11/04/2014 15:09 GMT+7

Tính xấu người Việt: sau soi gương phải cần thuốc đắng

TTO tổng hợp
TTO tổng hợp

TTO - Cần những viên thuốc đắng như thế nào để những thói hư tật xấu của người Việt không còn tồn tại - đó là những ý kiến của bạn đọc góp cho loạt bài viết "Tự soi lại mình để gạn đục khơi trong".

UuSpbI6M.jpgPhóng to
Tranh minh họa: Dad

TTO xin trích đăng:

Thấy xấu mà không sửa

Bạn đọc Huỳnh Trung (science76trung@...) viết: Tôi thấy người Việt mình tính xấu nhất là không bao giờ hành động để loại bỏ nó. Luôn luôn biện minh dù rằng sai, thường nói câu nhiều nhất là "điều đó chỉ là một bộ phận nhỏ thôi". Ừ thì nhỏ nhưng bao nhiêu là nhỏ? Cứ như né tránh về cái xấu của mình và của cả nhiều người khác. Tóm lại là không dám nhìn thẳng vào những điều đó.

Bạn đọc Hoàng Trúc Thanh bình luận: Tôi thấy người Việt có tính rất kỳ, hễ ai góp ý cho tốt thêm trong hành vi ứng xử của mình là lập tức phản ứng gay gắt. Đã không chịu nghe người khác góp ý mà còn tỏ thái độ châm biếm nữa.

Bạn đọc Việt Tuấn (viettuan...@...) phân tích: Có nhiều tật xấu chúng ta sẵn sàng chỉ trích người khác nhưng chúng ta vẫn vô tình (mà biết đâu cố tình) phạm phải. Nói nôm na biết xấu mà không sửa, và bị phê bình thì sẽ viện lý do này, hoàn cảnh nọ....

Sửa đổi từ lòng tự trọng

Bạn đọc Nguyễn Mai thừa nhận: Thỉnh thoảng mình đi du lịch nước ngoài và phạm một số hành vi như trong bài viết: Tính xấu người Việt: Đi xa, năn nỉ... nhớ giùm. Qua bài báo này mình mới biết là sai. Mình nghĩ có nhiều người như mình. Báo chí hãy thường xuyên nhắc nhở để hình ảnh người Việt sẽ khác đi trong con mắt bạn bè. Không ai tôn trọng mình nếu mình không biết tôn trọng người khác.

Bạn đọc Tải Thị Cẩm Tú (tthcamtu@..) cho rằng: Muốn thay đổi một nhận thức, một thói quen của mỗi con người trong cách sinh hoạt, giao tiếp không phải là việc dễ dàng trong một sớm một chiều mà thực hiện được. Và cũng không thể chỉ dựa vào những lý thuyết suông về đạo đức mang tính giáo điều và khuôn phép để giải quyết những "tính xấu" đã nêu mà phải bằng quyết tâm, dựa vào lòng tự trọng và đức tính biết "xấu hổ" của mỗi người chúng ta.

Ví dụ xấu xí khác

Còn nhiều lắm thứ xấu xí khác nhưng tôi chỉ lấy hai ví dụ nhỏ thôi. Người này mở nhạc thì người khác phải mở to hơn dù là sáng sớm hay giữa trưa. Quảng cáo cột điện nhiều vô kể! Nhất là khoan cắt bêtông và rút hầm cầu (dù buổi sáng hôm trước xé cho trống hôm sau lại thấy tiếp).

vanlam (havanlam555@...)

Nói khác đi chính lòng tự trọng sẽ là phương thuốc hữu hiệu nhất giúp mỗi cá nhân dần loại bỏ các tính xấu này.

Bạn đọc VNLK (newbiehva+plk@...) đặt những câu hỏi: Qua 12 năm trường lớp ở VN, có khi nào học sinh được dạy rằng luôn chú ý, quan tâm và tôn trọng tới những người xung quanh bằng những bài học thiết thực hay chưa? Có khi nào các cơ quan văn hóa thực hiện các chiến dịch truyền thông thiết thực để ngăn chặn thói xấu xã hội hay không, hay chỉ treo những băngrôn tuyên truyền (thậm chí câu cú ngô nghê, sai ngữ pháp)?

Bạn đọc Lê Minh Đức (biviti67@...) cũng bình luận: Tuyên truyền, giáo dục là cần thiết nhưng thiết nghĩ cũng cần có biện pháp xử lý khi có người cố ý coi thường các quy tắc chung. Tại sao trẻ em Việt ở nước ngoài về nhất định không đi vệ sinh nếu không đúng chỗ? Trẻ em ta cũng được giáo dục nhưng thực hành kém vì đâu?

Thật buồn khi nhìn các em học sinh vô tư xả rác, các bà các ông đổ nước bẩn ra đường... Tôi cho rằng một phần do gương người lớn. Hãy có biện pháp với người lớn, tự trẻ em sẽ nhận thức được thế nào là sai ngay. Người lớn thực hiện đúng, hướng dẫn trẻ thực hiện đúng, nhiều người đúng thì ai sai sẽ cảm thấy xấu hổ.

Theo bạn, những giải pháp cụ thể nào sẽ giúp người Việt mình loại bỏ được những thói quen xấu? Những câu chuyện bạn thấy đã góp phần làm giảm những hành động xấu?

Hãy chia sẻ cùng TTO qua [email protected] hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài.

Chân thành cảm ơn!

TTO tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên