Cháo huyết quán cô Hồng được đựng trong chiếc tô kiểu lâu đời, cùng chiếc muỗng rất đặc biệt và khó tìm. Tô cháo được bưng ra phục vụ thực khách còn nghi ngút khói. Cứ thế, người ta cứ trộn đều huyết heo, giá và giò chéo quẩy lại với cháo, rồi đưa muỗng lên ăn ngon lành trong cái tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm ở Sài Gòn.
Khách đến tiệm cháo không tên này vốn thường là khách quen, cứ gọi số lượng tô rồi ngay tức thì sẽ được phục vụ, kèm một phần giò chéo quẩy và lát chanh. Ai cũng như ai đều ngồi ăn trên chiếc ghế nhỏ. Còn bàn? Chỉ đơn giản là một chiếc ghế cùng loại, được đặt đối diện trước mặt. Thoạt nhìn cứ như khung cảnh của một vùng quê nào đó, chứ không ai nghĩ đang ở Sài Gòn.
Cô Phan Thị Thu Hồng (52 tuổi, Q.4, TP.HCM) cho biết cô bán cháo ở đây cũng đã hơn 40 năm, từ thời của mẹ bán cháo huyết nên học nghề từ mẹ truyền lại đến giờ.
“Tôi dậy từ 2h sáng chuẩn bị, đến 5h ra bán tầm chưa đến 9h là hết cháo. Thời gian đầu bán giá vài trăm đồng, tăng lên 1.000 đồng rồi 2.000 đồng và giờ là 5.000 đồng. Khách thì đủ thành phần, từ trẻ nhỏ đến người lớn đều có đủ.
Tôi bán giá này thấy mình kiếm cơm ăn được rồi, không có tăng nữa, để giá vậy bán ào ào khách họ tới kiếm mình. Ngoài ra, người khó khăn cũng có thể ghé ăn được. Nhiều người đi làm không có nhiều tiền, bỏ 5.000 đồng ra ăn một tô cũng được bữa no rồi!”.
Bạn Nguyễn Thị Thùy Mây (Q.6, TP.HCM) chia sẻ: “Mình biết đến quán qua các trang giới thiệu về ẩm thực nên qua dùng thử, ăn cũng lâu tới bây giờ luôn, giá cả quá rẻ luôn và chất cháo ở đây ngọt nước hơn, và không khí thấy giống hồi xưa hơn. Mình hay gọi thêm ăn chừng nào đã thì thôi”.
Anh Vu Thuận Triều (Quận 8, TP.HCM) bộc bạch: “Tuần nào tôi cũng dẫn con ghé ăn 1 lần, giá thì quá rẻ, cái mùi vị ở đây đậm đà và khác so với các quán khác. Một mình tôi ăn 4 đến 5 tô, có lúc đi trễ là hết luôn. Hôm bữa qua còn đúng 4 tô, 2 vợ chồng và 2 đứa con thôi”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận