Các em nhỏ hào hứng chuẩn bị tham gia một chương trình văn nghệ chào mừng Ngày quốc tế thiếu nhi tại Nhà Thiếu nhi TP, Q.3, TP.HCM (ảnh chụp chiều 31-5) - Ảnh: DUYÊN PHAN
Các hoạt động bao gồm những gì? Chị Phan Thị Thanh Phương - phó bí thư Thành đoàn TP.HCM, phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo hoạt động hè TP.HCM 2019 - cho biết:
- Lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo đảm bảo tổ chức hoạt động hè cho đầy đủ các em, từ học sinh các cấp đến trẻ sinh hoạt tại các câu lạc bộ, mái ấm, nhà mở, cơ sở bảo trợ xã hội, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, con em chiến sĩ đang công tác ở vùng biển, đảo... Trong chuỗi hoạt động hè sẽ có giáo dục truyền thống, đạo đức lối sống, an toàn giao thông, trang bị kỹ năng, tạo sân chơi lành mạnh và đặc biệt nhấn mạnh đến công tác bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em, xây dựng thói quen bảo vệ môi trường cho trẻ.
Chị Phan Thị Thanh Phương - Ảnh: Q.L.
Dành cho trẻ điều tốt nhất
* Một trong những vấn đề rất được quan tâm hiện nay là làm sao trẻ phải được bảo vệ tốt nhất, giúp trẻ phòng chống trước các nguy cơ có thể gặp phải trong hè. Điều này được chú trọng như thế nào?
- Nội dung này được chỉ đạo rất sát khi thiết kế chuỗi hoạt động hè, đặc biệt việc phòng chống xâm hại trẻ em được quan tâm nhất và sẽ không chỉ là những buổi tập huấn chung chung mà trẻ không kịp nhớ gì. Chúng tôi phối hợp với các chuyên gia tâm lý, hội phụ nữ, phía công an chuẩn bị phương thức, tài liệu với nội dung được thiết kế phù hợp lứa tuổi, theo từng khung thời gian dài ngắn khác nhau. Những điều này được thực hiện xuống phường, xã để việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ được bài bản, gần gũi, dễ nhớ.
Thành đoàn sẽ phối hợp cùng Hội Liên hiệp phụ nữ và Công an TP.HCM trực tiếp thực hiện 12 chương trình phòng chống xâm hại cho trẻ tại các khu lưu trú công nhân do đây là đối tượng trẻ dễ bị tổn thương, cần được quan tâm hơn. Chúng tôi đầu tư các sản phẩm tuyên truyền về nội dung này, phối hợp với lực lượng công an giúp trang bị một số thế võ tự vệ để trẻ có thể ứng dụng được ngay.
Ngoài ra, phụ huynh cũng nên được trang bị kiến thức cơ bản về việc phòng chống xâm hại cùng các con. Dưới góc độ tâm lý, khi chẳng may có sự việc xảy ra, thái độ của phụ huynh đối với con sẽ ảnh hưởng đến nhiều thứ diễn ra sau đó khi giải quyết sự việc.
* Còn việc dạy bơi, phòng chống đuối nước thì sao? Thời gian vừa qua có rất nhiều trẻ chết đuối.
- Riêng việc dạy bơi, phòng chống đuối nước đã có chương trình riêng được lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo một đơn vị chuyên môn thực hiện xuyên suốt chứ không chỉ dịp hè. Trẻ sẽ được huấn luyện, kiểm tra năng lực bơi sau quá trình học để đảm bảo biết bơi, có kỹ năng phòng chống đuối nước chứ không chỉ học cho biết.
Trẻ em vui chơi tại công viên nước Hồ Tây, Hà Nội ngay sau khi kết thúc năm học - Ảnh: HÀ THANH
Dạy trẻ thói quen hữu ích
* Chúng ta đã nói nhiều đến xây dựng ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ, quan điểm của chị về điều này?
- Sẽ có 50 buổi chiếu phim tìm hiểu về môi trường cùng các hoạt động giúp trẻ ý thức trước vấn đề môi trường. Nhưng theo tôi, với lứa tuổi thiếu nhi, điều quan trọng nhất là tập cho trẻ hình thành thói quen, trước hết là không xả rác bừa bãi. Nghĩa là khi có rác, các em biết bỏ vào thùng rác hoặc khi tham dự một sự kiện, đến một nơi nào đó trước khi đứng lên ra về trẻ biết tự giác dọn sạch, không để lại bất kỳ loại rác nào. Kế đến tạo thói quen khi thấy rác là nhặt ngay và cho vào nơi chứa rác. Các ngày hội "Thành phố của em - thành phố màu xanh" không ngoài mục tiêu giúp tạo thói quen ấy cho trẻ.
* Đây sẽ là năm đầu tiên thực hiện nhà vệ sinh sạch cho học sinh tại trường học?
- Trước mắt chúng tôi đang khảo sát, dự tính cải tạo không gian nhà vệ sinh tại năm trường học còn khó khăn. Theo đó, sẽ phối hợp cùng nhà trường sơn sửa lại, trang trí thêm cây xanh để nhà vệ sinh không còn trở thành nỗi sợ mà phải là nơi giúp các em thấy thoải mái nhất khi sử dụng ở trường học.
Ngoài nhà vệ sinh, chúng tôi đã làm việc với một số chủ nhà trong vài khu lưu trú công nhân, tận dụng khoảng đất trống tại chỗ để thực hiện sân chơi, lắp đặt một số dụng cụ trò chơi tặng cho con em công nhân, thiếu nhi tại những nơi này.
Đồ họa: N.KH.
40.000 & 47.000
Là dự toán kinh phí sinh hoạt hè dành cho thiếu nhi được UBND TP.HCM quyết định trong kế hoạch hoạt động hè 2019. Trong đó, thiếu nhi ở các quận là 40.000 đồng/em, với thiếu nhi các huyện sẽ là 47.000 đồng/em. Nguồn kinh phí này được chi trong chỉ tiêu ngân sách giao năm 2019 và vận động từ các nguồn lực xã hội.
Riêng các lớp bồi dưỡng kiến thức, dạy năng khiếu, ngoại ngữ, sân chơi thể thao cho trẻ em tại các khu lưu trú văn hóa trên địa bàn, TP giao các quận, huyện bố trí ngân sách để tổ chức.
Nâng cao trách nhiệm gia đình, xã hội
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Lê Thanh Liêm - phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM - cho biết khi tổ chức sinh hoạt hè, lãnh đạo TP.HCM lưu ý các địa phương, đơn vị cần tập trung chọn những hoạt động bổ ích, lành mạnh, thiết thực và quan trọng nhất là phải đảm bảo tính an toàn cho các em, tạo điều kiện để các em trau dồi thêm kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, được giao lưu, học hỏi, bổ sung kiến thức ngoài những gì đã được học trong nhà trường.
Việc tham gia sinh hoạt hè cũng là dịp giúp các em nâng cao tính chủ động, tự tin, tích cực hơn với các hoạt động xã hội. Từ đó, các em có thể phát huy những tiềm năng của bản thân, có động lực tránh xa những trò chơi bạo lực, không lành mạnh, tệ nạn xã hội.
Ngoài ra, đây cũng là dịp để nâng cao trách nhiệm của gia đình, xã hội đối với việc chăm sóc, giáo dục và quản lý học sinh trong dịp hè. Chủ trương của TP.HCM là phải có sự quan tâm đều khắp đến mọi học sinh, thiếu niên, nhi đồng, kể cả học sinh ở các trường chuyên biệt, học sinh khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn... để tất cả các em đều có được những ngày hè vui tươi, bổ ích, đáng nhớ.
4 hoạt động hè cao điểm tại TP.HCM
* Hoạt động "Vì đàn em" từ ngày 1 đến 4-6.
* Hoạt động "Thiếu nhi với môi trường" từ ngày 5 đến 9-6.
* Hoạt động "Thiếu nhi uống nước nhớ nguồn" từ ngày 25 đến 28-7.
* Hoạt động "Vì người bạn ngoại thành" từ ngày 1 đến 4-8.
MAI HƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận