TTCT - Một buổi sáng sớm, bà Nguyễn Thị Ráo, tức bà Ba Thi - giám đốc Công ty Lương thực TP.HCM - nhận được điện thoại của anh Sáu Dân, tức đồng chí Võ Văn Kiệt. Anh Sáu mời đến nhà ăn sáng. Bà Ba Thi đến nhà bí thư thì thấy ba vị khách nữa cũng là quan chức đầu ngành của TP. Đó là ông Lữ Minh Châu - giám đốc Ngân hàng Ngoại thương, ông Năm Ẩn - giám đốc Sở Tài chính và một hai vị khách khác cũng đang chờ... ăn sáng. Đó là một buổi sáng của năm 1979. Khi đó 3,5 triệu dân của một TP từng là “hòn ngọc Viễn Đông” đang rơi vào nạn thiếu đói đầu tiên và gay gắt chưa từng có. Phóng to Người giữa mọi người: đông chí Võ Văn Kiệt gặp gỡ thanh niên, đông bào các dân tộc, kiều bào, bà con các tôn giáo… Lúc này đất nước đã thống nhất được năm năm và mùa này lúa ở ĐBSCL cũng vừa gặt xong, chất đầy bồ. Thế mà TP quá đói mặc dù người dân sẵn sàng bỏ tiền mua gạo. Nguyên nhân chính là Sở Lương thực hay Công ty Lương thực dẫu có tiền cũng không thể mua được lúa của dân vì Ủy ban Vật giá qui định giá mua quá thấp, bà con không bán. Bí thư nói: “Chúng ta là những người lãnh đạo TP mà để dân đói thì chúng ta có xứng là lãnh đạo không? Có còn là người cộng sản không? Hôm nay, tất cả các anh, chị ngồi đây phải nghĩ kế để làm cho dân thoát đói. Ai không có kế thì tôi không cho về. Tôi sẽ nhốt ở đây...”. Bà Ba Thi nói ngay: “Kế không khó, không cần phải nghĩ vì chỉ cách đây ít cây số, ĐBSCL có rất nhiều lúa. Chỉ cần xuống đó mua về rồi xay xát bán cho dân”. Anh Sáu hỏi: “Vậy sao không mua được?”. Bà Ba Thi nói: “Ban Vật giá nhà nước chỉ đạo giá mua lúa 5,2 hào/ký. Giá này chỉ là giá treo, không thể mua được, vì giá ngoài chợ là 3 đồng/kg. Nếu mua với giá chợ là vi phạm”. Bí thư nói: “Nếu làm cho dân hết đói thì không phải là vi phạm”. Bà Ba Thi tiếp: “Tôi cũng không sợ vi phạm kiểu đó, nhưng muốn mua phải có tiền. Nhà nước chỉ cấp cho công ty tiền theo giá lúa 5,2 hào thôi”. Bí thư nói: “Thế nên tôi mới mời anh Lữ Minh Châu đến đây. Vậy kế của anh Châu là gì?”. Ông Châu nói: “Ngân hàng không thiếu tiền nhưng phải có lệnh của (ngành) tài chính thì mới xuất được”. Anh Sáu lại quay sang ông Năm Ẩn (giám đốc Sở Tài chính) nói: “Kế của anh Năm là sao?”. Ông Năm Ẩn trả lời: “Thưa bí thư, nếu có lệnh của anh thì tôi sẽ viết được lệnh cho ngân hàng”. Bí thư kết luận ngay: “Trong buổi sáng nay, UBND TP sẽ có văn bản yêu cầu Sở Tài chính đồng ý cho ngân hàng xuất tiền cho Công ty Lương thực. Công ty và Sở Thương mại phải tổ chức mua lúa gạo phân phối cho nhân dân. Việc hôm nay chúng ta đang làm có thể gọi là thành lập tổ buôn lậu gạo. Nhưng thực chất là cứu đói cho dân. Ngày mai chị Ba Thi xuống ĐBSCL mua lúa đúng giá chợ, về xay xát bán cho bà con không cần lấy lãi”. Phóng to Hôm sau, bà Ba Thi chỉ huy một đoàn xe vận tải tràn xuống ĐBSCL. Tuy nhiên, thời đó mỗi kilômet đường là một trạm gác. Trạm gác chỉ cần một cây súng, cắm một lá cờ là có thể ách bất cứ phương tiện vận tải nào và kiểm tra, lập biên bản. Bà Ba Thi liền nhờ một chiếc xe quân đội, biển đỏ, có lính mặc quân phục xanh, đeo súng dẫn đầu đoàn xe. Xe quân đội vượt qua tất cả mọi trạm gác. Xuống tới chợ, công ty rút tiền mua lúa công khai với giá 3 đồng/kg. Bà con nông dân mừng quá tranh nhau cân lúa. Lãnh đạo địa phương các tỉnh nghe tin đây là kế hoạch của anh Sáu cũng hết sức tạo điều kiện bằng cách “làm ngơ”. Lúa về TP được xay xát rồi chia cho các cửa hàng lương thực, các chợ bán cho bà con đúng giá vốn: 5 đồng/kg gạo. Trong khi người TP phải bỏ 7-8 đồng/kg mua của tư thương lén lút như người ăn trộm mà cũng không đủ ăn thì lúc này vui mừng khôn tả. Sự việc được báo cáo về trung ương. Trung ương triệu tập bà Ba Thi ra Hà Nội. Làm việc với bà là người lãnh đạo cao nhất của Đảng: Tổng bí thư Lê Duẩn. Tổng bí thư ngồi yên lặng nghe bà Ba Thi báo cáo đầy đủ tình hình từ đầu đến cuối. Sau cùng ông nói: “Cô Chín Ráo làm như vậy là đúng!”. Cũng sau đó ít lâu, bà Ba Thi được phong tặng danh hiệu anh hùng. Đây là lần thứ hai bà nhận danh hiệu đó. Lần trước là trong chiến đấu giải phóng miền Nam và lần này là xây dựng đất nước. Đồng thời, chủ nhiệm Ủy ban Vật giá nhà nước cũng được thuyên chuyển sang công tác khác. “Tổ buôn lậu” của anh Sáu không chỉ cứu đói cho 3,5 triệu dân TP.HCM mà còn cứu cho hơn 10 triệu bà con nông dân lúc đó thoát khỏi cảnh phải bán lúa cho Nhà nước với giá lỗ vốn: 0,52 đồng/kg. Phóng to Được thủ tướng... cặp cổ sóng đôi Năm tôi còn là một đội viên nhỏ xíu trong đoàn văn nghệ Nhà Thiếu nhi TP.HCM ra Hà Nội trình diễn, lúc bấy giờ chú Sáu là bí thư Thành ủy TP.HCM đang có mặt ở Hà Nội. Nghe nói có các cháu ở Sài Gòn ra, chú đã tranh thủ đến thăm, điều này làm đám con nít chúng tôi vô cùng xúc động vì ai cũng biết chú ra Hà Nội để công tác chứ không có chương trình thăm viếng này, đây là chú tranh thủ hết mức chỉ có 30 phút để đến thăm và động viên các cháu mà thôi. Cả đám ngồi quây quần quanh chú trong một ngôi nhà mát ngoài sân trong khu nhà khách Giảng Võ. Tôi ngồi cách khá xa chỗ chú ngồi, khuất sau lưng nhiều bạn khác, vậy mà chú nhìn chằm chằm vào tôi và hỏi: “Lộc đó hả? Chị Lê có khỏe không con?”. Chị Lê của tôi - nữ nghệ sĩ Bạch Lê - thì nổi tiếng lúc đó đã đành, nhưng sao chú lại biết tôi tên Lộc và còn biết tôi là em của chị nữa? Chỉ là một câu hỏi đơn giản, nhưng nó được thốt ra từ một ông bí thư thành ủy, một quan chức lớn nên tôi thấy nó quí giá làm sao vì nó nói lên phẩm chất bình dị và sâu sát của chú dành cho gia đình tôi, cho giới nghệ sĩ. ... Rồi tôi thành một thanh niên, một diễn viên trẻ có vài ba vai diễn được người ta chú ý, nhưng chắc giữa một Thành Lộc đội viên quàng khăn đỏ và một Thành Lộc thanh niên, diễn viên sân khấu ít nhiều cũng đã thay đổi diện mạo, vậy mà chú - lúc này đã trở thành thủ tướng, với biết bao việc quốc gia đại sự phải lo toan - vẫn nhớ ra tôi trong một buổi chiêu đãi nghệ thuật tại Nhà hát TP.HCM. Chú bảo: “Chú theo dõi từng bước đi của cháu qua báo chí và trên tivi, cháu giỏi lắm và chú thấy mừng”. Sau khi thăm hỏi sức khỏe ba má tôi và chị Bạch Lê, chú quàng vai tôi đi luôn vào rạp hát. Tôi có cảm tưởng mình đi coi hát với ông chú ông bác họ hàng của mình chứ không phải là được ông thủ tướng cặp cổ sóng đôi! Rồi tôi nhận một thiệp mời đi dự sinh nhật của chú, một sinh nhật thật đơn giản và khách mời đa số là văn nghệ sĩ. Tôi cứ thắc mắc là sao mình lại được lọt vào “mắt xanh” của chú? Vinh dự này, nghĩa tình này tôi sẽ không bao giờ quên, sau đó tôi còn được chú gửi ảnh chụp chung cùng chú với chữ ký tặng và lời ghi “cảm ơn!”. Tôi không muốn phải chứng kiến ngày mất của chú cho dù đó là một sự thật hiển nhiên, và tôi tin chắc rằng với người được rất nhiều người thương kính như chú thì mất chỉ là một khái niệm. Chú mãi ở trong lòng những người yêu chú. Tin bài liên quan: Ngày Quốc tang tưởng nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt Phim tài liệu: Ánh sáng tình ngườiXem Video: Thời sự VTV 13-6Lễ tang nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt bắt đầuSáng mãi nụ cười Võ Văn KiệtKhông ai chọn cửa mà sinh ra!Một lời đưa tiễnChú Sáu Dân đã ra điNguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ trầnTrái tim Võ Văn Kiệt vẫn đập mạnh trong mạch sống dân tộc! (*)Ký ức về Võ Văn KiệtGiã biệt người đội viên danh dự của tuổi trẻ“Anh Sáu Dân” và khát vọng tri thức
Quỹ nhà ở quốc gia như Singapore, được không? ts nguyễn ngọc hiếu (Trường đại học Việt Đức) 27/03/2025 1896 từ
Thủ tướng yêu cầu không lùi tiến độ đường vành đai 3 TP.HCM và một số cao tốc HỒNG QUANG 29/03/2025 Thủ tướng nhấn mạnh các dự án hoàn thành vượt và đúng tiến độ cần được khen thưởng theo quy định.
Cựu giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia bị cáo buộc nhận hối lộ 43 tỉ đồng DANH TRỌNG 29/03/2025 Ông Hoàng Quốc Hùng, cựu giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 43 tỉ đồng để giải quyết gần 55.000 hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Đề xuất chủ tịch cấp tỉnh chỉ định chủ tịch cấp xã sau sáp nhập THÀNH CHUNG 29/03/2025 Bộ Nội vụ đề xuất chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên UBND xã, phường sau sáp nhập cho đến khi UBND khóa mới được bầu ra.
Văn phòng Phật giáo quốc gia Thái Lan thông báo về 'nhóm bộ hành khất thực ăn mặc giống tu sĩ' THEO BÁO GIÁC NGỘ 29/03/2025 Theo Giác Ngộ Online, Văn phòng Phật giáo quốc gia Thái Lan phát hành thông báo toàn quốc về nhóm người bộ hành ăn mặc giống tu sĩ cùng các YouTuber người Việt đi theo quay phim gây xôn xao dư luận, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến Phật giáo Thái Lan.