Bên ngoài tòa dinh thự họ Vương ở Hà Giang - Ảnh: Hoài Linh
UBND tỉnh Hà Giang đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Phòng VH-TT huyện Đồng Văn đối với mảnh đất hơn 8.000m2 của nhà họ Vương từ năm 2012 (Tuổi Trẻ ngày 20-8). Trong cuốn sổ đỏ được cấp "lặng lẽ" ấy lại bỏ trống mục "Nhà ở", "Công trình xây dựng khác"... Cháu nội vua Mèo "hốt hoảng" đặt câu hỏi: "Vậy tòa dinh thự họ Vương ở... trên trời?".
Hai lần "khóc" với Thủ tướng
Từng chứng kiến cha mình là ông Vương Quỳnh Sơn năm 2002 phải nuốt nước mắt gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng lúc bấy giờ là ông Phan Văn Khải và Tổng bí thư Nông Đức Mạnh để khẩn thiết kêu khóc về việc Bộ VH-TT và chính quyền địa phương đề nghị, vận động người nhà họ Vương ra khỏi tòa nhà Sà Phìn (theo cách gọi tòa dinh thự họ Vương của chính người họ Vương), ông Vương Duy Bảo không thể ngờ rằng hơn chục năm sau đến lượt mình phải kêu khóc một lần nữa.
Trong thư gửi Thủ tướng của ông Vương Quỳnh Sơn, ông yêu cầu Bộ VH-TT, chính quyền tỉnh Hà Giang phải trả lại đầy đủ nhà, đất đai, tài sản cho nhà họ Vương.
Có lá đơn này là bởi lúc đó nhà họ Vương đang sống yên lành trong ngôi nhà do chính cha ông mình để lại bao đời nay bỗng tá hỏa khi được chính quyền tới vận động ra khỏi nhà để tu bổ làm bảo tàng, bởi nhà của họ đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật từ gần... 10 năm trước. Ông Bảo ngậm ngùi kể: ông lúc đó đang công tác ngay tại Bộ VH-TT, nhưng cũng không hề biết gì về quyết định của chính cơ quan nơi mình công tác đối với ngôi nhà của dòng họ mình.
Theo ông Vương Duy Bảo, trước khi mất, vua Mèo Vương Chính Đức chia tòa dinh thự tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang thành ba phần: tiền dinh do cháu đích tôn Vương Quỳnh Sơn (cha ông Bảo) quản lý, trung dinh do con thứ ba Vương Chí Chư quản lý, hậu dinh do con út Vương Chí Sình (sau này là người kế nghiệp) quản lý. Người Mèo không lập di chúc nhưng họ có những luật lệ được tuân thủ nghiêm ngặt bởi tất cả mọi người trong cộng đồng.
Mập mờ đổi chủ
Sau lá đơn kêu khóc gửi Thủ tướng của ông Vương Quỳnh Sơn, nhiều cuộc họp đã được diễn ra. Bộ VH-TT đã có thông báo ngày 20-3-2002, kết luận "việc Nhà nước công nhận các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật trên đất nước Việt Nam, trong đó có di tích nhà họ Vương là sự ghi nhận về mặt pháp lý và tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa nhằm giữ gìn và phát huy giá trị ấy trong hiện tại và tương lai... Quyết định này không quốc hữu hóa quyền sở hữu ngôi nhà của những người trong gia đình được quyền thừa kế hợp pháp".
Trước khẳng định này của Bộ VH-TT, nhà họ Vương đã đồng ý chuyển ra khỏi khu di tích với sự hỗ trợ 500 triệu đồng cùng 230m2 đất cho ba chủ thể sở hữu ba tòa tiền dinh, trung dinh và hậu dinh; đồng thời xin dành lại 1-2 phòng cho gia đình có chỗ nghỉ ngơi khi về thăm viếng tổ tiên. Ông Bảo cho biết người họ Vương đã rất tin tưởng vào mục đích tốt đẹp của Nhà nước, hàng chục con cháu vua Mèo đã chấp nhận sống lam lũ trong những ngôi nhà bé nhỏ bên cạnh, hằng ngày nhìn vào ngôi nhà của chính mình nườm nượp đón khách du lịch và họ không đòi hỏi bất cứ khoản tiền chia sẻ nào từ tiền bán vé tham quan chính ngôi nhà của cha ông họ. Nhưng nay thì nhà họ Vương "thất kinh" khi biết ngôi nhà của mình đã được sang tên đổi chủ tự bao giờ.
Ông Bùi Đức Tân - trưởng phòng quản lý di sản văn hóa Sở VH-TT&DL Hà Giang - cho biết Hà Giang đang lập tổ công tác để kiểm tra, giải quyết vụ việc, khi có kết quả thì UBND tỉnh Hà Giang sẽ trả lời báo chí.
Ngày 20-8, trao đổi với Tuổi Trẻ về việc cháu nội vua Mèo kêu cứu vì bị tước mất quyền sử dụng tòa dinh thự họ Vương, ông Trần Hùng Phi - cục trưởng Cục kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên - môi trường) - cho biết "sau khi có thông tin báo chí nêu, cục đã giao anh em chủ động nắm thông tin về vụ việc này".
Trước đó, trong văn bản trả lời Sở VH-TT&DL Hà Giang ngày 24-7, Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Hà Giang khẳng định rõ ràng rằng việc cấp sổ đỏ dinh thự vua Mèo cho Phòng VH-TT huyện Đồng Văn là đúng pháp luật.
Tuy nhiên, một chuyên gia đất đai cho rằng mấu chốt vấn đề cần làm rõ trong vụ việc này khi cấp sổ đỏ là đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đó có thuộc sử hữu tư nhân?
Theo chuyên gia này, nếu căn cứ vào nghị định 181/2004 về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ngay trong khoản 2 điều 54 của nghị định này cũng quy định: "Đất có di tích lịch sử - văn hóa mà di tích lịch sử - văn hóa đó thuộc sở hữu của tư nhân thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho chủ sở hữu tư nhân".
X.Long
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận