04/04/2014 13:28 GMT+7

Tòa Hà Nội xin lỗi một người dân sau 14 năm bị oan

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Sáng 4-4, Tòa án nhân dân TP Hà Nội công khai xin lỗi ông Phạm Đức Bình (58 tuổi, ngụ tại quận Hoàn Kiếm) về việc tòa án đã kết án oan đối với ông sau 14 năm tuyên án.

kSQMR95V.jpg
Ông Phạm Đức Bình - Ảnh: Tâm Lụa
QUD63dr5.jpg
Đông đảo PV báo chí đến dự buổi xin lỗi - Ảnh: Tâm Lụa
yi3KwX0U.jpg
Ông Đào Vĩnh Tường, chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân TP Hà Nội, công bố lời xin lỗi - Ảnh: Tâm Lụa

Sáng 4-4, tại UBND phường Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm), Tòa án nhân dân TP Hà Nội tổ chức cải chính, xin lỗi công khai ông Phạm Đức Bình theo nghị quyết 388/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tham dự buổi xin lỗi có đại diện Tòa án nhân dân TP Hà Nội, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội, đại diện Công an TP Hà Nội, cán bộ UBND phường Lý Thái Tổ, ông Phạm Đức Bình cùng các cơ quan báo chí.

Thay mặt lãnh đạo Tòa án nhân dân TP Hà Nội, ông Đào Vĩnh Tường, chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân TP Hà Nội, đã công khai xin lỗi ông Phạm Đức Bình về việc Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã kết án oan đối với ông, tòa xác định ông Phạm Đức Bình không phạm tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa và tội sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa.

14 năm bị oan chưa được bồi thường

Theo hồ sơ vụ việc, ngày 15-5-1992 ông Phạm Đức Bình được giám đốc Công ty Thi công cơ giới và xây lắp cử làm cửa hàng trưởng Cửa hàng dịch vụ tổng hợp và tiêu thụ sản phẩm của công ty.

Năm 1996 và 1997 ông Bình nhiều lần nhận tạm ứng của Xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng số tiền 71 triệu đồng nhưng chỉ chứng minh được sử dụng hợp lệ số tiền 30 triệu đồng, còn 41 triệu đồng không chứng minh được. Từ tháng 3 đến tháng 5-1997, cửa hàng của ông Bình mua hàng của ba đơn vị với tổng số hàng trị giá 220 triệu đồng, mới thanh toán được 41 triệu đồng, còn 179 triệu đồng chưa thanh toán. Trong số này, cửa hàng của ông Bình quản lý chiếm đoạt 31 triệu đồng, còn lại 148 triệu đồng sử dụng vào việc trả nợ khác.

Với hành vi như trên, Công an TP Hà Nội đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can ông Phạm Đức Bình với hành vi chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa và sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa. Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã truy tố ông Phạm Đức Bình về hai tội danh như trên.

Bản án số 331 ngày 16-3-2000, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã xử phạt ông Phạm Đức Bình 24 tháng tù về tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa, và 6 tháng tù về tội sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa. Tổng hợp hình phạt cho cả hai tội là 30 tháng tù. Ngoài ra, ông Phạm Đức Bình bị cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý tài sản xã hội chủ nghĩa trong thời gian 3 năm kể từ sau khi mãn hạn tù.

Ngày 20-3-2000, ông Phạm Đức Bình kháng cáo kêu oan về tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa và xin giảm nhẹ hình phạt về tội sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa.

Tại bản án hình sự phúc thẩm ngày 5-1-2001 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã tuyên hủy án sơ thẩm số 331 của Tòa án nhân dân TP Hà Nội, tuyên ông Phạm Đức Bình không phạm tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa và tội sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa, tuyên đình chỉ vụ án. Tháng 7-2005, ông Phạm Đức Bình đã gửi đơn đến Tòa án nhân dân TP Hà Nội đề nghị được bồi thường oan sai theo nghị quyết 388 của Quốc hội.

Tuy nhiên, Tòa án nhân dân TP Hà Nội cho rằng tính đến ngày nghị quyết 388 có hiệu lực thi hành thì tháng 7-2005 ông Bình mới có đơn yêu cầu là đã quá thời hiệu trên ba tháng, do đó ông không thuộc trường hợp được bồi thường theo nghị quyết 388.

Năm 2006, Tòa án nhân dân tối cao đã có công văn gửi Tòa án nhân dân TP Hà Nội. Tại công văn này, Tòa án nhân dân tối cao cho biết ông Bình nhiều lần gửi đơn khiếu nại đến Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm về phần dân sự của vụ án và đề nghị can thiệp đến Công ty thi công cơ giới xây lắp trả lại danh dự cho ông.

Tòa án nhân dân tối cao đã nhiều lần nhận đơn và xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm nhưng chưa lần nào trả lời ông Bình bằng văn bản. Do đó khoảng thời gian từ lúc ông Bình khiếu nại bản án phúc thẩm đến lúc có văn bản trả lời thì không tính thời hiệu yêu cầu bồi thường. Vì vậy, ông Phạm Đức Bình thuộc trường hợp được bồi thường theo nghị quyết 388. Theo Tòa án nhân dân TP Hà Nội, việc chậm trễ bồi thường cho ông Bình là do có quan điểm chưa thống nhất nên Tòa án nhân dân TP Hà nội nhiều lần xin ý kiến của tòa tối cao.

Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tiến hành thương lượng với ông Phạm Đức Bình mức bồi thường. Cho đến nay ông Phạm Đức Bình vẫn chưa được nhận bồi thường.

“Tuyệt vọng, lẩn thẩn, đã từng muốn tự tử”

Theo ông Phạm Đức Bình, năm 2001 khi được Tòa án nhân dân tối cao tuyên bố vô tội, ông về công ty xin được phục hồi cửa hàng và bố trí công ăn việc làm nhưng công ty không giải quyết.

“Điều đó làm tôi buồn nhất là trong cùng một lúc như thế thì cơ quan thi hành án lại phong tỏa nhà tôi. Gần 30 năm công tác, cuối cùng tôi đã hai bàn tay trắng. Và đến bây giờ công ty vẫn chưa giải quyết cho tôi. Tôi chán nản đã viết đơn kêu cứu gửi các cơ quan. Tôi tuyệt vọng, lẩn thẩn, từng muốn tự tử. Nhờ các con cho tôi động lực để sống đến ngày hôm nay” - ông Phạm Đức Bình nói tại buổi xin lỗi.

Phát biểu tại buổi xin lỗi, đại diện Công ty Thi công cơ giới và xây lắp cho biết sau khi ông Bình được xin lỗi,công ty sẽ báo cáo lãnh đạo, có ý kiến xem xét xử lý để giải quyết công việc cho ông Phạm Đức Bình.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên