Một phiên họp của Duma quốc gia Nga - Ảnh: REUTERS
Tháng 3 năm nay, YouTube (sản phẩm thuộc sở hữu của Alphabet, công ty mẹ của Google) đã chặn quyền truy cập trên toàn cầu vào các kênh liên kết với truyền thông nhà nước Nga.
Theo truyền thông phương Tây, động thái của YouTube liên quan tới "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine. Một số nội dung do phía Nga đăng tải, hoặc các kênh liên quan tới Điện Kremlin, bị cho đã vi phạm chính sách của YouTube.
Tại châu Âu, một số kênh tin tức nổi tiếng của Nga như RT hay Spurnik cũng đã bị cấm, không thể truy cập.
Trong diễn biến đào sâu khác biệt giữa Nga và phương Tây, phía Nga cũng đã cấm nhiều mạng xã hội ở phương Tây, bao gồm Facebook và Instagram. Tuy nhiên, trường hợp YouTube tương đối đặc biệt, khi Điện Kremlin vẫn chưa cấm nền tảng phát video lớn nhất thế giới này.
Tạp chí Time (Mỹ) dẫn dữ liệu từ eMarketer cho biết YouTube là nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất ở Nga. Ước tính có hơn 75% người dùng Internet ở Nga đang dùng YouTube.
Các chuyên gia cho rằng sự phổ biến của YouTube góp phần khiến mạng xã hội này vẫn "sống sót" dưới các quy định siết chặt của Nga.
Ông Justin Sherman (Hội đồng Atlantic) nhận định đến nay YouTube vẫn là mạng xã hội phổ biến nhất tại Nga, vì vậy chuyện cấm YouTube sẽ khó hơn nhiều so với các quyết định kiểm duyệt khác, ví dụ cấm Twitter (chỉ 5% người Nga sử dụng).
Theo giới quan sát phương Tây, Nga cũng đã cố gắng phát triển các mạng xã hội nội địa như VK (đối trọng của Facebook) hay RuTube (đối trọng của YouTube), nhưng các nỗ lực này chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.
Được biết, có khoảng 3 triệu tài khoản Nga trên nền tảng RuTube, so với 80 - 90 triệu người Nga dùng YouTube.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận