Trong giới đọc, sưu tầm sách ở Việt Nam, cuốn Về chốn thư hiên được xem là "truyền nhân" của cuốn Thú chơi sách mà học giả Vương Hồng Sển viết cách đây hơn 60 năm.
Cuốn này được bác sĩ Nguyễn Duy Long ký tên tác giả Trần Trọng Cát Tường, ghép từ tên vợ và con gái ông.
Bác sĩ Nguyễn Duy Long sưu tầm 15.000 cuốn sách
Bác sĩ Long đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, ông bảo phần lớn thời gian dành cho công việc đời mình đã chọn, nhưng học xong lấy tấm bằng y ra trường đi làm, đâu có nghĩa là ngừng học. Vậy đó, niềm đam mê với sách đến từ góc nghĩ chân dị của một con người.
Để rồi bây giờ, sách tràn ngập từ phòng khách đến nhà bếp, gầm cầu thang, phòng ngủ, hành lang của ông...
Ngôi nhà từ tầng trệt lên tầng lầu đều dành cho sách. "Sách nhiều quá, nhiều lần tính xây thêm một tầng nữa để sách, nhưng dời sách đi đâu đó bảo quản một thời gian cũng là vấn đề", bác sĩ Long kể. Vậy là việc "làm nhà cho sách" bị gác lại bởi... sách.
Hiện ông có khoảng 15.000 cuốn sách. "Trừ những hôm bận, hoặc có hẹn với bạn bè, còn lại đêm nào tôi cũng đọc sách", bác sĩ Long nói.
Buổi trưa tôi đến nhà, ông cũng đang đọc cuốn sách y khoa hơn 5.000 trang bằng tiếng Anh.
"Tôi đọc bốn cuốn như thế này để hoàn thành cuốn Từ điển thuật ngữ huyết học và truyền máu tiếng Việt và kịp thời gửi nhà xuất bản vào cuối năm hoặc năm sau", ông Long nói.
Bác sĩ Long đã mất mấy năm đọc hàng chục ngàn trang thuật ngữ y khoa chuyên ngành bằng tiếng Anh để tổng lượt cho cuốn sách tâm huyết còn dang dở.
Là một bác sĩ, con gái đang học bác sĩ nội trú, ông Long hiểu cuốn từ điển thuật ngữ huyết học bằng tiếng Việt có giá trị thế nào đối với y học Việt Nam. Điều đó thôi thúc ông làm như một trách nhiệm với nghiệp nghề đời mình.
Cơ duyên từ người đọc sách đến người viết sách đến từ thuở bé. Ông Long có cha là công chức, mẹ dạy học và bán sách (nhà sách Quảng Ngãi Nghĩa Thục, sau đổi thành Tinh Hoa). Hơn nửa thế kỷ, biển hiệu "Nhà sách Tinh Hoa" trước nhà ông vẫn vẹn nguyên.
Ông Long đọc sách từ nhỏ nhưng thú sưu tầm sách bắt đầu từ khi ra Huế học y. Đầu tiên, ông lần mò sách cũ mua cho mình vài cuốn y khoa. Tình yêu sách lớn dần, ông chuyển sang sưu tầm nhiều hơn, thế là gia tài sách của ông "phình to" như giờ.
"Những năm 1990 là thời hoàng kim sách cũ, lúc đó tôi đã tốt nghiệp đại học, vào TP.HCM học chuyên sâu. Trên đường Nguyễn Thị Minh Khai có rất nhiều sách cực hay được bán theo ký. Tôi mua về đọc.
Còn giai đoạn 2010 có diễn đàn xưa, giới sưu tầm sách thông qua diễn đàn mua được nhiều cuốn cực kỳ hay", ông Long kể đó là một trong hai giai đoạn ông nhớ nhất trong đời sưu tầm sách của mình.
Hãy để bọn trẻ đọc theo ý thích
Ông Long có kho sách mà những nhà sưu tầm, nghiên cứu ở Quảng Ngãi khẳng định chỉ xếp sau thư viện tỉnh về số lượng.
Còn chất lượng, nhiều cuốn chưa chắc thư viện đã có. Mới đây, ông được một người bạn tặng cuốn Lều chõng của nhà văn Ngô Tất Tố in lần đầu năm 1941.
Nhận sách, ông Long thích thú vô cùng nhưng ngại, bởi cuốn sách này trong giới sưu tầm có giá vài chục triệu đồng.
Người bạn hiểu Nguyễn Duy Long, đã nói những lời chân tình về sự mến mộ một người yêu sách, hãy xem cuốn Lều chõng như tặng phẩm của những người yêu sách tìm đến với nhau.
Bà Trần Trọng Vân Tuyền, vợ ông Long, cũng được truyền tình yêu sách từ chồng. "Đi công tác, đi làm việc, đi chơi ở vùng đất mới, quan tâm đầu tiên của anh ấy là sách, hiệu sách, vỉa hè bán sách cũ. Kỷ niệm chồng tôi ở mỗi vùng đất chính là những thùng sách mang về", bà tâm sự về chồng.
Một người sưu tầm sách nổi tiếng đến mức viết được sách về thú chơi tao nhã này với tầng hiểu biết rất sâu.
Vậy nhưng rất kỳ lạ, trên tủ sách của mình, những chỗ dễ thấy ông Long đặt những cuốn Doraemon.
Hỏi ra thì ông nói: "Đó là sách của con gái tôi hồi nhỏ. Sách để đọc và những cuốn truyện tranh này cũng đáng đọc với một đứa trẻ".
Tâm sự thêm, ông thở dài nói về văn hóa đọc hiện nay. Giới trẻ không còn thích thú. Trước kia ông cũng buồn, còn giờ ông nhận ra đó là chuyện bình thường.
Bây giờ mỗi đứa trẻ lớn lên có nhiều cách tiếp cận, giải trí bắt mắt hơn từ video, mạng xã hội, sách không còn vai trò giải trí cho trẻ em như thời ông.
Ông Long nói muốn có văn hóa đọc sách, trước hết phải có thói quen. Muốn có thói quen nhà trường và gia đình có vai trò rất quan trọng là tạo thú đam mê bằng cách dẫn con dạo chơi đường sách nhiều hơn, đến thư viện nhiều hơn.
"Nhưng cha mẹ gieo ý thức thôi, làm ơn hãy để bọn trẻ đọc những gì chúng thích. Đừng cứ 10 tuổi phải đọc truyện tranh, bởi có nhiều đứa 10 tuổi lại thích đọc lịch sử, văn hóa... Gieo ý thức nhưng đừng lái sở thích", ông tâm tình.
Ngày sách Việt Nam, trò chuyện ông Long nhớ về một thuở thư viện Đại học Y Huế chật kín người đọc. Thuở đã chiếm trọn miền nhớ trong ông.
Có lẽ vì thế mà ông Long viết như thốt lên trong cuốn sách đời mình, rằng "Đâu rồi những người đọc sách như con bạc khát nước đang mải mê theo ván bài. Đâu rồi những người đắm đuối ngắm nghía cuốn sách như càng nhìn vẻ ngọc càng say khúc vàng".
Về chốn thư hiên
Cuốn sách Về chốn thư hiên bao quát cả đời đọc sách của ông Long.
Chữ nghĩa ông sâu rộng, kiến giải nhiều vấn đề liên quan đến sách.
Một đoạn tại trang 236, ông viết: "Đọc như được cùng luận bàn với một người bạn không quen, đưa ta đến những tư tưởng thanh cao của các bậc hiền triết lắng kết qua bao đời.
Có khoảnh khắc lòng xúc động lạ thường, dường như mình hòa chung với trải nghiệm, cảm xúc... của tác giả và những gì cuốn sách chuyển tải trở thành một phần tâm hồn, phần tri thức của ta.
Ngoài thú tiêu khiển, đọc sách còn hàm dưỡng tinh thần, học hỏi, trau dồi kiến thức thường nhật của người trí thức.
Chẳng có tri thức nào tự đến, tất cả đều phải tích lũy từ từ, chậm rãi... Kỹ năng đọc không chỉ nhờ vào trí thông minh mà cần sự rèn luyện lâu dài...".
Sắp xếp các kiến thức
Đọc sách, ông Long cũng có cách sắp xếp rất logic. Chỉ cần hỏi cuốn sách nào ông sẽ đến đúng nơi cất để lấy một cách nhanh chóng. Còn kiến thức cũng được ông sắp xếp một cách đáng nể.
Cách đây mấy hôm, người bạn có thú chơi sách hỏi ông các năm Thìn thường bão lớn, ông biết xảy ra năm nào không?
Tưởng câu hỏi khó, hóa ra quá dễ với ông Long, ông lập tức nói về năm 1904, 1964 và 1844 và kể sự kiện bão năm đó tàn phá thế nào.
Không chỉ vậy, ông còn dễ dàng nhớ số trang viết về sự kiện đó trong cuốn Đại Nam thực lục và nhanh chóng lấy ra đối chứng.
Những kiến thức từ sách giúp ông Long thu về lượng tri thức rất lớn cho mình. Đời ông đã xuất bản hai cuốn sách, sắp đến ông sẽ xuất bản cuốn thứ ba.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận