Tình trạng thiếu chip trên toàn cầu đang trở nên trầm trọng. Ảnh minh hoạ: mtrl.ubc.ca
Chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu đang ngày càng dễ tổn thương trước các thảm họa tự nhiên và biến động về địa chính trị. Hiệp hội Công nghiệp chất bán dẫn đại diện cho hầu hết các nhà sản xuất chip của Mỹ đã đưa ra kết luận trên trong nghiên cứu mới, công bố ngày 30/3, trong bối cảnh tình trạng thiếu chip đang xảy ra trên phạm vi toàn cầu.
Tình trạng thiếu chip trên toàn cầu bắt đầu trở nên trầm trọng sau vụ hỏa hoạn tại một nhà máy ở Nhật Bản, thời tiết băng giá khiến bang Texas của Mỹ mất điện và hạn hán nghiêm trọng tại Đài Loan (Trung Quốc). Một số dây chuyền sản xuất tại các nhà máy sản xuất ô tô ở Mỹ, châu Âu và châu Á bị đình trệ.
Quy trình sản xuất chip điện tử hiện đại bao gồm hơn 1.000 khâu và đòi hỏi những quy định phức tạp về sở hữu trí tuệ, công cụ và hóa chất từ khắp nơi trên thế giới. Trong đó, Mỹ dẫn đầu về phần mềm và sở hữu trí tuệ trong thiết kế chip công nghệ cao, trong khi châu Âu sở hữu nhiều loại khí đặc biệt để chế tạo chip. Nhưng khâu sản xuất những con chip phức tạp nhất lại hoàn toàn nằm ở châu Á – trong đó 92% là ở Đài Loan. Nếu Đài Loan ngừng sản xuất chip trong 1 năm, ngành công nghiệp điện tử toàn cầu sẽ thiệt hại hơn 500 tỷ USD doanh thu, thậm chí chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu phải dừng lại.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cảnh báo cách tiếp cận đơn phương của các nước nhằm tự điều chỉnh chuỗi cung ứng trong nước có thể tiêu tốn tới 1.200 tỷ USD trên phạm vi toàn cầu, trong đó riêng Mỹ phải gánh chịu đến 450 tỷ USD, khiến giá các con chip sẽ tăng vọt. Do đó, hiệp hội kêu gọi các sáng kiến giúp đẩy mạnh năng lực sản xuất tại những khu vực thiếu bất kỳ khâu nào trong chuỗi cung ứng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận