TS Trần Đình Thiên - Ảnh: N.KHÁNH |
Tiến sĩ Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế, cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ Online về cơ quan này và những công việc sắp tới.
* Có điểm gì khác biệt của Tổ tư vấn kinh tế lần này với các tổ/ban trước, thưa ông?
- Điểm khác với các tổ tư vấn trước ở chỗ Tổ tư vấn kinh tế lần này được thành lập bằng một quyết định, có văn bản ký tên đóng dấu chính thức của Thủ tướng trong khi ở các đời thủ tướng trước chưa có sự chính danh đó.
Với quyết định do chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký, Tổ tư vấn kinh tế được xem như một tổ chức có thể chế, vai vế và chức năng hẳn hoi của từng thành viên.
Khác biệt lớn nhất mà tôi thấy được của Tổ tư vấn lần này là giống với Ban tư vấn dưới thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là dù các thành viên là các nhà khoa học, nhưng lần này có nhiều người ở nước ngoài trong khi trước đó chỉ là người trong nước.
Điều này cho thấy ý đồ của việc thành lập tổ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thể hiện cách tiếp cận tư vấn cần được toàn cầu hóa trong điều kiện phát triển hiện nay.
Đấy là chưa kể Chính phủ cũng không giấu việc mong muốn được thêm các lực lượng tư vấn ở khắp nơi trên thế giới về tham gia, giúp ích cho đất nước.
Một điểm đặc biệt khác nữa là giữa Tổ tư vấn và Thủ tướng đã chọn cách đối thoại rất sòng phẳng, bảo đảm tính độc lập của từng thành viên trong ý kiến chuyên môn rất cao.
Thủ tướng “đặt hàng” với chúng tôi, nhưng đổi lại Tổ tư vấn cũng yêu cầu Thủ tướng “đặt hàng” sao cho đúng tầm của Chính phủ, cũng như phù hợp với chức năng chuyên môn để không bị lẫn lộn với các chức năng tư vấn, tham mưu khác đang có ở các bộ, ngành trong cơ cấu của tổ chức Chính phủ hiện hành.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý cơ chế làm việc như vậy.
* Cá nhân ông đánh giá thế nào về cơ chế làm việc này?
- Tôi thấy thoải mái được tiếp cận ở góc độ này, nếu không muốn nói gần như có sự thỏa thuận rất rõ ràng giữa Tổ tư vấn với Thủ tướng về các vấn đề mà Chính phủ cần tư vấn.
Thủ tướng luôn muốn biết Tổ tư vấn đánh giá các vấn đề Chính phủ đặt ra thế nào, có trói buộc hay xung đột gì nhau không, hoàn toàn không phải theo cách làm việc kiểu cấp trên nói với cấp dưới.
Chúng tôi giữ đúng chức năng của người tư vấn là bàn về vấn đề chung của đất nước một cách rất cởi mở, từ việc ngắn hạn cho đến dài hạn thế nào, giúp Thủ tướng việc gì, tham gia các vấn đề gì.
Tôi đánh giá cao cách Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ chuẩn bị các tư liệu, vấn đề cần được Tổ tư vấn đánh giá, góp ý rất cụ thể, rõ ràng, kể cả định hướng giao việc cho Tổ tư vấn sắp tới là gì.
Tôi thấy chủ trương của Chính phủ không yêu cầu Tổ tư vấn theo tính sự vụ, tình thế mà thay vào đó là tư vấn về tầm nhìn chiến lược mang tính nền tảng, gắn với thời lượng trung hạn và dài hạn đối với chiến lược phát triển cho cả nền kinh tế sắp tới.
* Như vậy, "đơn hàng" mà thủ tướng đã đặt cho Tổ tư vấn như thế nào, thưa ông?
- Sau phiên họp đầu tiên của Tổ tư vấn với Thủ tướng, ngoài những việc cần thiết làm cho các tháng cuối còn lại của năm 2017, Thủ tướng đã “đặt hàng” phải giải quyết nhiều vấn đề trong ba năm tới là gì, với một tầm nhìn dài hạn, mà nổi lên nhất là việc đổi mới mô hình tăng trưởng thế nào, tái cơ cấu thể chế nền kinh tế ra sao.
Hay với làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng yêu cầu cần phải giải quyết vấn đề cốt lõi nào, tập trung vào vấn đề trọng yếu gì để thay đổi.
* Cá nhân ông đánh giá như thế nào về những trở lực của Chính phủ lẫn mà Tổ tư vấn quan tâm?
- Riêng góc độ cá nhân, tôi thấy việc cải cách hoạt động của Chính phủ nhằm tháo gỡ các trói buộc về thủ tục hiện hữu đang kiềm hãm tư duy phát triển đất nước cần được tập trung giải quyết.
Sự kìm hãm này đang quá lớn. Nhưng những vấn đề này đang liên quan đến cơ chế phân cấp, phân quyền, phân bổ ngân sách từ trung ương cho đến địa phương và đòi hỏi sự giải quyết từ cấp Quốc hội, Thường trực Chính phủ trở lên.
Với những trói buộc như hiện nay, việc đòi hỏi một Chính phủ kiến tạo hành động ra sao, hoạt động thế nào để tháo cho được các nút thắt này rất cấp bách.
* Những phát biểu của Thủ tướng trong thời gian qua được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Là người tư vấn, ông đề xuất gì để phát triển lực lượng này?
- Tôi rất quan tâm đến chuyện làm sao Chính phủ xây dựng được một chiến lược phát triển cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó tháo gỡ thể chế để phát triển doanh nghiệp một cách độc lập, để doanh nghiệp thật sự được hoạt động trong một môi trường kinh doanh lành mạnh, có sức sống là hết sức cần thiết.
Nếu không, Việt Nam sẽ không thể có, hoặc không thể tạo dựng được một thế hệ doanh nhân, doanh nghiệp vững mạnh, mà vẫn chỉ là các doanh nghiệp “èo uột”, "không chịu lớn” khi cứ phải tiếp cận, hoạt động trong một thể chế bít các lối như hiện nay.
* Đã qua nửa năm nay rồi, giữa những ngổn ngang của "nút thắt", "điểm nghẽn" như ông nói thì "những việc cần làm ngay" của Tổ tư vấn là gì?
- Có nhiều thứ phải làm cho những tháng còn lại của năm, nhưng cũng đừng kỳ vọng là khi Tổ tư vấn đưa ra vấn đề gì là phải được giải quyết ngay vì có những chuyện chúng ta phải chấp nhận thực tế là không thể giải quyết ngay lập tức, mà nó cần phải được giải quyết trong các tháng tiếp theo của năm.
Chẳng hạn để tháo gỡ giải tỏa cho vấn đề giải ngân còn chậm, chúng ta bắt buộc phải thực hiện tiếp tục, nhưng cũng không thể đi theo hướng là phải giải ngân cho hết trong năm nay.
Hay vấn đề chậm cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Không thể đùng một phát là cổ phần hóa ngay lập tức các doanh nghiệp nhà nước được trong năm nay.
Nhưng các vấn đề cộm cán về sự “ì ạch” này phải là những câu chuyện thật, những vấn đề thật, với những vướng mắc còn tồn đọng đã nằm ở đâu, do ai quản lý, thể chế gì ràng buộc thì phải được đặt ra để giải quyết ngay từ bây giờ cho đến các năm sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận