Sáng 7-9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi).
Sẽ bỏ quy định tòa án có quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa
Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến trình bày tờ trình về những nội dung sửa đổi, bổ sung lớn của dự thảo luật.
Theo ông Tiến, dự thảo luật sửa đổi theo hướng bỏ quy định tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa.
Nếu tại phiên tòa, hội đồng xét xử phát hiện dấu hiệu tội phạm thì thực hiện quyền kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Tòa án là cơ quan xét xử, nếu ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, sau đó lại xét xử vụ án do mình khởi tố sẽ không vô tư, khách quan, làm thay cơ quan hành pháp, không phù hợp với nguyên tắc tranh tụng và trên thực tế là không hiệu quả.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, nếu việc khởi tố của tòa án không đúng thì viện kiểm sát sẽ kháng nghị. Trên thực tế, không có quyết định khởi tố nào bị kháng nghị nhưng hầu như không được thực hiện.
Bên cạnh đó, ông Tiến nói dự thảo luật được sửa đổi theo hướng tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ.
Trong vụ án hình sự, tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, viện kiểm sát thu thập, làm rõ tại phiên tòa và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để xét xử.
Trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà các bên đã thu thập, giao nộp cho tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để xét xử.
Tòa án thu thập chứng cứ, rồi sau đó xét xử theo chứng cứ do tự mình thu thập có thể sẽ không khách quan và xem nhẹ các nguồn chứng cứ khác do các bên thu thập.
Việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn thu thập tài liệu, chứng cứ của tòa án nhằm bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc vô tư, khách quan.
Đồng thời, để tòa án luôn giữ vai trò là trọng tài và phán xử trên cơ sở chứng cứ mà các bên đưa ra, thực sự tôn trọng nguyên tắc tranh tụng và "việc dân sự cốt ở đôi bên".
Đề xuất đổi tên tòa án cấp tỉnh, huyện
Theo ông Tiến, dự thảo luật hướng đổi mới tòa án nhân dân cấp tỉnh, tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử.
Cụ thể, ông Tiến cho hay dự thảo luật quy định tòa án nhân dân phúc thẩm thay cho tòa án nhân dân cấp tỉnh, tòa án nhân dân sơ thẩm thay cho tòa án nhân dân cấp huyện.
"Ví dụ Tòa án nhân dân phúc thẩm Hà Nội, Tòa án nhân dân sơ thẩm Hoàn Kiếm…", ông Tiến dẫn chứng.
Việc này ông Tiến nêu để thể chế hóa nhiệm vụ "bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử" được đề ra tại nghị quyết 27 của trung ương.
Việc thay đổi nêu trên không ảnh hưởng đến hoạt động và quan hệ phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp, nhưng sẽ góp phần thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử và khẳng định địa vị pháp lý của tòa án.
Dự thảo bổ sung quy định trong hệ thống tòa án có các tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt để xét xử một số loại án đặc thù. Việc thành lập các tòa án sơ thẩm chuyên biệt sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở đề nghị của chánh án Tòa án nhân dân tối cao, tùy thuộc vào tình hình thực tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận