Một cuộc tọa đàm về thơ Hoàng Cầm cũng được tổ chức sáng nay (22-4) với sự có mặt của hai người bạn thơ - người em thân thiết của ông là Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.
Phóng to |
Nhà thơ Hoàng Cầm - Ảnh tư liệu |
Phóng to |
Gia đình nhà thơ Hoàng Cầm, nhà sách Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà Văn đã cho ra mắt tập Thơ Hoàng Cầm - Ảnh: T.Đ. |
Tài hoa và lận đận cả sự nghiệp và đời riêng, ông vẫn âm thầm làm thơ. Càng trong cay đắng (như tên ông chọn làm nghệ danh: Hoàng Cầm - vị thuốc đắng), thơ ông càng da diết, càng tỏa ra một thứ ánh sáng lộng lẫy và tinh nguyên về tình yêu trai gái và tình yêu với miền quê ông - Kinh Bắc. Cuối đời mới được nhìn lại, được công nhận, gia tài thơ của Hoàng Cầm có lẽ là thứ tròn đầy duy nhất trong đời ông.
Ngoài hơn trăm bài thơ lẻ mà phần lớn là những khúc thơ tình phảng phất quan họ, còn có trường ca Tiếng hát quan họ sáng tác năm 1956, được coi như tiền đề của Về Kinh Bắc ra đời mấy năm sau đó, có truyện thơ Men đá vàng dành “dâng linh hồn con gái Bùi Hoàng Yến”... Và không thể không kể đến thể loại mà chính ông khẳng định đã làm nên tên tuổi, dấu ấn riêng của Hoàng Cầm thời kỳ đầu: kịch thơ, trong đó nổi bật nhất là Kiều Loan với những câu thơ vượt thời gian.
Hơn 50 năm làm thơ, cho đến ngày về “bên kia sông Đuống” (6-5-2010), lúc gần 90 tuổi, Hoàng Cầm vẫn chỉ xuất hiện trước người yêu thơ với những tập thơ nhỏ, riêng lẻ. Chưa từng có một ấn bản dày dặn nào quy tụ các tác phẩm nổi bật có cả thủ bút và minh họa để phác họa nên bức chân dung toàn diện của nhà thơ. Vì thế, Thơ Hoàng Cầm - nén tâm nhang cho ngày giỗ đầu của ông - ra mắt dịp này càng có ý nghĩa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận