Từ trái sang: Aiden Aslin, Shaun Pinner và Brahim Saadoun - Ảnh: SKYNEWS
Hãng tin RIA có video cho thấy các tù binh người Anh là Aiden Aslin (28 tuổi), Shaun Pinner (48 tuổi), tù binh người Morocco là Brahim Saadoun đã ra trước tòa, đứng sau các thanh chắn màu trắng.
Theo giới chức Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk, ba người bị lực lượng Nga bắt tại thành phố Mariupol, phía nam Ukraine hồi tháng 4-2022 khi đang chiến đấu cùng lực lượng Ukraine.
Tòa án kết luận ba người đàn ông đã phạm tội "hoạt động đánh thuê và thực hiện các hành động nhằm chiếm chính quyền và lật đổ trật tự hiến pháp của nước Cộng hòa nhân dân (tự xưng) Donetsk".
Theo Hãng tin TASS của Nga, các luật sư của ba người này nói họ sẽ kháng cáo bản án trên.
Hai người Anh cho biết họ đang phục vụ trong lực lượng thủy quân lục chiến Ukraine, vì vậy họ là lính tại ngũ và được bảo vệ theo các công ước Geneva về tù nhân chiến tranh: được hưởng quyền miễn trừ, và không bị truy tố vì tham gia vào các hoạt động thù địch.
Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông nhà nước Nga đã miêu tả họ là lính đánh thuê, và tòa án đã kết tội họ với tội danh “là lính đánh thuê”.
Bộ Ngoại giao Morocco chưa lên tiếng về bản án này. Trong khi đó ngày 9-6, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết Anh vô cùng quan ngại về bản án tử hình dành cho hai công dân Anh.
"Chúng tôi quan ngại sâu sắc về điều này. Chúng tôi đã liên tục kêu gọi không nên khai thác tù nhân chiến tranh cho các mục đích chính trị. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với nhà chức trách Ukraine để đảm bảo việc thả các công dân Anh đang phục vụ trong lực lượng vũ trang Ukraine và những người đang bị bắt làm tù binh chiến tranh", người phát ngôn nói.
Theo Hãng tin Reuters, Ngoại trưởng Anh, bà Lizz Truss, khẳng định các công dân Anh là tù binh chiến tranh và phiên tòa là "đáng xấu hổ" cũng như "không hề có giá trị pháp lý".
Chính phủ Ukraine khẳng định họ coi tất cả tình nguyện viên nước ngoài tới quốc gia này tham chiến đều là thành viên lực lượng vũ trang Ukraine, do đó những người bị bắt cần được đối xử như tù binh chiến tranh theo Công ước Geneva.
Theo báo The Guardian của Anh, Nga được cho là đang sử dụng quy trình xét xử này để gây áp lực lên Anh nhằm tìm cách trao đổi tù binh, đổi lại các binh sĩ Nga bị kết án giết người và các tội ác chiến tranh khác tại Ukraine. Nga cấm áp dụng hình phạt tử hình nhưng Donetsk không có quy định này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận