18/03/2022 11:23 GMT+7

Tòa án Bình Dương xét xử trực tuyến: Bị cáo ra tòa từ trại tạm giam

TUYẾT MAI - ĐAN THUẦN
TUYẾT MAI - ĐAN THUẦN

TTO - Sáng 18-3, lần đầu tiên TAND tỉnh Bình Dương mở phiên tòa xét xử trực tuyến vụ án hình sự tại 2 điểm cầu. Bị cáo tham gia phiên tòa tại trại tạm giam, trong khi hội đồng xét xử và đại điện VKS tham gia phiên tòa tại điểm cầu tòa án.

Tòa án Bình Dương xét xử trực tuyến: Bị cáo ra tòa từ trại tạm giam - Ảnh 1.

Phiên tòa trực tuyến tại điểm cầu trung tâm ở TAND tỉnh Bình Dương - Ảnh: TUYẾT MAI

Theo nội dung vụ án, tối 28-2-2021, do mâu thuẫn cá nhân, Nguyễn Khiêm (22 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) đã dùng mã tấu tự chế gây thương tích cho anh Nguyễn Văn Giàu 30%. Khiêm bị TAND TP Thuận An (tỉnh Bình Dương) tuyên phạt 4 năm tù về tội cố ý gây thương tích.

Để đưa vụ án ra xét xử trực tuyến, TAND tỉnh Bình Dương phối hợp với Công an, Viện KSND tỉnh Bình Dương chọn một số vụ án hình sự có ít người tham gia tố tụng để có thể thực hiện những phiên tòa trực tuyến đầu tiên, trong phạm vi tối đa 3 điểm cầu: trung tâm tại phòng xử án, điểm cơ sở giam giữ và tại trụ sở VKS.

Phiên tòa này sử dụng phần mềm hội nghị truyền hình trực tuyến cài đặt trên máy tính. Dự kiến ngày 23-3, TAND thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương sẽ tổ chức phiên tòa trực tuyến sử dụng thiết bị chuyên dụng không thông qua máy tính.

Video: Tòa án tỉnh Bình Dương xét xử trực tuyến, bị cáo tham gia phiên tòa từ...trại giam

Tòa án Bình Dương xét xử trực tuyến: Bị cáo ra tòa từ trại tạm giam - Ảnh 3.

Bị cáo Nguyễn Khiêm tại đầu cầu trại tạm giam Công an tỉnh Bình Dương - Ảnh: ĐAN THUẦN

Khoảng 7h ngày 18-3, cách điểm cầu trung tâm chừng 10km, công tác chuẩn bị cho buổi xét xử tại điểm cầu trại tạm giam Công an tỉnh Bình Dương diễn ra khẩn trương. 

Ông Ngô Văn Minh, chánh văn phòng TAND tỉnh Bình Dương, có mặt tại trại giam cùng nhân viên kỹ thuật, cán bộ trại giam kiểm tra lại phòng xử, thiết bị, đường truyền... trước khi phiên tòa bắt đầu. 

Trại giam đã bố trí 1 căn phòng khoảng 10m2, được bố trí đầy đủ bàn ghế, bục khai báo của bị cáo cùng hệ thống máy tính, loa, micro và nhiều trang thiết bị kỹ thuật khác. 

Đến khoảng 8h, Nguyễn Khiêm được áp giải từ buồng giam sang phòng xử trực tuyến cách vài trăm mét để tham gia phiên tòa thay vì phải đi đến TAND tỉnh. 

Theo ghi nhận, ngoại trừ trực tuyến thông qua máy tính thì diễn biến phiên tòa không có khác biệt nhiều so với phiên tòa trực tiếp. 

Ông Đặng An Thanh, thẩm phán cao cấp, phó chánh án TAND tỉnh Bình Dương, cho biết dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, một số người tham gia tố tụng vắng mặt khiến cho các phiên tòa bị hoãn nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết án.

Sau khi xét xử thí điểm các phiên tòa hình sự, TAND tỉnh Bình Dương sẽ rút kinh nghiệm để tiến tới thực hiện thí điểm xét xử trực tuyến các phiên tòa hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại.

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM, xét xử trực tuyến là phương thức xét xử mới chưa được quy định trong luật tố tụng. Khi dịch COVID-19 phức tạp, kéo dài, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến của tòa án là phù hợp với xu hướng, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và đảm bảo hoạt động bình thường của các cơ quan tố tụng trong đại dịch. Do đó, tùy theo tình hình thực tế ở từng tỉnh thành mà cơ quan tố tụng xét xử trực tiếp hay trực tuyến.

Khi nào tòa án xét xử trực tuyến?

Theo nghị quyết 33/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, TAND được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, trừ một số trường hợp vụ án liên quan đến bí mật nhà nước, các tội xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.


TUYẾT MAI - ĐAN THUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên