Luật sư của nguyên đơn tranh luận tại tòa - Ảnh: T.L.
Ngày 30-6, sau 5 ngày xét xử và nghị án, TAND TP.HCM đã tuyên bác đơn khởi kiện của 3 nguyên đơn là ông Trần Văn Tạo (cựu chủ tịch HĐQT Trường ĐH Hoa Sen), bà Bùi Trân Phượng (cựu hiệu trưởng) và ông Đỗ Sỹ Cường (cựu phó hiệu trưởng) đối với bị đơn là UBND TP.HCM và chủ tịch UBND TP.HCM.
Thu học phí quá mức cho phép?
Vụ việc xuất phát từ năm 2016, khi chủ tịch UBND TP.HCM có quyết định công nhận hội đồng quản trị mới của Trường ĐH Hoa Sen và bãi nhiệm chức vụ hiệu trưởng đối với bà Bùi Trân Phượng.
Theo hội đồng xét xử, năm 2014, Trường đại học Hoa Sen bị Thanh tra Bộ GD-ĐT xử phạt hành chính với lý do thu học phí vượt quá mức cho phép đối với chương trình liên kết đào tạo cử nhân quản lý khách sạn, nhà hàng. Sau đó, bộ đình chỉ tuyển sinh một năm đối với chương trình này.
Tòa cho rằng đây là căn cứ để nhóm cổ đông nắm 30% vốn điều lệ nhận thấy hội đồng quản trị đương nhiệm có dấu hiệu thất bại trong hoạt động đào tạo và sau đó đã tiến hành mở đại hội cổ đông bất thường.
Về quy trình triệu tập đại hội cổ đông, tòa cho biết nếu ban kiểm soát của trường không triệu tập cổ đông thì cổ đông đại diện có quyền thay thế hội đồng quản trị, thay thế ban kiểm soát để triệu tập đại hội cổ đông bất thường.
Vì hội đồng quản trị và ban kiểm soát của Trường đại học Hoa Sen đều từ chối yêu cầu triệu tập đại hội nên ngày 30-6-2014, nhóm cổ đông sở hữu trên 30% cổ phần đã tự triệu tập đại hội cổ đông bất thường là phù hợp quy định pháp luật.
Về các ý kiến đại diện nguyên đơn và luật sư cho rằng có gian lận trong việc xác lập quyền biểu quyết, tòa nhận định tỉ lệ cổ đông có quyền biểu quyết hợp pháp theo quy định là trên 65% tổng số cổ phần.
Theo biên bản thư ký ghi nhận, ngày diễn ra đại hội cổ đông bất thường có 84 người tham dự, chiếm 70% cổ phần. Vì vậy, quy trình bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm tại đại hội là đúng thủ tục, thẩm quyền và có căn cứ theo quy định pháp luật.
Đối với quyết định của chủ tịch UBND TP không công nhận hiệu trưởng đối với bà Bùi Trân Phượng, hội đồng xét xử nhận định đây là quyết định được 7/7 thành viên hội đồng quản trị chấp nhận thông qua bỏ phiếu kín. Hiệu trưởng mới được bầu cũng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đối với chức hiệu trưởng của trường đại học.
Nhận định quyết định hành chính do chủ tịch UBND TP HCM ban hành hoàn toàn đúng trình tự thủ tục, không vi phạm pháp luật, tòa đã bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Lập luận của nguyên đơn bị bác bỏ
Trong các ngày xét xử vừa qua, luật sư của bà Phượng đã đưa ra nhiều căn cứ để chứng minh nhóm cổ đông tổ chức đại hội cổ đông bất thường là trái pháp luật, trái quy chế tổ chức và hoạt động của trường, nhiều cổ đông không được triệu tập dự đại hội, có sự gian lận trong việc xác lập quyền biểu quyết…
Ông Phạm Công Hùng, luật sư của bà Phượng, khẳng định Trường ĐH Hoa Sen dưới thời bà Phượng không có sai phạm trong công tác đào tạo. Khi phát hiện có sai sót tại trường, bà Phượng và cổ đông đã yêu cầu cấp dưới giải trình. Vụ việc đang được xem xét giải quyết thì bà bị tước quyền hiệu trưởng cho đến nay.
Theo đại diện nguyên đơn, văn bản đề nghị UBND TP.HCM công nhận hội đồng quản trị mới không hề có con dấu của Trường ĐH Hoa Sen, nội dung rất sơ sài. Từ ngày gửi văn bản đến tận 2 năm sau, chủ tịch UBND TP.HCM mới ra quyết định công nhận hội đồng quản trị mới.
Trong 2 năm đó, Trường ĐH Hoa Sen có rất nhiều tranh chấp, rất nhiều văn bản khiếu nại gửi đến UBND TP.HCM nhưng không được xem xét. Chủ tịch UBND TP.HCM vẫn ra quyết định công nhận hội đồng quản trị mới, bất chấp việc triệu tập đại hội cổ đông có nhiều sai phạm.
Tuy nhiên, những lập luận này của nguyên đơn đã bị tòa án bác bỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận