31/08/2017 13:59 GMT+7

Tòa án Brazil ra tay cứu rừng Amazon

MY HÀ
MY HÀ

TTO - Tòa án Brazil vừa đình chỉ sắc lệnh của chính phủ cho phép khai thác tài nguyên ở vùng bảo tồn của rừng Amazon.

Khai thác phi pháp vẫn tiếp tục diễn ra tại Amazon. Ảnh: Al Jazeera
Nan khai thác phi pháp vẫn tiếp tục diễn ra tại Amazon - Ảnh: REUTERS

Đài Al Jazeera ngày 31-8 cho biết quyết định của tòa án Brazil nhằm ngăn chặn nỗ lực của tổng thống Michel Temer trong việc “mở cửa” rừng Amazon để các doanh nghiệp đến khai thác vì mục đích thương mại.

Phán quyết được đưa ra sau chiến dịch vận động mạnh mẽ của các nhà hoạt động môi trường và khí hậu nhằm bảo vệ khu rừng nhiệt đới khổng lồ vốn được mệnh danh là "lá phổi của trái đất" này.

Theo quyết định của tòa án liên bang Brazil, toàn bộ hoạt động giải tỏa vùng Renca sẽ bị đình chỉ. Renca, khu bảo tồn từ năm 1984 nằm ở phía đông rừng Amazon rộng 46.000 km2, là nơi trú ngụ của một số dân tộc thiểu số và còn phần rừng khổng lồ nguyên sinh.

Nơi này cũng rất giàu khoáng sản giá trị như vàng, đồng, sắt, nickel... Hơn 2/3 khu vực Renca nằm trong bang Amapa hiện thuộc diện cấm khai thác. Chỉ 31% diện tích vùng này được mở ra cho nghiên cứu và khai quật, theo báo cáo năm 2010 của chính quyền.

Trong tuyên bố ngày 30-8, thẩm phán Rolando Valcir Spanholo khẳng định tổng thống Temer đã vượt xa giới hạn quyền lực của mình khi đưa ra sắc lệnh cho phép “xóa sổ” khu bảo tồn Renca - quyết định vốn thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Tổng thống Temer khẳng định sắc lệnh ông ký thông qua tuần trước sẽ mở cửa vùng đất Renca giàu khoáng sản và là một phần kế hoạch thúc đẩy nền kinh tế đang suy yếu của Brazil, theo đài Al Jazeera. Bên cạnh đó, chính quyền Brasilia khẳng định những vùng bảo tồn quan trọng và khu dân cư sẽ không bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, quyết định của chính quyền tổng thống Temer bị chỉ trích gay gắt. “Rừng Amazon vô cùng quan trọng đối với khí hậu toàn cầu. Nạn chặt phá rừng chỉ cần ảnh hưởng đến những vùng nhỏ của Amazon đã có thể gây ra tác động kinh hoàng lên khí hậu toàn cầu” - nhà hoạt động Moira Birss, thuộc tổ chức bảo vệ môi trường Amazon Watch, khẳng định.

Các tổ chức hoạt động vì môi trường, người nổi tiếng và nhà thờ có tầm ảnh hưởng lớn ở Brazil thời gian qua đã đấu tranh quyết liệt bảo vệ khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới.

“Áp lực đã có tác dụng. Chúng ta không thể dừng lại được” - tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace đăng tải trên Twitter.

Sau khi bị chỉ trích, tổng thống Temer đã đưa ra thông báo sẽ bảo vệ những vùng đất tự nhiên và các vùng đất hiện đang được bảo tồn.

Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động xã hội khẳng định đây chỉ là chiêu trò xoa dịu dư luận vì dù như vậy thì vẫn còn đến 30% đất đang được phép khai thác.

MY HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên