Anh Hồ Tấn Thuận (sinh năm 1971, quê Tiền Giang) và chị Lê Thị Hồng Vân (sinh năm 1980, quê Long An) gặp nhau khi cả hai đã lỡ dở cuộc hôn nhân đầu. Anh Thuận có cậu con trai, chị Vân có cô con gái riêng, rồi vì đồng cảm, họ cùng nhau xây dựng hạnh phúc mới.
Căn nhà ấm nụ cười
Họ gọi đó là "tổ ấm", là "nhà" dẫu chỉ là chốn trọ hơn 20m2 trong một xóm công nhân tứ xứ ở đường Lâm Hoành (quận Bình Tân, TP.HCM). Anh Thuận cười hoan hỉ khi nói về nhà của mình, "thì ở trọ lâu dài, có niềm vui, hạnh phúc ở đây có thể xem là nhà mình".
Hơn 20 năm trước, sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, cả hai rời quê bắt đầu cuộc đời mới, đơn thân nuôi con. Anh Thuận khi đó làm nghề sửa xe, chị Vân là công nhân của một công ty giày. "Tôi gặp anh qua cầu nối bạn bè, thấy ảnh thiệt thà, chất phác, lại kiên nhẫn và chân thành nên gật đầu về chung một nhà", chị Vân cho biết.
"Ông bà xưa nói là duyên, là hợp tuổi hợp mạng, nhưng tôi nghĩ vợ chồng đến với nhau ngoài tình thương thì cần phải lắng nghe nhau, cùng nhau điều chỉnh để càng ngày càng bớt mâu thuẫn lại", anh Thuận nói.
Theo chị Vân, ai mới yêu, rồi mới cưới, mấy năm đầu tiên cuộc sống thay đổi, xáo trộn cũng sẽ có những bất hòa nhất định, nhưng khi đã gắn bó, mỗi người dẹp bớt cái tôi lại xíu.
"Đặc biệt, vợ chồng đừng để những lời ra tiếng vào từ bên ngoài tác động nhiều quá, kể cả đó là cha mẹ hai bên. Vợ thủ thỉ với chồng, chồng bảo ban chăm sóc vợ, mọi việc dần êm xuôi, nhẹ nhàng", chị Vân nói.
Anh Thuận tiếp lời vợ: "Phụ nữ khéo là phụ nữ biết nhường chồng. Đàn ông giỏi là đàn ông không tranh công với vợ".
Có lẽ anh Thuận thấm nhuần những điều này từ những người chị của mình, vốn là những cô giáo khéo léo trong công việc, cuộc sống ở Mỹ Tho, Tiền Giang. Anh cho biết nhà có nhiều chị gái, anh là út nên được các chị giúp đỡ, dạy bảo những điều tốt đẹp từ bé. "Tính khí anh Thuận cư xử rất đàn ông, không nệ làm việc nhà phụ vợ, không lớn tiếng khi vợ có lỗi gì đó. Tất cả những đức tính ấy của chồng, tôi đều biết ơn những chị chồng của mình", chị Vân nói về mối quan hệ tốt đẹp với những người chị nhưng cũng như mẹ chồng của mình.
Hạnh phúc giản đơn
Đến với nhau tròn 20 năm từ ngày cưới, anh Thuận và chị Vân đều chọn không có con chung. "Cả hai vợ chồng ai cũng có con riêng. Chúng tôi muốn dành trọn tình thương cho con của nhau", chị Lê Thị Hồng Vân nói. Và quyết định này không ảnh hưởng đến tình cảm của họ.
Trong căn nhà trọ nhỏ được chị Vân chăm sóc ngay ngắn, sạch sẽ, anh Thuận đi làm về có cơm nóng hổi. Chị sáng sớm xách xe đạp đến công ty, anh phụ dọn dẹp nhà hoặc có khi chở vợ lúc mưa gió.
Tích cóp, dành dụm, họ chưa đủ điều kiện để có một căn nhà riêng nhưng đã sắm được chiếc ô tô làm "công cụ lao động". Trước dịch, anh Thuận làm tài xế cho một công ty, sau COVID-19 anh nghỉ việc, chuyển sang chạy tự do khi có người đặt. "Thu nhập không ổn định như trước nhưng vợ chồng vén khéo vẫn không vấn đề gì", anh Thuận nói.
Thi thoảng họ dành thời gian cuối tuần chạy về Long An thăm quê ngoại hoặc về Tiền Giang để mấy chị em hàn huyên. "Đó là khoảng thời gian vợ chồng tôi thấy bình yên nhất. Biết đủ thì sẽ đủ", anh Thuận bày tỏ.
Con trai anh Thuận đang trong kỳ nghĩa vụ quân sự, còn con gái chị Vân có chồng tận Ninh Bình. "Thỉnh thoảng con gái dắt chồng và con về thăm ngoại, vui nhất là cháu ngoại mến ông nhiều hơn, cứ đeo ông ngoại Thuận suốt", cả hai vợ chồng giữ nụ cười bình an.
Hỏi bí quyết để có hạnh phúc, anh chị không ngại tiết lộ, "cứ sống như ông bà mình chỉ, "cơm sôi nhỏ lửa", chung thủy, biết tôn trọng bình yên đang có thì mỗi ngày đều là một ngày mới, một ngày vui".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận