TS Nguyễn Bá Hải tại cuộc gặp Thủ tướng ngày 11-9 - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Nói về nền khoa học Việt Nam, lâu nay chúng ta nghe rất nhiều chuyện buồn.
Nào là đầu vào các môn khoa học cơ bản trong các kỳ thi tuyển sinh đại học ngày càng ít đi. Nào là chế độ đãi ngộ cho giới nghiên cứu khoa học quá thấp, không đủ kích thích giới trẻ đi theo con đường được xem là quá khắc nghiệt này.
Nào là nhiều bạn trẻ đi du học nước ngoài ở các lĩnh vực nghiên cứu khoa học đã không muốn về nước. Nào là các nhà khoa học “chân đất” lấn át các nhà khoa học thứ thiệt. Nào là giới nghiên cứu khoa học bị lãng quên...
Là một người theo sát lĩnh vực này, tôi thừa nhận những điều mà dư luận vẫn nói như trên là sự thật. Nhưng không lẽ cái sự thật đó vẫn cứ tồn tại một cách cam chịu? Không lẽ giới trẻ Việt Nam ngày nay hoàn toàn quay lưng với nghiên cứu khoa học?
Để trả lời cho những câu hỏi trên, tôi nghĩ về con số 35 tuổi của 70 nhà khoa học gặp gỡ Thủ tướng sáng 11-9, và nhớ đến lời của nhà bác học Nga Nikolay Semyonov, Nobel hóa học năm 1956: “Tuổi thanh xuân là thời kỳ sáng tạo đạt nhiều kết quả nhất trong cuộc đời của nhà khoa học”.
Sau khi cho biết “trong số các viện sĩ và viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô có hàng loạt nhà bác học cự phách tuổi chỉ trạc 35”, N. Semyonov viết tiếp: “Các nhà bác học già chúng tôi hết sức vui mừng trước điều đó. Chúng tôi biết rằng vai trò của thanh niên trong các vấn đề lý thuyết thuộc khoa học tự nhiên là cực kỳ to lớn”.
Đó là những điều mà N. Semyonov viết năm 1979.
Chính vì có một đội ngũ các nhà bác học già chưa qua và trẻ đã nổi lên một cách lỗi lạc như thế, cho nên vào thời kỳ ấy, Liên Xô là một siêu cường khoa học sánh ngang Mỹ.
Trở lại với câu chuyện của Việt Nam chúng ta hiện nay, đã rất nhiều năm rồi giới nghiên cứu khoa học không khỏi có một sự tủi thân khi vai trò của mình có phần bị xem nhẹ.
Chúng ta có quá ít những chương trình đầu tư một cách căn cơ, những sự kiện đặc biệt để tôn vinh giới nghiên cứu khoa học.
Nhưng đã có những tín hiệu cho thấy sự thay đổi. Không phải vô cớ mà giáo sư Trần Thanh Vân đã được tạo điều kiện tối đa để tổ chức chương trình Gặp gỡ Việt Nam một cách dài hơi tại Bình Định.
Và cũng không phải vô cớ mà Bình Định cấp đất cho giáo sư Vân xây dựng một trung tâm khoa học để nhiều nước trong khu vực phải nhìn một cách đầy mơ ước. Từ đó, hàng loạt nhà khoa học đoạt giải thưởng Nobel đã liên tục đến Việt Nam.
Và cũng từ đó, nhiều nhà khoa học tầm cỡ thế giới là người Việt đang sống ở nước ngoài như Nguyễn Trọng Hiền, Đàm Thanh Sơn, Lưu Lệ Hằng, Trịnh Xuân Thuận... đã liên tục về nước tham gia các hội nghị khoa học, các cuộc gặp gỡ với sinh viên, bạn trẻ yêu khoa học.
Và hôm qua, cuộc gặp của Thủ tướng, với tôi, cũng là nằm trong chuỗi nỗ lực thổi bùng ngọn lửa tình yêu khoa học ở Việt Nam.
Tôi nhớ hồi tháng trước tại Quy Nhơn, khi GS George Smoot, Nobel vật lý năm 2006, giao lưu thân mật với các em học sinh yêu khoa học, ban tổ chức đã quyết định dùng 40 cuốn Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại - một số chân dung của tôi viết để làm quà tặng các em.
Nhìn các em háo hức lật nhanh cuốn sách dày 1.224 trang ấy để lướt qua 56 gương mặt trí thức tinh hoa của nước Việt như Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Ngô Bảo Châu, Lưu Lệ Hằng, Đàm Thanh Sơn, Trần Thanh Vân, Lê Kim Ngọc, Trịnh Xuân Thuận, Vũ Hà Văn, Nguyễn Trọng Hiền... tôi có niềm tin rằng tình yêu khoa học sẽ không bao giờ tắt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận