Họp báo công bố hội chọi trâu 2015 lần đầu được tổ chức tại tỉnh Bắc Ninh |
Theo Ban tổ chức cho biết, hội chọi trâu Phú Sơn, Bắc Ninh 2015 diễn ra vào ngày 2 và 3-3 với sự tham dự của 24 ông trâu đến từ các tổ chức, cá nhân đến từ nhiều địa phương trong cả nước.
Tiêu chuẩn các trâu chọi là có độ tuổi từ 8-15 tuổi, có đường vành đai ngực đạt từ 200cm trở lên, đáp ứng đủ các tiêu chí về trâu chọi.
Trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề giết thịt trâu ngay sau hội chọi trâu, từ những năm trước đã được báo chí, và dư luận lên tiếng vì cho rằng đó là hành động “phản cảm”, ông Lưu Quang Định, Tổng biên tập báo Nông Thôn Ngày Nay, trưởng ban tổ chức hội chọi trâu Phú Sơn, Bắc Ninh 2015 thừa nhận rằng việc buôn bán, giết thịt trâu là điều “nhạy cảm” nhất khi tổ chức hội chọi trâu.
“Việc giết trâu ngay sau hội chọi trâu không phải là chủ trương của Ban tổ chức chúng tôi. Chúng tôi không tổ chức giết trâu. Nhưng trâu chọi không phải là sở hữu của Ban tổ chức, mà là tài sản của chủ trâu.
Hơn nữa trâu bây giờ không còn thuần túy nuôi để lấy sức kéo nữa, vì việc cày cấy ở nước ta đã được cơ giới hóa. Nên việc nuôi trâu bây giờ chủ yếu để giết thịt, làm thực phẩm. Trong ngày hội chọi trâu, dù chúng tôi không có chủ trương nhưng các chủ trâu vẫn tự động giết, mổ. Đó là quyền của họ, chúng tôi cấm cũng không được.
Nhiệm vụ của BTC chúng tôi là tổ chức việc giết, mổ trâu cho sạch sẽ, an toàn và kín đáo”.
Ông Lưu Quang Định cho biết nếu không giết ở hội chọi trâu thì chủ trâu sẽ giết, mổ trâu ở nơi khác, và nếu không có hội chọi trâu thì trâu vẫn bị thịt.
Dù vậy, BTC cũng cam kết sẽ kiểm soát giá thịt trâu và không cho mang thịt trâu ở ngoài vào bán trà trộn với thịt trâu chọi.
Ông Định cũng khẳng định rằng, trước hội chọi trâu Bắc Ninh 2015, các chủ trâu cam kết sẽ không giết thịt “ông trâu” vô địch như mọi năm, mà sẽ tiếp tục chăm sóc để “ông trâu” này tham dự lễ hội chọi trâu tại Phúc Thọ, Hà Nội (cũng do báo Nông Thôn Ngày Nay tổ chức) sau đó 10 ngày.
Trả lời câu hỏi của báo chí, vì sao Bắc Ninh là địa phương mới được dư luận quan tâm, ồn ào vì có lễ hội chém lợn Ném Thượng, mà năm nay lại quyết định tổ chức hội chọi trâu ở tỉnh này, dù trước đây, địa phương này không có truyền thống tổ chức chọi trâu? Ông Lê Đắc Thuật, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Bắc Ninh, nhấn mạnh rằng, đây là “hội chọi trâu” chứ không phải “lễ hội chọi trâu”.
Ông Thuật phát biểu: “Việc tổ chức hội chọi trâu ở Bắc Ninh là để tỉnh có cơ hội thu hút thêm một lượng khách hiếu kỳ đến, đồng thời quảng bá hình ảnh Bắc Ninh với công chúng. Còn một số quan điểm cho rằng hội chọi trâu là phản cảm, vì trâu đánh nhau có thể phải đổ máu, nhưng đấy chỉ là quan niệm của từng người, bởi có người sợ chảy máu, có người thích chảy máu. Chứ không phải cứ chọi trâu là phản cảm”.
Chiều cùng ngày, trao đổi với chúng tôi về việc mở rộng lễ hội chọi trâu ra nhiều địa phương ở miền Bắc hiện nay, ông Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch khẳng định:
“Bộ VH-TT&DL không bao giờ khuyến khích việc nhân rộng những lễ hội như chọi trâu. Bộ không đồng tình với cách hành xử trong lễ hội chọi trâu, dù trâu thắng hay thua đều bị mang ra làm thịt, trâu thắng thì bán được đắt hơn và nhiều người mua hơn. Con vật, cây cối cũng có đời sống riêng của nó vậy tại sao con người lại tiêu khiển trên nỗi đau của con vật?”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận