29/11/2018 09:24 GMT+7

Tính toán của Kiev trong khủng hoảng biển Azov

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Vụ va chạm tại eo biển Kerch giữa Nga và Ukraine xảy ra vào thời điểm khá nhạy cảm khi Ukraine sắp có cuộc bầu cử vào mùa xuân 2019 và Tổng thống Petro Poroshenko đang mất điểm.

Tính toán của Kiev trong khủng hoảng biển Azov - Ảnh 1.

Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) áp giải một thủy thủ Ukraine sau một phiên tòa tại Simferopol ngày 27-11 - Ảnh: REUTERS

Cũng trong ngày 27-11, Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) đã công bố đoạn băng ghi lại lời khai của 3 thủy thủ Ukraine bị bắt, thừa nhận họ đã phớt lờ cảnh báo của cảnh sát biển Nga và không chấp hành mệnh lệnh dừng lại.

Nga đưa thêm tên lửa S-400 đến Crimea

Cuộc khủng hoảng giữa hai người hàng xóm Đông Âu đã kéo dài đến ngày thứ tư (tính đến ngày 28-11) sau khi quân đội Nga dùng vũ khí buộc 3 tàu chiến của Ukraine phải ngừng lại và bắt giữ các tàu này cùng 24 thủy thủ người Ukraine, với cáo buộc họ đã đi vào vùng lãnh hải của Nga tại biển Azov ngày 25-11.

Trong diễn biến mới nhất, Bộ Quốc phòng Nga ngày 28-11 thông báo nước này sẽ sớm triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-400 thế hệ mới trên bán đảo Crimea, theo báo Nga The Moscow Times.

Việc quân đội Nga triển khai tên lửa phòng không hạng nặng trên bán đảo Crimea vốn sáp nhập vào Nga từ năm 2014 không phải là mới. Từ năm 2017, Nga đã cho triển khai 3 hệ thống phòng không S-400 ở Crimea.

Trước đó ngày 27-11, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cảnh báo nguy cơ một "cuộc chiến tranh toàn diện" với Nga và cáo buộc chính quyền Matxcơva đã tăng cường hiện diện quân sự tại biên giới chung giữa hai nước.

Ngoài ra, ông Poroshenko cũng trích dẫn các báo cáo tình báo cho biết số binh lính Nga triển khai dọc biên giới Ukraine - Nga đã tăng lên đáng kể và số lượng xe tăng lên gấp ba.

Một tòa án tại Simferopol, thành phố chính của Crimea, ngày 27-11 đã ra lệnh bắt giam 2 tháng đối với 12 trong số 24 thủy thủ trên 3 tàu chiến Ukraine bị phía Nga bắt giữ. Ba thủy thủ bị thương đang được điều trị tại bệnh viện cũng chính thức bị giam trong 2 tháng.

Số thủy thủ Ukraine còn lại ra tòa trong ngày 28-11. Động thái này, theo AFP, có thể sẽ "đổ thêm dầu" vào căng thẳng hiện tại giữa Nga và Ukraine.

Chính quyền Kiev kêu gọi phía Nga trả tự do cho các thủy thủ Ukraine và bảo vệ quan điểm biển Azov là khu vực chia sẻ giữa hai nước theo một hiệp định mà Ukraine đã ký với Nga năm 2003. Tổng thống Poroshenko cũng thúc giục các đồng minh phương Tây áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt lên Matxcơva.

Hủy thượng đỉnh Nga - Mỹ ở G20?

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 27-11 gọi các hành động của Nga là "một sự leo thang nguy hiểm" và nói rằng chính quyền Washington muốn thấy "các đồng minh châu Âu hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine".

Cho đến nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ lên tiếng một lần về vụ việc này. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 27-11, ông Putin gọi việc chính quyền Kiev ban hành thiết quân luật là hành động thiếu suy nghĩ và bày tỏ hi vọng Berlin có thể can thiệp để "khuyên can các nhà chức trách Ukraine không thực hiện thêm bất kỳ hành động thiếu suy nghĩ nào nữa".

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 27-11 kêu gọi "kiềm chế tối đa", thúc giục các bên nhanh chóng "thực hiện các bước để kìm hãm cuộc khủng hoảng và giảm căng thẳng".

Cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine cũng đe dọa đến quan hệ ngoại giao Nga - Mỹ, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo ông có thể hủy cuộc họp với ông Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina cuối tuần này.

"Tôi có thể sẽ không dự cuộc họp" - ông Trump nói với báo Washington Post. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng nói rằng quyết định cuối cùng còn tùy thuộc vào kết quả báo cáo của các cố vấn an ninh quốc gia Mỹ về sự cố trên biển Azov. Thế nhưng, phát biểu tại một diễn đàn tài chính ở Matxcơva ngày 28-11, Tổng thống Putin nói ông vẫn hi vọng có thể gặp ông Trump bên lề G20.

Ukraine chưa đủ năng lực đáp trả

Nhà phân tích các vấn đề toàn cầu và cựu phát ngôn của Tổ chức Hợp tác và an ninh tại châu Âu, ông Michael Bociurkiw, nhận định rằng bất chấp các tuyên bố giận dữ tại Hội đồng Bảo an LHQ, trong khối NATO hay tại EU thì hành động trừng phạt Nga thêm nữa rất có thể không xảy ra, đặc biệt là với Mỹ.

"Giống như Trung Quốc với các hành động khiêu khích tại Biển Đông, Nga sẽ vẫn tiếp tục hành động mà không bị trừng phạt trừ khi hành vi của nước này tạo ra hậu quả nghiêm trọng" - ông Bociurkiw nhận định.

Ông Bociurkiw cho rằng sự kiện ngày 25-11 cũng minh chứng rằng Ukraine không được chuẩn bị sẵn sàng để đáp trả một cuộc tấn công trên biển từ Nga. Trong khi đó, nghị sĩ Quốc hội Ukraine Viktor Romaniuk cũng thừa nhận lực lượng hải quân Ukraine được mô tả là nghèo nàn.

Có một sự thật gây sốc là một trong những con tàu Ukraine bị Nga bắt giữ trên biển Azov là một tàu cá chuyển đổi công năng với một khẩu súng máy ở phía đuôi tàu.

Matxcơva nỗ lực ngăn xung đột với Kiev

Nói với Hãng tin Sputnik ngày 28-11, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachev khẳng định Matxcơva sẽ nỗ lực để ngăn chặn một cuộc xung đột quân sự với Ukraine. Tuy nhiên, ông đồng thời nhấn mạnh EU và NATO phải có trách nhiệm ngăn Ukraine phát động cuộc chiến.

Ông Putin: Nga làm đúng trong vụ bắt tàu chiến Ukraine

TTO - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lần đầu lên tiếng về sự cố trên biển Azoz giữa tàu tuần duyên Nga và tàu chiến Ukraine sau khi người đồng cấp Mỹ Donald Trump dọa hủy cuộc gặp thượng đỉnh bên lề G20.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên