16/04/2015 16:00 GMT+7

"Tổ chức chính quyền Ba Đình phải khác Mường Tè"

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Trần Du Lịch đề nghị nghiên cứu tiến tới chính quyền địa phương chỉ có hai cấp thay vì ba cấp như hiện nay.

Đại biểu Trần Du Lịch - Ảnh: Lê Kiên 

“Chính quyền địa phương thống nhất chứ không nên đồng nhất. Một quận như Ba Đình (Hà Nội) mà tổ chức chính quyền không khác gì huyện Mường Tè (Lai Châu) thì không thể được” - ông Lịch bày tỏ quan điểm tại buổi thảo luận về dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương sáng 16-4.

Đề xuất dân bầu trực tiếp chủ tịch phường

Dự thảo luật đưa ra hai phương án về tổ chức chính quyền địa phương.

Theo đó, phương án 1 quy định tất cả đơn vị hành chính đều có chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND), kèm theo một số quy định đặc thù để phân biệt chính quyền ở đô thị và chính quyền ở nông thôn, hải đảo.

“Ở TP trực thuộc trung ương thành lập thêm Ban đô thị của HĐND để chịu trách nhiệm về quy hoạch đô thị, phát triển giao thông, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, môi trường, tổ chức cung cấp dịch vụ công trên địa bàn nội đô” - báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay.

Theo phương án 2, các đơn vị hành chính như tỉnh, TP trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh, TP thuộc TP trực thuộc trung ương, xã, thị trấn đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND).

Riêng ở phường do đặc điểm đô thị, không tổ chức cấp chính quyền địa phương, chỉ tổ chức UBND để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường.

Đối với phương án 2, chủ tịch UBND phường sẽ do cử tri bầu trực tiếp hoặc chủ tịch UBND cấp trên bổ nhiệm.

Muốn đổi mới thì phải thay đổi

Tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách (có sự tham gia của đại biểu HĐND các tỉnh, thành) sáng nay, đa số ý kiến ủng hộ phương án 1.

“Chính quyền của dân, do dân, vì dân thì phải do dân bầu ra người đại diện cho mình ở tất cả các cấp chính quyền. Chính quyền do dân lập ra chứ không phải do cấp trên ấn định xuống” - Phó chủ tịch HĐND TP Hải Phòng Nguyễn Đình Bích bày tỏ.

Ông Bích cho biết sau khi Hải Phòng thí điểm bỏ HĐND quận, huyện, phường như chín địa phương khác, nhiều bà con cử tri gặp ông nói rằng trước đây có HĐND thì bà con chúng tôi có tâm tư, kiến nghị gì thì được gặp đại biểu của mình để bày tỏ kiến nghị.

Bây giờ bỏ HĐND không biết bày tỏ ở đâu, ai giải quyết?

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nói rằng hiện nay chủ trương là thí điểm chính quyền đô thị, nhưng đại biểu và nhân dân không đủ thông tin để đánh giá, việc tiếp cận vẫn còn rất nhiều vấn đề. Đây là lý do khiến nhiều ý kiến lựa chọn phương án 1.

Là đại biểu của một trong những địa phương quyết liệt đề nghị thí điểm mô hình chính quyền đô thị, ông Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng mâu thuẫn hiện nay là chúng ta muốn đổi mới nhưng lại không dám đảo lộn, không dám thay đổi.

“Ta cứ bàn để hay bỏ HĐND, nếu giữ hệ thống như hiện nay thì bỏ để làm gì? Nếu muốn thay đổi chức năng nhiệm vụ, tinh gọn bộ máy lại thì mới bàn. Tôi tiếp tục đề nghị chúng ta nên mạnh dạn, Hiến pháp mở, chúng ta nên tiến tới tổ chức chính quyền địa phương hai cấp hoàn chỉnh: tỉnh và cơ sở” - ông Lịch đề nghị.

Theo ông, cần có thời gian chuyển tiếp để làm việc này trong khoảng năm năm, chuyển từ chính quyền địa phương ba cấp xuống hai cấp.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên