23/11/2016 08:54 GMT+7

Tố cáo không đúng coi chừng mang vạ

UYÊN TRINH
UYÊN TRINH

TTO - Gần đây, nhiều video clip phản ánh tiêu cực hoặc những điều trái tai gai mắt được tung lên mạng. Chúng tức thì gây ra hiệu ứng bức xúc trong dư luận.

minh hoa 18

Nhiều trường hợp cơ quan điều tra phải vào cuộc.

Trong những trường hợp này thì người quay và phát tán clip lên mạng đứng ở ranh giới tố cáo, tố giác hành vi vi phạm pháp luật hoặc tùy tiện xâm phạm danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức. Vậy phải làm sao cho đúng?

Bêu riếu khác tố cáo

Theo luật, tố cáo là quyền của công dân theo thủ tục luật định khi phát hiện cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thì phải báo cho cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý.

Theo luật sư Đoàn Trọng Nghĩa, điều 9 Luật tố cáo năm 2011 quy định việc phát tán clip lên mạng nhằm tố cáo hành vi vi phạm của người trong clip mà không được gửi đến cơ quan chức năng có thẩm quyền thì việc đăng tải các clip này không được xem là hành vi tố cáo.

“Trường hợp này, clip chỉ được xem là nguồn thông tin tham khảo, từ đó mới thu thập tài liệu, các chứng cứ để xác minh nội dung trong clip. Qua đó, nếu đủ cơ sở khẳng định clip không cắt ghép, tráo hình, chỉnh sửa thì clip đó được xem là chứng cứ quan trọng để kết tội người có hành vi phạm tội” - luật sư Nghĩa nói.

Luật sư Hứa Thị Thảo bổ sung: “Trong đơn tố cáo phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo; nội dung tố cáo kèm tài liệu liên quan tới nội dung tố cáo. Đồng thời việc tố cáo đó phải được cơ quan có thẩm quyền ghi nhận bằng biên bản”.

Còn theo luật sư Huỳnh Văn Nông, nếu cơ quan tiếp nhận đơn tố cáo không đúng thẩm quyền thì phải có trách nhiệm hướng dẫn người tố cáo gửi cơ quan có trách nhiệm, đúng thẩm quyền giải quyết vụ việc đó.

Coi chừng mang vạ

Theo luật sư Huỳnh Văn Nông, nếu tùy tiện tung clip về người khác lên mạng có thể vi phạm bí mật đời tư, xâm phạm quyền riêng tư của người khác. Người tung clip có thể bị kiện, bị xử phạt và có thể đi tù vì tội xâm phạm danh dự, nhân phẩm người khác.

Luật sư Đoàn Trọng Nghĩa khẳng định: “Phát tán clip hình ảnh của người khác lên mạng là hành vi xâm phạm đời tư theo Bộ luật dân sự. Người phát tán clip phải chịu trách nhiệm dân sự và phải bồi thường, xin lỗi, cải chính công khai theo Bộ luật dân sự”.

Ngoài trách nhiệm dân sự thì việc phát tán hình ảnh, clip gây hậu quả nghiêm trọng có thể xử lý hình sự vì tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet theo điều 226 Bộ luật hình sự (BLHS).

Luật sư Nghĩa phân tích thêm: đối với những clip đánh ghen, mang yếu tố nhạy cảm, phản cảm thì người phát tán lên mạng có dấu hiệu của hành vi xâm phạm danh dự, uy tín người khác, có thể phạm vào tội làm nhục người khác được quy định tại điều 121 BLHS.

Còn đối với việc phát tán những clip, hình ảnh nhạy cảm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy được quy định tại điều 253 BLHS.

Với những hành vi phát tán hình ảnh của người khác lên mạng nhằm mục đích tống tiền, chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu hình sự tội cưỡng đoạt tài sản được quy định tại điều 135 BLHS.

Người đưa thông tin clip lên mạng chưa gây hậu quả nghiêm trọng vẫn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 triệu tới 20 triệu đồng được quy định tại điểm g, khoản 3, điều 66 nghị định 174/2013.

Các chuyên gia pháp lý cho rằng hiện nay pháp luật chưa quy định như thế nào là hậu quả nghiêm trọng, chủ yếu phụ thuộc vào ý chí, nhận định của cơ quan tố tụng.

Do đó cần xem xét kỹ về động cơ, mục đích của người phát tán để có biện pháp xử lý phù hợp, tuy nhiên còn phụ thuộc phía bị hại có yêu cầu xử lý hay không về tội làm nhục.

Tố cáo sao cho đúng?

“Khi phát hiện sai phạm thì cần thu thập chứng cứ, làm đơn kèm chứng cứ như clip, đoạn ghi âm... liên quan gửi đến cơ quan đúng thẩm quyền. Như vậy vừa đúng quy định của pháp luật về khiếu nại tố cáo, vừa để cơ quan chức năng điều tra, xử lý, đảm bảo tính bí mật và hiệu quả cao” - luật sư Huỳnh Văn Nông hướng dẫn.

Luật sư Hứa Thị Thảo lưu ý: “Các cá nhân, tổ chức trước khi đưa thông tin, hình ảnh, video clip lên các trang mạng xã hội cần cân nhắc thật kỹ.

Phải ý thức trách nhiệm của mình, sử dụng từ ngữ sao cho phù hợp văn hóa, đạo đức; không thêm thắt từ ngữ gây sốc, phản cảm, trái thuần phong mỹ tục. Vì nếu thông tin, hình ảnh đưa lên mạng tùy tiện có thể vi phạm pháp luật”.

Luật sư Đoàn Trọng Nghĩa nói: “Khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, nếu không hiểu luật thì nên tới văn phòng luật sư, các cơ quan pháp luật như tòa soạn báo, trung tâm trợ giúp pháp lý, hội luật gia để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể để việc tố cáo không gây hậu quả cho chính bản thân mình.

Bản chất là tố cáo sai phạm, nhưng làm không đúng thủ tục mà pháp luật quy định thì chính mình lại vi phạm pháp luật”.

Đúng quy trình thì... không hiệu quả

“Tôi từng gửi đơn tố cáo rất nhiều lần nhưng đến nay đơn vẫn chưa được giải quyết, trong khi tôi thấy những clip sai phạm đăng lên Facebook thì được xử lý ngay” - ông H. (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bức xúc.

Về vấn đề này, luật sư Thảo cho biết chính việc xử lý chậm trễ của cơ quan có thẩm quyền nên người dân bức xúc, phẫn nộ, vì thế mới tung clip tràn lan như hiện nay.

“Khi clip được tung lên mạng, dư luận bức xúc, báo chí truyền tải, đặt ra yêu cầu cơ quan có thẩm quyền vào cuộc điều tra. Hầu hết được giải quyết, xử lý nhanh, triệt để. Xét về mặt pháp lý là sai, không phù hợp đạo đức nhưng hiệu quả cao hơn rất nhiều” - luật sư Thảo nói.

Cũng theo luật sư Thảo, để tránh việc thông tin tố cáo bị “ém”, người tố cáo nên gửi nhiều nơi, nhiều cơ quan có thẩm quyền, các ban ngành đoàn thể.

Theo quy định của Luật tố cáo, thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày; đối với vụ việc phức tạp, thời hạn giải quyết là 90 ngày kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo.

Nếu quá thời hạn thì người tố cáo có quyền khiếu nại nhiều lần về hành vi hành chính, khiếu nại lên cơ quan cấp trên, gửi đơn đề nghị xem xét, giải quyết vụ việc.

UYÊN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên