn 100 năm qua.
Ngoài ra, chứng minh việc công trình này đã xâm phạm thô bạo vào vùng “bất kiến tạo”. Kiến trúc sư Phạm Quỳnh phân tích: “Đà Lạt vốn được quy hoạch theo 2 trục chính: trục di sản đô thị Đông - Tây và trục cảnh quan Bắc - Nam.
Các hoạch định về hai khu vực dành cho xây dựng và dành cho thiên nhiên này đã được đề cập từ những đồ án quy hoạch lớn đầu tiên của Đà Lạt. Có thể thấy có ý tưởng này trong Đồ án quy hoạch Hébrard (1923) và được vẽ rõ trong Đồ án quy hoạch Pineau (1933).
Trục cảnh quan Bắc - Nam, có lẽ nên hiểu đây là một trục đô thị ưu tiên bảo tồn cảnh quan thiên nhiên để có mảng xanh và tầm nhìn đẹp cho cả đô thị. Một vùng nhìn bắt đầu từ trục di sản Đông - Tây, tầm nhìn xuôi dần về phía hồ Xuân Hương thơ mộng, xa xa là đỉnh Langbiang.
Vùng "bất kiến tạo" này được vạch rõ tại một trong sáu tấm bản đồ quy hoạch Đà Lạt của Louis-Georges Pineau trong Đại hội Kiến trúc hiện đại quốc tế.
Tại bản đồ thứ ba trình bày các vùng đệm và các vành đai xanh bất kiến tạo, vùng dành cho thiên nhiên, hạn chế xây dựng và không xây dựng công trình chắn tầm nhìn. Đây là bản đồ mà Pineau hết sức tự hào.
Vì thế, trục cảnh quan Bắc - Nam không nên hiểu như một con đường trồng cây xanh cảnh quan điểm nhấn, mà nên hiểu như một khu vực dạng tuyến dựa trên tia nhìn nối giữa 3 điểm quan trọng: Langbiang - hồ Xuân Hương - các công trình di sản dọc trục Đông - Tây.
Vậy nếu không giữ gìn trục cảnh quan Bắc - Nam thì giá trị trục di sản Đông - Tây cũng giảm đi rất nhiều: chất lượng sinh hoạt trong công trình, sự tận hưởng tầm nhìn từ công trình ra cảnh quan bên ngoài.
Nhìn rộng hơn các khu vực công cộng, người ta sẽ ngắm gì khi ngồi tại quảng trường Lâm Viên? Du khách sẽ cảm nhận và ấn tượng gì khi đứng tại bờ hồ Xuân Hương và nhìn thấy dãy bê tông thay vì đỉnh Langbiang hay đỉnh tháp và ngôi sao đỏ Đại học Đà Lạt?
Chất lượng không gian sống của đô thị Đà Lạt vốn được rất quan tâm và gắn liền với các mảng xanh và cảnh quan trong lịch sử kiến tạo đô thị này.
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang (tác giả nhiều sách nghiên cứu xã hội, chính luận) phân tích: "Công trình trong Đồi Cù đã che chắn những gì đã ăn sâu vào tiềm thức người Đà Lạt. Tóm lại, các điểm nhấn thị giác để tạo cảm giác nơi chốn, những kết nối với quá khứ để tạo cảm giác thuộc về, các giá trị văn hóa, giá trị phi vật thể để tạo nên bản sắc của một địa phương bị lạnh lùng xóa sổ một cách không thương tiếc.
Kết quả là gì? Sẽ tới lúc chúng ta lang thang trên các sân golf, trong các trung tâm thương mại, các resort vô hồn giống hệt nhau, và không còn biết ta là ai, ta tới từ đâu, quá khứ của ta là gì.
Không ai phản đối xây dựng và phát triển nhưng không phải là phương án tệ nhất, thô bạo nhất cho cộng đồng, trong đó có hậu thế".
Cấp phép theo Quy hoạch 704
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về vị trí của tòa nhà sân golf Đồi Cù, ông Lê Quang Trung (giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng) cho biết việc cấp phép tuân thủ Quy hoạch 704.
Ông giải thích: "Về mặt lịch sử, trong quy hoạch sân golf vào năm 1993, có quy hoạch tòa nhà ở vị trí chủ đầu tư đang thi công.
Về mặt vị trí, khi thẩm định hồ sơ cấp phép đã cân nhắc rất kỹ, hội ý liên tục với các sở ban ngành và chuyên gia.
Chúng tôi trực tiếp đi đo ở hiện trường để xác định quy mô, chiều cao. Cho nên tôi khẳng định chiều cao như hiện nay chưa vượt quá quy định. Có thể mắt thường đứng ở một vị trí nào đó thì thấy chiều cao không phù hợp nhưng chiếu theo tầm nhìn tại Quy hoạch 704 thì phù hợp".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận