16/06/2019 10:23 GMT+7

Tò mò xem người Pháp nói về hội kín An Nam

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Rất đông bạn đọc trẻ đến dự buổi giao lưu với hai dịch giả Nguyễn Thanh Xuân và Phan Tín Dụng vào chiều 15-6 nhân buổi ra mắt hai tác phẩm: Tâm lý dân tộc An Nam và Hội kín xứ An Nam.

Tò mò xem người Pháp nói về hội kín An Nam - Ảnh 1.

Rất đông bạn trẻ ngồi đến cuối buổi giao lưu để nghe trao đổi về sách của người Pháp viết về người Việt Nam - Ảnh: L.ĐIỀN

Cả hai quyển sách đều của tác giả người Pháp. Tâm lý dân tộc An Nam - đặc điểm quốc gia; sự tiến hóa lịch sử; trí tuệ, xã hội và chính trị (Psychologie du peuple Annamite - viết vắn tắt là Tâm lý dân tộc An Nam) của Paul Giran xuất bản năm 1904, Hội kín xứ An Nam (Les sociétés secrètes en terre d’Annam) của Georges Coulet xuất bản năm 1926, đều là cái nhìn về xã hội và con người Việt Nam thời bấy giờ qua lăng kính người Pháp - cụ thể là những nhà cai trị tại thuộc địa.

Theo dịch giả Phan Tín Dụng, đây là những tác giả thuộc thế hệ người phương Tây thứ hai sau các giáo sĩ thừa sai đến vùng Viễn Đông, họ ghi chép những điều họ chứng kiến, có tài liệu trong tay, và bằng một phương pháp lịch sử mới khác hẳn lối viết sử biên niên của chúng ta từ trước. 

Trong đó, Tâm lý dân tộc An Nam được Paul Giran viết khi vừa tốt nghiệp Trường Thuộc địa và nhận nhiệm sở tại Đông Dương. Cái nhìn của một quan cai trị đối với dân tộc đang bị đô hộ mang ít nhiều phiến diện. Nói như dịch giả Phan Tín Dụng, cứ xem đây là một quyển kiểu "người An Nam xấu xí" để khỏi khó chịu khi đọc, bởi "dường như tác giả đã bị sốc nhiều khi tiếp xúc với dân tộc An Nam lúc bấy giờ".

Còn Hội kín xứ An Nam lại là một công trình thú vị khác, không đi vào đời sống tâm lý cá tính của người An Nam mà tập trung nghiên cứu sự nảy sinh, phát triển, tác động của các hội kín tại Việt Nam, đặt trong diễn trình các hội kín của Trung Quốc và trong khu vực. 

Georges Coulet - tiến sĩ văn chương, từng dạy Trường Pétrus Ký ở Sài Gòn - đã tỏ ra rất am hiểu đời sống tinh thần của người An Nam xét trong góc độ kết nối quần thể trên nền tảng tín ngưỡng. Chính điều đó hình thành một hiện tượng xã hội là hội kín, với sự dẫn dắt của hầu hết là các ông đạo - những người thu phục quần chúng bằng các khả năng mang màu sắc siêu nhiên, tâm linh và xuất thế gian.

Có mặt tại buổi giao lưu, TS Bùi Trân Phượng cho rằng cả hai tác phẩm này đều là những tài liệu quan trọng, trước hết cho giới nghiên cứu sử. Và theo bà, lẽ ra Việt Nam nên dịch tác công trình loại này từ sau 1945 mới phải. 

Tuy nhiên, quan điểm của tác giả, cách nhìn, kể cả tư tưởng và những nhận định cần đặt trong diễn tiến nhận thức của giới quan lại mẫu quốc đối với thuộc địa... Vì vậy, sách cần thiết phải có một lời giới thiệu kỹ với những lưu ý chi tiết để tránh hoang mang cho bạn đọc, nhất là bạn đọc tuổi 20.

Đây cũng chính là điều quan tâm khiến nhiều bạn đọc đến dự giao lưu, nhiệt tình đặt câu hỏi và ngồi kín khán phòng đến tận phút chót.

Tò mò xem người Pháp nói về hội kín An Nam - Ảnh 2.

Hai quyển sách vừa phát hành trên cả nước - Ảnh: L.ĐIỀN

Nam Kỳ viễn chinh ký 1861: cuộc chinh phạt trong mắt đại úy Pháp

TTO - Bạn đọc yêu lịch sử vừa có cuộc tọa đàm thú vị tại Đường Sách TP.HCM với hai nhà nghiên cứu Lê Nguyễn và Trần Nam Tiến vào chiều muộn ngày 12-5 xoay quanh quyển sách 'Nam Kỳ viễn chinh ký 1861'.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên