TTCT - Sự kiện nhà máy chế biến thịt lớn nhất châu Âu với 7.000 nhân lực đang bị cách ly và toàn bộ dây chuyền bị tạm dừng hai tuần vì 1.300 người dương tính với Covid-19 nhất định sẽ làm nhiều người giật mình, vì khả năng cả địa phương bị biến thành một Vũ Hán giữa châu Âu ngày càng thực tế. Nhưng trên hết và quan trọng nhất là nó làm lộ ra một loạt tử huyệt của nền kinh tế đầu tàu Liên minh châu Âu. Giống như nước Mỹ của Donald Trump bất ngờ lao đao vì việc sản xuất cái khẩu trang 3D có giá thành 70 cent bị trao hết vào tay Trung Quốc, nước Đức chưa đến thời hậu corona sẽ phải tự hỏi, lỗ hổng pháp lý nào làm nên tài sản 2,3 tỉ của một Clemens Tönnies trong thời gian ngắn, và không phải vấn đề cuối cùng: tại sao người Đức cũng sẽ tiến tới kịch bản “thừa thầy thiếu thợ” như nhiều quốc gia ảnh hưởng Nho giáo ở một châu lục khác?Clemens Tönnies là doanh nghiệp có 15.000 công nhân và doanh thu 5 tỉ euro/năm. Ảnh: BloombergCÂU CHUYỆN CLEMENS TÖNNIESXí nghiệp gia đình Tönnies bắt đầu với một lò mổ nhỏ ở Rheda (Đức), khi ông bố mệt mỏi vì nghề chọc tiết lợn và quay sang mở cửa hàng. Năm 1971, con trai cả của gia đình thành lập công ty bán sỉ thịt và xúc xích.Ít lâu sau người em Clemens Tönnies nhảy vào và giữ 50% cổ phần cho đến hôm nay. Nhân thể ông còn mua thêm chức chủ tịch CLB bóng đá Schalke 04 huyền thoại. Forbes xếp ông vào hạng người giàu thứ 1.349 trong số 7 tỉ cư dân Trái đất. Một gia đình nguồn gốc vô sản thành đạt như trong sách giáo khoa dạy làm kinh tế: 15.000 công nhân, doanh số trung bình 5 tỉ euro/năm (2015)?Tuy nhiên con đường dẫn đến núi tiền cũng chi chít ổ gà: nào là lĩnh khoản hoàn thuế từ các mục thuế... chưa nộp, nào là khai tử công ty con sau khi dồn các khoản thâm hụt vào đó để xù nợ hợp pháp, nào là trốn thuế, phát ngôn kỳ thị da đen...Nhưng, như đã nói, ta chưa bận tâm đến một Clemens Tönnies cụ thể, mà muốn tìm hiểu ít nhiều các trục trặc xã hội của nền kinh tế đứng thứ tư thế giới thông qua sự cố này.Đại dịch corona tấn công không chừa một ai, quan niệm như thế thì Tönnies cũng chỉ là một trong vô số nạn nhân. Nhưng tại sao đông đảo phụ huynh học sinh biểu tình trước nhà Clemens Tönnies?Thì ra con cháu của họ vừa đi học được vài hôm sau khi chấm dứt cấm túc đã lại phải tiếp tục ở nhà, vì ổ đại dịch với hơn 3.000 nạn nhân xuất phát từ khu sản xuất của Tönnies đã khiến các trường trong huyện bị đóng cửa trở lại, với nguyên nhân là Tönnies không thực hiện các biện pháp chống dịch cần thiết.Sự việc bung bét hẳn, khi Robert, cháu của Clemens Tönnies, và cổ đông 50% ra thư ngỏ đòi Clemens và một số trong ban lãnh đạo từ chức vì đã “thiếu trách nhiệm, để cho bệnh dịch lan rộng”.Đỉnh điểm là đơn kiện ngày 19-6 gửi đến Tòa án hình sự thành phố Rheda-Wiedenbrück đề nghị truy tố Công ty Tönnies vì tội bất cẩn gây tổn hại sức khỏe cho người khác. Đơn mang chữ ký của hai nghị sĩ Đảng Xanh, ủy viên Hội đồng thành phố Rheda và thành viên Nghị viện Liên bang.Cho đến nay chính quyền Đức nhắm một mắt để các chủ lao động lớn như Tönnies múa tay trong bị, vì họ cung cấp nhiều công ăn việc làm cho khu vực. Nhưng con virus corona bé xíu đã đổi chiều gió.MỘT DẠNG NÔ LỆ Ở THẾ KỶ 21?Sau khi hàng loạt công nhân dây chuyền pha thịt cho kết quả dương tính với virus corona, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc tuân thủ các quy định cách ly.Huyện Gütersloh lập tức phong tỏa hẳn một khu người nhiễm bệnh. Nhiều tòa nhà có khách thuê là công nhân hợp đồng ở Tönnies bị rào kín và có cảnh sát gác ngày đêm. Có đến 670 công nhân thuộc Công ty Tönnies sống ở đây, tổng cộng ở Gütersloh hôm nay đã đếm được 3.200 ca mang bệnh. Một tỉ lệ không nhỏ trong số bị lây nhiễm là người Bulgaria và Romania, một số “kịp thời” lên xe phi về nhà, đem virus gieo rắc thêm dọc đường.Khoảng 200 công nhân Romania làm việc cho một nhà máy giết mổ ở Đức đã bị phát hiện nhiễm virus corona hồi tháng 4 vừa qua. Ảnh: Rumania InsiderĐiều đó báo trước các xung đột ngấm ngầm trong xã hội. “Chúng ta không được phép kỳ thị hoặc gây thiệt thòi cho những người lao động có mức lương thấp, sống ở các căn nhà chật chội để bảo đảm giá thịt thấp”, giám đốc điều hành Gerd Landsberg kêu gọi.Nhưng phải chăng, khi người ta đã phải đả động đến vấn đề kỳ thị thì vấn đề đó đã hiện diện từ lâu? Ở Đức, sau thời kỳ lịch sử đen tối của Đế chế thứ ba, người ta rất sợ nhắc đến hiện tượng này. Nhưng không người Đức nào không biết sự phát triển thần kỳ của kinh tế nước này đượm mùi mồ hôi của lao động giá rẻ đến từ nước ngoài.Từ năm 1950 - 1960 trở đi, công nhân Ý, Hi Lạp, Nam Tư, Thổ Nhĩ Kỳ luôn chiếm tỉ lệ cao ở Đức, nhất là ở những nghề mà người địa phương không muốn đụng tay. Người Hàn qua làm thợ mỏ và y tá. Mùa nho, cà chua, dưa chuột, dâu tây... của Đức sẽ để thối nếu thiếu người làm thuê từ Đông Âu và Nam Âu.Tỉ lệ 12,5% ngoại kiều ở Đức cao gấp rưỡi con số trung bình ở EU bắt đầu từ thời gian này và có phần tăng cao sau khi bức tường Berlin sụp đổ.Song cũng nên nhìn phát biểu của ông Landsberg từ một góc khác nữa. Ai quan sát xã hội Đức sẽ không thể thấy tình trạng “thợ khách” quần quật lao động và sống nhồi nhét trong các container như cá hộp, giống tình trạng người Ả Rập sang xây sân vận động cho World Cup Qatar 2022. Đơn giản là xã hội Đức khá nhân bản và công đoàn Đức rất mạnh.Bù lại thì chính quyền Đức vẽ ra một đạo luật để có điều kiện chọn giải pháp “sạch sẽ” hơn: dùng người nước ngoài (và cả người địa phương) thông qua các công ty đầu nậu. Ngoại kiều, kể cả khi có giấy phép cư trú ở Đức và đủ bằng cấp, khi xin vào một chỗ làm việc trống đều phải đợi vài tuần xem có người địa phương nào nộp đơn không, sau đó nhà chức trách ưu tiên tuyển cư dân EU trước.Rào cản này sẽ được dễ dàng vượt qua khi các doanh nghiệp lấy nhân lực từ đầu nậu. 11.600 công ty loại này ở Đức sẵn sàng cung cấp công nhân ở mọi trình độ và mức lương. Tình trạng thuê và thải người vô tội vạ (hire and fire) nay được hợp pháp hóa, công nhân từ nguồn này thường xông xênh chuyện bằng cấp và luật lao động, khác với một người ở Đức bị xét nét chuyên môn, có quyền đòi hợp đồng lao động vô thời hạn sau ba tháng làm việc liên tục và nếu bị mất việc còn được hưởng trợ cấp.Đây chính là điểm nhấn khi dư luận nhận ra nhiều công nhân của Tönnies đến từ Ba Lan, Romania và Bulgaria. Theo điều tra của kênh Deutsche Welle, nhiều “công nhân chuyên ngành” ấy chưa hề cầm con dao vào tay trước khi sang Đức mổ lợn. Họ đi làm với đồng lương thấp hơn đồng nghiệp Đức, sống khá tạm bợ và chật chội, không có điều kiện giãn cách khi có lệnh cấm túc và có thể ra đường sau tháng cao điểm.Theo phỏng đoán chưa được kiểm chứng, chính điều kiện ăn ở kém vệ sinh là nguyên nhân lây lan virus corona trong nhóm nhân lực nước ngoài này.CHẾ ĐỘ THÙ LAO Ở ĐỨC VÀ HỆ QUẢ NHÃN TIỀNVì nhiều lý do khác nhau không thể đề cập hết trong phạm vi bài này, ở nước Đức phồn vinh có một sự lệch lạc khá lớn trong chế độ trả lương: một số ngành dịch vụ như y tá, thợ làm tóc, chạy bàn, phục vụ khách sạn... chưa được hưởng mức thù lao nhìn chung được coi là khá cao ở Đức.Trong khi các ngành hot như công nghệ thông tin với lương khởi điểm 52.000 - 57.000 euro/năm, công nhân kỹ thuật sau ba năm đào tạo nhận 37.000 - 53.000 tùy nghề, thì y tá bắt đầu sự nghiệp với 23.000 - 36.000 và thu ngân siêu thị dưới 23.000 euro/năm.Khi đại dịch corona lên cao điểm, chính phủ phải phá lệ để thưởng cấp tốc cho một số ngành “thiết yếu”: trong tháng 7-2020, các y tá sẽ được phát một lần 500 - 1.500 euro tùy bang, ngay cả y tá đang học nghề cũng được 900.Và đó có lẽ mới là bước đầu tiến tới cải cách lương bổng ở Đức vốn bị sao lãng trước khi virus corona mở mắt cho cả xã hội. Chính các đầu nậu cho thuê công nhân ngắn hạn góp phần gây ra tình trạng này: ở nước mình, các ứng viên đều có lương thấp hơn, do vậy họ sẵn sàng chịu khổ một thời gian để sang Đức kiếm tiền, qua đó gián tiếp giảm áp lực cho chính phủ phải cải cách chế độ lương bổng.Giữa lúc tình hình kinh tế khó khăn, trưởng nhóm nghị sĩ Đảng Xanh Anton Hofreiter phải giở vũ khí hạng nặng: kêu gọi các siêu thị tẩy chay sản phẩm của Tönnies.“Thái độ của các ông vua thịt chỉ biết lợi nhuận và tự cho mình quyền qua mặt mọi quy định là một bê bối lớn”, Hofreiter tuyên bố trên tờ Bild am Sonntag ngày 21-6. Đã đến lúc các chuỗi siêu thị lớn chấm dứt đồng lõa bằng cách không nhận hàng của Tönnies nữa. Bộ trưởng Lao động liên bang Hubertus Heil nói với báo Tagesspiegel am Sonntag ngày 17-5: không thể tiếp tục chấp nhận cách làm kinh tế tàn nhẫn như hiện nay, khi “người lao động Trung Âu và Đông Âu bị bóc lột ở Đức để các công ty phi đạo đức kiếm tiền tỉ lợi nhuận”. Bộ trưởng Heil đang cấp tốc “dọn dẹp tình cảnh kinh hoàng đáng xấu hổ” trong công nghiệp giết mổ và mùa hè này sẽ viết xong dự luật trình quốc hội, từ năm 2021 cấm hợp đồng lao động ngắn hạn trong ngành chế biến thịt.Sớm hay muộn, nước Đức không cải cách chính sách lương bổng thì ít nhất có thêm một lĩnh vực mũi nhọn nữa chịu hậu quả.ĐÀO TẠO NGHỀNhiều thập kỷ liền Đức nắm chức quán quân thế giới về xuất khẩu, nhưng trong tâm thức của người tiêu dùng bình thường người ta hay nghĩ đến sản phẩm chế tạo máy, hàng gia dụng, ôtô... mà ít để ý đến một chìa khóa dẫn đến thành công kinh tế là hệ thống dạy nghề kép ở Đức.Nói ngắn gọn là học viên học một nửa (lý thuyết) ở trường và làm việc một nửa ở doanh nghiệp, lĩnh lương trong suốt thời kỳ đào tạo do doanh nghiệp trả, bất kể sau này có được tuyển dụng hay không.Mô hình rất thành công này đang từng bước được xuất khẩu sang Tây Ban Nha, Hi Lạp, Ý, Slovakia, Latvia và Việt Nam. Nước Đức tự hào luôn có đội ngũ chuyên môn dư dả kế tiếp, bảo đảm cho phát triển kinh tế bền vững. Trong công tác hướng nghiệp cuối cấp phổ thông, xưa nay các trường học ở Đức ít có học sinh băn khoăn giữa lên đại học hay vào nhà máy, thậm chí “một nghề tay chân chắc ăn” còn là phương châm sống của nhiều thế hệ.Nhưng tính bền vững ấy lung lay dữ dội từ vài năm nay. Lần đầu tiên từ năm 2014, tỉ lệ đi vào con đường hàn lâm ở Đức lên quá 50%, vì các nghề thủ công và kỹ thuật đang mất ánh hào quang. Ví dụ: cả nước hiện tại có 3.000 học sinh học nghề chế biến thịt, chỉ bằng một phần ba so với năm 2000. Ngày nào cũng có hàng thịt và lò bánh mì bị đóng cửa vì không có ai kế nghiệp và/hoặc không có học sinh học nghề.Theo thống kê của ZDH (Tổng hội thủ công nghiệp Đức) trong vòng mười năm trở lại đây có tới 30% cửa hàng thịt và bánh mì biến mất khỏi bộ mặt đô thị và làng quê. Nhiều thợ cả chuẩn bị hay đã về hưu, thêm 36% ở tuổi 50-60 mà không biết để lại doanh nghiệp cho ai. Nguyên nhân không chỉ là văn hóa giết mổ bị văn hóa ăn chay áp vía, mà có lẽ cũng nằm trong lương khởi điểm 2.000 euro/tháng trước thuế cho một nghề cực kỳ vất vả.Ngành công nghiệp thịt ở Đức đang đối mặt thách thức kép: các quy định an toàn sẽ bị siết chặt hơn và sự thiếu hụt nhân công trầm trọng. (ẢNH: DW)Nhân thể nhắc đến ngành thực phẩm: ngay cả nhân viên bán thực phẩm đã qua đào tạo cũng ngày càng hiếm. Năm 2017 có 36,6% vị trí học nghề để trống, năm 2018 đã là 40,6%.Theo báo cáo của Bộ trưởng giáo dục liên bang Anja Karliczek, toàn hệ thống đào tạo tất cả các ngành nghề Đức năm ngoái thừa 57.700 chỗ, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước.Nghe thì có vẻ nhẫn tâm, nhưng nếu con virus corona có một điểm gì gọi là tích cực, thì đây: việc chính quyền ban hành chính sách nựng nịu các ông chủ lớn để họ tạo ra công ăn việc làm trong nước đã tỏ ra là con đường rúc vào ngõ tối, vì rốt cục họ sẽ tăng cường bóc lột các láng giềng nghèo hơn.Mới chỉ lộ mặt một Tönnies trong thời corona, còn bao nhiêu Tönnies nữa?■ Tags: ĐứcAn toàn thực phẩmLao động nhập cưNhân công giá rẻThiếu nhân côngTONNIESCông nghiệp thịtNhiễm virus coronaKhủng hoảng ngành thịt
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 23-11: Ông Putin tuyên bố sản xuất thêm tên lửa Oreshnik vì thấy hiệu quả BÌNH AN 23/11/2024 Mỹ hạn chế nhập khẩu thực phẩm, kim loại từ nhiều công ty Trung Quốc; Ukraine cầu cứu xin hệ thống phòng không tốt hơn.
Nghiên cứu chục năm vẫn chưa xong tiến sĩ MINH GIẢNG 23/11/2024 Có nghiên cứu sinh làm chục năm chưa xong tiến sĩ, nhiều người bỏ ngang. Cơ chế hiện nay không khuyến khích giảng viên học tiến sĩ vì quá cực.
Tin tức sáng 23-11: Quốc hội họp bàn về AI; Người Việt đầu tiên giành giải TechWomen 100 TUỔI TRẺ ONLINE 23/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Quốc hội họp bàn về công nghệ số, phát triển trí tuệ nhân tạo; Người Việt đầu tiên giành giải TechWomen 100; TP.HCM tiêm vắc xin sởi cho trẻ 6 - 9 tháng tuổi...
'Anh cả' công ty chứng khoán bị cơ quan thuế truy thu, xử phạt BÔNG MAI 23/11/2024 Công ty cổ phần chứng khoán SSI vừa báo cáo với cơ quan lãnh đạo thị trường chứng khoán về quyết định liên quan đến Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế).