Quầy trái cây tại một khu chợ ở thủ đô Mexico City, Mexico - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, tháng 2 vừa qua chỉ số FFPI là 140,7 điểm, tăng 3,9% so với tháng 1 và tăng 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo FAO, đây cũng là mức chỉ số cao nhất từ trước tới nay, cao hơn 3,1 điểm so với kỷ lục trước đó được ghi nhận vào tháng 2-2011.
FFPI là chỉ số FAO dùng để theo dõi giá quốc tế theo tháng của một số mặt hàng.
Giá lương thực cao hơn góp phần làm tăng lạm phát trên diện rộng khi các nền kinh tế đang phục hồi sau cuộc khủng hoảng COVID-19.
FAO cũng cảnh báo giá lương thực cao hơn đang khiến người dân nghèo gặp khó khăn hơn ở các nước phụ thuộc vào nhập khẩu.
Theo FAO, FFPI tháng 2 tăng chủ yếu là do các sản phẩm từ sữa và dầu thực vật tăng giá. Giá ngũ cốc và thịt cũng tăng trong khi giá đường giảm trong tháng thứ ba liên tiếp.
Tháng 2, chỉ số giá dầu thực vật của FAO đạt 201,7 điểm, tăng 8,5% so với tháng trước và là mức tăng kỷ lục mới, theo FAO. Trong khi đó, chỉ số giá các sản phẩm từ sữa tháng 2 cũng tăng 6,4% so với tháng 1, và là mức tăng liên tiếp trong 6 tháng qua.
Theo Reuters, dữ liệu cho báo cáo FFPI tháng 2 gần như được tổng hợp trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo giao tranh kéo dài có thể tác động lớn đến xuất khẩu ngũ cốc ở khu vực Biển Đen.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận