Chiều 22-4, Cục Đường bộ Việt Nam đã có buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác đảm bảo an toàn giao thông các quốc lộ qua tỉnh và phân luồng tổ chức giao thông tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn chỉ mới khai thác tạm
Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Sáu - phó giám đốc Ban quản lý đường Hồ Chí Minh - cho biết đối với đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội đồng nghiệm thu nhà nước mới chỉ tiến hành nghiệm thu có điều kiện để đưa vào khai thác tạm.
Ông Sáu nhìn nhận cao tốc Cam Lộ - La Sơn cần đầu tư đủ 4 làn xe và đáp ứng quy chuẩn đường cao tốc là giải pháp lâu dài, chủ yếu cần thực hiện sớm.
Theo đại diện của Cục Đường bộ Việt Nam, với quy mô 2 làn xe cơ giới, bề rộng mặt đường không có dải phân cách giữa tuyến qua khu vực đồi núi nên sau thời gian đưa vào khai thác, tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã bộc lộ nhiều bất cập.
"Tuy nhiên nếu người tham gia giao thông tuân thủ quy tắc tham gia giao thông theo phương án tổ chức giao thông như đi đúng tốc độ, đúng phần đường, giữ đúng khoảng cách an toàn, chú ý quan sát thì hạn chế được rất nhiều tai nạn giao thông xảy ra", đại diện Cục Đường bộ Việt Nam nói.
Cũng theo vị đại diện Cục Đường bộ Việt Nam, dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt "phương án tổ chức giao thông tạm thời".
Do đó việc phân luồng điều tiết giao thông xe tải trên 6 trục, xe khách trên 30 chỗ từ tuyến Cam Lộ - La Sơn sang các tuyến khác như quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây) và một số tuyến khác nhằm đảm bảo lưu lượng xe chạy trên tuyến không quá tải, dễ dẫn đến ùn tắc giao thông, đặc biệt trong trường hợp trên tuyến đường xảy ra tai nạn.
Đề nghị quan tâm nhiều vấn đề dân sinh khi mở rộng cao tốc
Ông Hoàng Hải Minh, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết sau khi có quyết định phân luồng giao thông của Bộ Giao thông vận tải trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, tỉnh đã chấp hành nghiêm túc.
Sắp tới thực hiện dự án mở rộng cao tốc này, ông Minh đề nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu kỹ việc hoàn trả các đường công vụ, cầu chui dân sinh, có biện pháp gia cố mái ta luy nền đường, xây dựng trạm dừng nghỉ, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, các trạm phát sóng viễn thông, hệ thống camera giám sát…
"Cần xem xét các điểm thường xuyên sạt lở trên tuyến cao tốc để có phương án di dời và giải phóng mặt bằng, đảm bảo an toàn cho đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án", ông Minh nói.
Ông Nguyễn Xuân Cường, cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, cho biết trước tình hình trên, đề nghị Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, sớm thực hiện giai đoạn 2 đầu tư theo quy mô hoàn chỉnh 4 làn xe trên tuyến cao tốc này.
Ông Cường cũng cho biết trong quá trình khai thác, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ theo dõi sát diễn biến tổ chức giao thông trên tuyến để phát hiện và xử lý kịp thời các bất cập phát sinh, đồng thời điều chỉnh, bổ sung phương án tổ chức giao thông khi cần thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận