Một người biểu tình ở Los Angeles giơ cao biểu ngữ "My body, my choice" (Cơ thể của tôi, lựa chọn của tôi) để phản đối phán quyết của Tòa án tối cao Mỹ về quyền phá thai - Ảnh: REUTERS
Trong phán quyết thứ nhất với số phiếu theo tỉ lệ 6-3 vào hôm 23-6, Tòa án tối cao Mỹ mở rộng đáng kể quyền được mang vũ khí của người Mỹ khi phán quyết rằng luật của tiểu bang New York hạn chế người dân mang súng ngắn giấu kín nơi công cộng là vi hiến. Cũng bằng một tỉ lệ đa số, hôm 24-6 tòa đã xóa bỏ gần 50 năm tiền lệ khi ra phán quyết rằng hiến pháp không bảo vệ quyền phá thai.
Trò chơi quyền lực
Với phán quyết về quyền phá thai, các thẩm phán đã đảo ngược hai phán quyết quan trọng bảo vệ quyền tiếp cận phá thai của phụ nữ Mỹ: Roe kiện Wade vào năm 1973 và vụ Planned Parenthood kiện Casey vào năm 1992.
Quan điểm của tòa án, được viết bởi thẩm phán bảo thủ Samuel Alito, nói rằng hiến pháp không đề cập đến việc phá thai. Thẩm phán Alito viết rõ ràng rằng "thẩm quyền điều chỉnh việc phá thai phải được trả lại cho người dân và người đại diện được bầu của họ", tức trả về cho luật của các tiểu bang quyết định, và quyền tiếp cận phá thai không được bảo vệ bởi hiến pháp ở cấp liên bang.
Những người sáng lập và soạn thảo hiến pháp nước Mỹ vào thế kỷ XVIII tin rằng hệ thống "tam quyền phân lập" và cơ chế kiềm chế và đối trọng giữa ba nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp là một bức tường thành của quyền tự do cá nhân, một cách để neo giữ chính phủ trong những ràng buộc và để đảm bảo rằng không một nhánh nào trở nên quá quyền lực. Các nhánh riêng rẽ đều có những quyền lực khác nhau để đảm bảo kiểm soát nhánh kia.
Tuy nhiên, hiện nay cơ chế kiềm chế và đối trọng lại trở thành một trò chơi quyền lực cạnh tranh giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa với những quan điểm về tự do cá nhân khác nhau.
Hiện nay nhánh hành pháp của nước Mỹ được kiểm soát bởi người theo Đảng Dân chủ, Tổng thống Biden. Trong khi nhánh lập pháp thì hơi nghiêng về Đảng Dân chủ (Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát, Thượng viện mỗi đảng chiếm 50 ghế). Còn nhánh tư pháp, tức Tòa án tối cao, đang bị kiểm soát bởi những thẩm phán có quan điểm bảo thủ, gần gũi với Đảng Cộng hòa. Quyền lực nổi tiếng nhất của Tòa án tối cao là diễn giải luật hoặc tuyên bố một luật của nhánh lập pháp hoặc một sắc lệnh hành pháp là vi hiến.
Quyền phá thai tại các tiểu bang của Mỹ trong trường hợp phán quyết vụ Roe kiện Wade bị đảo ngược - Nguồn: DIỆU AN tổng hợp - Dữ liệu: ABC NEWS - Đồ họa: N.KH.
Ông Biden thừa nhận có ít quyền
Chính người tiền nhiệm của ông Biden là cựu tổng thống Donald Trump đã định hình "tư tưởng bảo thủ" của Tòa án tối cao Mỹ hiện nay. Trong bốn năm tại vị, ông Trump đã đề cử bổ nhiệm ba thẩm phán cho Tòa án tối cao, giúp hình thành một đa số bảo thủ gồm 6 thành viên trong tổng số 9 thẩm phán có nhiệm kỳ suốt đời.
Ngay sau phán quyết của Tòa án tối cao, Tổng thống Biden đã chỉ trích "hệ tư tưởng cực đoan" bảo thủ của Tòa án tối cao nhưng cũng thừa nhận ông có rất ít quyền để có thể bảo vệ quyền sinh sản của phụ nữ về mặt hành pháp.
Tổng thống Biden chỉ có thể sử dụng quyền hành pháp để chỉ thị cho các cơ quan liên bang xem xét các quy định hiện hành để đảm bảo rằng việc tiếp cận phá thai tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi nhất có thể. Ông Biden cho biết chính quyền của ông sẽ ngăn các bang hạn chế việc đi lại để tiếp cận các dịch vụ phá thai, và Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) cũng sẽ bảo vệ việc phân phối thuốc có thể chấm dứt thai kỳ.
Nhánh lập pháp đã phản ứng với phán quyết đầu tiên về mở rộng quyền sử dụng súng của Tòa án tối cao bằng cách thông qua dự luật Cộng đồng an toàn hơn (Safer Communities Act). Thượng viện và Hạ viện Mỹ nhanh chóng thông qua việc kiểm soát việc sở hữu và sử dụng súng bằng cách tăng thêm các thủ tục kiểm tra lý lịch và thời gian kiểm tra lý lịch lên đến 3 ngày với người mua súng dưới 21 tuổi. Có 14 nghị sĩ Cộng hòa và 15 thượng nghị sĩ Cộng hòa đã ủng hộ dự luật. Lập tức ngay sau đó, vào ngày 25-6, Tổng thống Biden đã ký thành luật.
Trong khi vụ kiểm soát súng đạn nhận được sự ủng hộ của cả nhánh hành pháp và lập pháp, nhưng quyền phá thai thì không.
Quốc hội "bó tay"
Tổng thống Biden thừa nhận chỉ có Quốc hội mới có khả năng thiết lập lại quyền phá thai của liên bang. Tuy nhiên, Quốc hội không thể làm nhiều hơn thế vì vấn đề phá thai không được sự ủng hộ của cả hai viện.
Vào ngày 24-9-2021, Hạ viện đã thông qua Đạo luật bảo vệ sức khỏe của phụ nữ, Đạo luật bảo vệ các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và những người mang thai muốn phá thai, nhưng các thượng nghị sĩ Cộng hòa ở Thượng viện đã ngăn chặn dự luật này.
Tuy nhiên, hai phán quyết gây mâu thuẫn xã hội sâu sắc của Tòa án tối cao trong tuần qua đã tạo cơ hội cho Đảng Dân chủ vận động cử tri bỏ phiếu cho Dân chủ chiếm đa số ngày càng tăng trong cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới để có thể kiểm soát quyền lực của các thẩm phán bảo thủ có quan điểm gần gũi với Đảng Cộng hòa.
Bằng cách như vậy, Đảng Dân chủ tranh thủ sự ủng hộ của cử tri Mỹ theo quan điểm tự do đang phẫn nộ và biến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 sắp tới thành một cuộc trưng cầu ý dân đối với uy tín Tòa án tối cao.
Biểu tình nhiều nơi ở Mỹ
Các cuộc biểu tình tiếp diễn tại nước Mỹ vào ngày 25-6 để phản đối phán quyết của Tòa án tối cao về quyền phá thai.
Theo Hãng tin AFP, hàng ngàn người tụ tập tại Tòa án tối cao Mỹ tại Washington D.C với các biểu ngữ chỉ trích phán quyết trước đó một ngày là "chiến tranh chống phụ nữ". Biểu tình cũng diễn ra ở một số nơi khác như thành phố Los Angeles.
"Kế đến sẽ là gì?" - Hãng tin AFP dẫn lời cô Kim Boberg, một người tham gia biểu tình ở Washington D.C, nói. "Những gì xảy ra hôm qua thật không thể diễn tả nổi và kinh tởm. Bất cứ phụ nữ nào cũng không nên bị ép buộc trở thành một người mẹ" - cô Mia Stagner, 19 tuổi, nói.
Ngược lại, những người ủng hộ phán quyết chỉ trích rằng việc phá thai không tôn trọng "quyền lựa chọn" (được sống) của thai nhi và có thể đe dọa tính mạng của phụ nữ.
TRẦN PHƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận