Trụ sở Tòa án Liên minh châu Âu - Ảnh: REUTERS
Năm 2017, Ba Lan lập Hội đồng kỷ luật tại Tòa án tối cao. Cơ quan này có quyền kỷ luật thẩm phán, bao gồm cả những người của các tòa án cấp dưới.
Thành phần xét xử của Hội đồng kỷ luật gồm các thẩm phán được Hội đồng Tư pháp quốc gia lựa chọn. Các thành viên của Hội đồng Tư pháp quốc gia lại được Quốc hội lựa chọn, nơi Đảng Pháp luật và công lý (PiS) cầm quyền chiếm đa số.
Theo Hãng thông tấn AP, nhiều thẩm phán Ba Lan lo ngại Hội đồng kỷ luật này là một công cụ để gây áp lực, buộc họ phải đưa ra các phán quyết có lợi cho nhà chức trách.
Chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc của Ba Lan trước đây lập Hội đồng kỷ luật thẩm phán này đồng thời có những động thái mạnh hơn để định hình lại bộ máy tư pháp. Chính phủ thời điểm đó cho biết họ tìm cách cải cách một hệ thống kém hiệu quả và tham nhũng.
Tuy nhiên, chính quyền Ba Lan hiện nay cho biết sẽ bãi bỏ Hội đồng kỷ luật thẩm phán này, như một phần của những cải cách rộng lớn hơn. Tuy nhiên, Warsaw vẫn chưa trình bày kế hoạch chi tiết.
Ba Lan vướng vào một cuộc tranh cãi kéo dài với Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels về việc lập Hội đồng kỷ luật thẩm phán. Brussels cho rằng hội đồng này làm suy yếu tính độc lập của các tòa án.
Cuộc tranh cãi nóng lên vào tháng 7 khi Tòa án Công lý của EU yêu cầu Ba Lan đình chỉ hoạt động của Hội đồng kỷ luật.
Phản ứng với quyết định phạt 1,2 triệu USD/ngày của Tòa án châu Âu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Ba Lan Sebastian Kaleta cho rằng quyết định này mang tính "chiếm đoạt và tống tiền".
Ba Lan và EU bất đồng trong nhiều năm qua về cải cách tư pháp. EU cam kết sẽ mạnh mẽ chống lại những gì họ coi là vi phạm các chuẩn mực dân chủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận