Phiên tòa xét xử Lê Bá Mai, một vụ án được coi là kỳ án với nhiều lần xét xử sơ thẩm, phúc thẩm - Ảnh: Thuận Thắng |
Ông Trần Văn Độ - Ảnh: V.Dũng |
Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên phó chánh án TAND tối cao, nguyên chánh án Tòa án quân sự trung ương - nói như vậy khi đề cập dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) đang được gửi xin ý kiến các ngành, các cấp và dự kiến được thảo luận tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII.
Tướng Trần Văn Độ nêu rõ:
- Sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự lần này phải đáp ứng được tinh thần của cải cách tư pháp và các quy định của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, phải coi tòa án là trung tâm của hệ thống tư pháp, xét xử là trọng tâm của hoạt động tư pháp.
Cho nên cần có những quy định rất rõ về nguyên tắc tổ chức hoạt động của tòa án, đặc biệt là những nguyên tắc cơ bản không thể thiếu như nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc tranh tụng và nguyên tắc xét xử độc lập.
Việc tranh tụng phải được đảm bảo trong cả quá trình tố tụng, từ giai đoạn khởi tố điều tra cho đến khi tại phiên tòa.
Các bên tham gia tố tụng, kể cả bên buộc tội lẫn bên gỡ tội, phải có quyền điều tra, quyền thu thập chứng cứ, quyền chứng minh. Thẩm phán, hội thẩm phải được làm việc độc lập, không cơ quan, tổ chức, cá nhân nào được quyền can thiệp vào việc xét xử.
Muốn độc lập trong xét xử thì năng lực của thẩm phán có vai trò rất quan trọng, Bộ luật tố tụng hình sự phải tăng cường quyền hạn và trách nhiệm đối với cả thẩm phán lẫn điều tra viên, kiểm sát viên.
* Nhằm kiểm soát quyền lực trong hoạt động tố tụng, theo ông, cần quy định như thế nào cho hiệu quả?
- Phải trao cho tòa án quyền hạn giám sát toàn bộ hoạt động điều tra, truy tố. Hiện nay khi tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhưng viện kiểm sát không đáp ứng, họ vẫn trả lại như cũ. Theo quy định, tòa vẫn phải đưa vụ án ra xét xử trong khi những vấn đề yêu cầu điều tra bổ sung chưa được đáp ứng.
Cần có quy định để viện kiểm sát phải thực hiện điều tra bổ sung, thực hiện không được thì phải chịu trách nhiệm về điều đó. Và nếu không đáp ứng điều tra, không đủ chứng cứ buộc tội thì tòa có quyền tuyên bị cáo vô tội. Khi chứng minh mọi nghi ngờ phải được giải thích theo hướng có lợi cho bị cáo.
Cần thấy rằng Bộ luật tố tụng hình sự đang có những vấn đề không ổn như: xác định địa vị tố tụng thiếu công bằng, coi cơ quan điều tra, viện kiểm sát (là một bên tố tụng có nhiệm vụ buộc tội) là cơ quan tiến hành tố tụng như cơ quan xét xử (tòa án), trong khi bên gỡ tội chỉ là người tham gia tố tụng; giao cho tòa án một số nhiệm vụ thuộc chức năng buộc tội; quy định về giới hạn xét xử thiếu hợp lý và vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử của tòa án; quy định các thủ tục tố tụng, nhất là thủ tục phiên tòa tạo ra nhận thức dường như tòa án cũng là cơ quan buộc tội...
* Thời gian qua, vấn đề quyền im lặng được đưa ra bàn luận rất nhiều. Không ít ý kiến cho rằng nên quy định cụ thể quyền im lặng trong luật, nhưng cũng có nhiều ý kiến ngược lại. Ông nói thế nào về vấn đề này?
- Quyền im lặng là quyền của bị can, bị cáo không khai báo để chờ đến khi có tư vấn của luật sư. Nếu hiểu theo cách đó thì Việt Nam chưa thể thực hiện được. Số lượng luật sư của chúng ta mới đảm bảo được 20% vụ án hình sự.
Tuy nhiên, cần có quy định bị can, bị cáo có quyền khai báo những gì có lợi cho họ, những gì không có lợi thì họ có quyền không khai báo. Điều tra viên, kiểm sát viên phải buộc tội dựa trên những chứng cứ khác. Không thể quy định trách nhiệm người bị buộc tội phải khai báo, như vậy mới tránh được ép cung.
* Nhưng thưa ông, nước ta đang áp dụng mô hình tố tụng thẩm vấn. Tại cơ quan điều tra và tại tòa, nếu bị can, bị cáo im lặng thì thường bị cho là ngoan cố, thậm chí coi đó là tình tiết tăng nặng?
- Quyền im lặng không được giải thích theo hướng bất lợi cho bị can, bị cáo. Anh thật thà khai báo thì được hưởng tình tiết giảm nhẹ nhưng không có nghĩa nếu anh không khai báo là ngoan cố và phải chịu trách nhiệm hình sự nặng hơn.
Bộ luật hình sự hiện hành không quy định tội không khai báo, tội khai báo sai sự thật đối với bị can, bị cáo. Cách hiểu không khai báo là không nhận tội, là ngoan cố, là tình tiết tăng nặng là một cách hiểu méo mó luật pháp.
* Theo ông, có nên sửa luật theo hướng chuyển từ mô hình tố tụng thẩm vấn sang mô hình tranh tụng?
- Tôi thấy ở Việt Nam chưa nên chuyển qua mô hình tố tụng tranh tụng. Chúng ta vẫn nên giữ nguyên mô hình tố tụng thẩm vấn nhưng tiếp thu những cái hay, các yếu tố tích cực của mô hình tranh tụng.
Tại sao?
Truyền thống tố tụng thẩm vấn vốn tồn tại lâu đời ở nước ta, trình độ nhận thức, trình độ tổ chức hệ thống tư pháp của mình chưa đáp ứng được mô hình tố tụng tranh tụng, số lượng, chất lượng đội ngũ luật sư hiện có và trong nhiều năm tới cũng chưa thể đảm nhận tranh tụng cho tất cả bị can, bị cáo... Hoạt động điều tra, kiểm sát của chúng ta còn tách rời, năng lực tranh tụng cũng chưa đáp ứng được.
* Một số ý kiến cho rằng việc đánh giá chứng cứ vẫn thường có thiên hướng nặng về buộc tội. Thực tế tại phiên tòa cũng có điều đó...
Chúng ta đang thực hiện tố tụng hầu như hoàn toàn thẩm vấn. Cơ chế tố tụng là phải có hồ sơ vụ án và hồ sơ buộc tội đã được sàng lọc qua các giai đoạn điều tra, truy tố. Cho nên hầu hết bị cáo bị tòa kết tội, tỉ lệ bị cáo được tuyên vô tội là rất hạn hữu. Người ta thường sợ oan sai nên chứng cứ buộc tội thường nhiều hơn.
Cũng còn những trường hợp thẩm phán quá dựa vào hồ sơ vụ án, chưa phát huy tranh tụng, thậm chí nể nang cơ quan điều tra, viện kiểm sát. Có một số vụ án vì động cơ thành tích hay cá nhân mà bị làm sai lệch hồ sơ dẫn đến buộc tội oan. Để khắc phục vấn đề này, phải sửa đổi trình tự thủ tục tố tụng.
Cần quy định tại giai đoạn điều tra và trong mọi trường hợp hỏi cung, lấy lời khai, kiểm sát viên phải có mặt, phòng hỏi cung có gắn camera giám sát.
Tất cả cuộc hỏi cung đều phải có biên bản và tất cả biên bản phải được đưa vào hồ sơ vụ án. Đồng thời phải tạo điều kiện cho luật sư gặp gỡ thân chủ, có mặt trong các hoạt động tố tụng.
Ngoài ra, cần hạn chế đến mức thấp nhất việc xét xử vắng mặt người tham gia tố tụng, nhất là các nhân chứng quan trọng; đảm bảo sự có mặt của điều tra viên, kiểm sát viên để đối chất tại phiên tòa trong các vụ án mà bị cáo kêu oan, cho rằng bị bức cung, dùng nhục hình...
Các hình thức tố tụng dân chủ này sẽ giúp cho phán quyết của tòa án chính xác, khách quan hơn.
* Nhiều ý kiến cho rằng nên thay thế biện pháp tạm giam bằng các biện pháp khác. Ông nghĩ gì về vấn đề này? - Theo Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành, cứ phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng là bị can, bị cáo bị bắt tạm giam. Hiện nay có xu thế cứ khởi tố là bắt giam. Nên có quy định trường hợp có căn cứ bị can tiếp tục phạm tội, trốn hoặc cản trở tố tụng thì mới tạm giam; không nên lấy loại tội làm căn cứ duy nhất để tạm giam. Nên quy định rõ một số tội không được tạm giam như các tội ít nghiêm trọng không quy định hình phạt tù hoặc phạt tù không quá hai năm. Căn cứ tạm giam phải rõ ràng, không được quy định chung chung. Phải thay thế tạm giam bằng các biện pháp đảm bảo khác như bảo lãnh, giám sát, đặt cọc một số tiền rất lớn để khi cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án cần thì bị can, bị cáo có mặt. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận